Các chớp sóng vô tuyến tiếp tục trở thành đề tài gây tranh cãi cho các nhà khoa học, với những câu hỏi xoay quanh nguồn gốc của chúng.
Một giả thuyết cho rằng sao từ với từ trường cực mạnh là nguồn phát FRB. (Ảnh: NASA.)
Từ khi được phát hiện lần đầu tiên năm 2001, chớp sóng vô tuyến (FRB) đã thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu. Các nhà thiên văn tìm thấy thêm hàng chục tín hiệu FRB trong vài năm qua và thậm chí đưa ra nhiều suy đoán về nơi chúng bắt nguồn. Tuy nhiên, nguyên nhân gây ra những tín hiệu này vẫn là điều bí ẩn. Một nhóm nhà khoa học ước tính các chớp sóng bắn ra mỗi giây xuyên khắp vũ trụ, theo International Business Times.
Phần lớn nguồn phát FRB chỉ được phát hiện một lần do các chớp sóng mạnh kéo dài vài mili giây. Một chớp sóng đặc biệt ký hiệu FRB 121102 đã nháy thêm 34 lần từ khi được ghi nhận lần đầu tiên năm 2002. Nhờ đó, các nhà thiên văn có thể xác định vị trí của chớp sóng vô tuyến đến từ một thiên hà ở cách chúng ta ba tỷ năm ánh sáng.
Trong nghiên cứu công bố hôm qua trên tạp chí Astrophysical Journal Letters, hai nhà thiên văn học ở Trung tâm vật lý thiên văn Harvard-Smithsonia (CfA) ước tính FRB phát ra ở tốc độ khá nhanh. “Nếu chúng tôi đúng về tốc độ nhanh của FRB, bạn có thể tưởng tượng bầu trời tràn ngập chớp sáng giống như thợ săn ảnh tranh thủ chụp hình người nổi tiếng. Thay vì ánh sáng chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường, những chớp sáng này xuất hiện dưới dạng sóng vô tuyến”, said Anastasia Fialkov ở CfA, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết.
Nghiên cứu của nhóm Fialkov chỉ ra FRB không hiếm gặp như suy đoán trước đây. “Trong thời gian bạn uống một tách cà phê, hàng trăm tín hiệu FRB đã phát ra từ nơi nào đó trong vũ trụ”, Avi Loeb, đồng tác giả nghiên cứu nói. “Nếu có thể tìm hiểu một phần nhỏ trong số đó, chúng ta sẽ có thể khám phá nguồn gốc của chúng”.
“FRB giống như những chớp sáng cực mạnh có thể quan sát qua khoảng cách lớn. Nó cho phép chúng tôi nghiên cứu thuở bình minh của vũ trụ theo cách mới”, Fialkov nói.