Cùng với việc trang bị cho mỗi binh sĩ một bộ đồ lót mặc bên trong, đội quân của Thành Cát Tư Hãn đã gây nên nỗi kinh hoàng trên khắp lục địa Á - Âu trong thế kỷ 13.
Nổi tiếng là một nhà lãnh đạo, quân sự kiệt xuất trong lịch sử thế giới, cuộc đời chinh chiến của Thành Cát Tư Hãn được bao phủ bởi không ít giai thoại ly kỳ, bí ẩn.
Tương truyền rằng, vó ngựa Mông Cổ dưới thời Thành Cát Tư Hãn đã từng tạo nên nỗi kinh trên khắp đại lục Á – Âu. Vậy đâu là chìa khóa giúp vị Đại hãn này huấn luyện nên đội quân phi phàm như vậy?
Tổ chức quân đội theo cơ số 10
Trong một công trình nghiên cứu mang tên "Gió bão phương Đông: Từ Thành Cát Tư Hãn đến Hốt Tất Liệt, chia rẽ đại lục Á - Âu", tác giả đã giới thiệu cặn kẽ những đặc thù về tổ chức cũng như trang bị trong đội quân Mông Cổ hồi thế kỷ thứ 13.
Theo đó, dưới thời kỳ trị vì của Thành Cát Tư Hãn, quân đội nắm quyền khống chế đại bộ phận đời sống và tính mạng của người dân. Cụ thể, nam tử từ 14 tuổi trở lên đều phải xung quân, chỉ có thầy thuốc, quan phủ và tăng lữ được miễn chế độ.
Sau khi nhận được lệnh chiêu mộ nhập ngũ, những binh lính trẻ sẽ rời gia tộc, chuẩn bị sẵn từ 4-5 con ngựa tốt. Thê thiếp và con cái cũng có thể đi theo tòng quân. Nhưng sau khi xuất ngũ, toàn bộ tài sản, gia quyến đều phải rời khỏi doanh trại.
Lều chứa thuốc men, quân trang, khí giới được bố trí biệt lập với khu vực đóng quân. Những binh lính mới gia nhập khi tới doanh trại có thể lập tức tới đây nhận trang bị, sau đó chính thức gia nhập quân ngũ.
Thành Cát Tư Hãn tổ chức quân đội Mông Cổ thành các nhóm theo cơ số 10, gồm có: "Yêm ban" – 10 người một đội; "Châm hồn" – 10 yêm ban, tức 100 người 1 đội; "Minh An" – 10 châm hồn, tức 1000 người 1 đội; "Thổ An" – 10 minh an, tức 10.000 người 1 đội.
Các đơn vị này đều do tướng lĩnh phụ trách hậu cần quản lý, cung cấp và điều động.
Thành Cát Tư Hãn đã xây dựng hệ thống tổ chức quân đội vô cùng quy củ, nghiêm ngặt ngay từ rất sớm. (Tranh minh họa).
Có gì trong mỗi chiếc túi trên lưng ngựa của binh lính Mông Cổ?
Mỗi binh lính đều phải tự chịu trách nhiệm về quân trang của mình và trải qua những cuộc kiểm tra định kỳ. Nếu trang bị cá nhân không đầy đủ, họ sẽ bị đuổi ra khỏi quân ngũ và trục xuất về nhà.
Các binh lính đều được cấp cho một bộ đồ lót làm bằng tơ lụa. Đây cũng là giai thoại nổi tiếng về đội quân huyền thoại này.
Người Mông Cổ tin rằng mũi tên dù sắc bén tới nỗi xuyên thủng giáp, nhưng lại không thể xuyên qua tơ lụa. Trong trường hợp người lính trúng tên, tơ lụa sẽ theo đầu mũi tên găm vào vết thương.
Thông thường, việc rút mũi tên ra khỏi cơ thể sẽ làm vết thương bị rách ra và càng trở nên nghiêm trọng. Nhưng khi có đồ lót tơ lụa, lớp tơ lụa này sẽ quấn vào đầu mũi tên, giúp việc rút tên diễn ra dễ dàng và ít đau đớn hơn.
Binh lính có thể tự mình rút tên bằng cách lay nhẹ tơ lụa xung quanh vết thương hoặc có thể nhờ đến sự chữa trị của thầy thuốc mà không lo vết thương bị xé rách.
Cùng với đồ lót tơ lụa, mỗi binh lính càng được trang bị một chiếc áo thắt eo. Đối với kỵ binh nặng, họ còn có thêm áo giáp cùng một tấm giáp quấn quanh ngực.
Các kỵ binh nặng còn được trang bị khiên gỗ, cùng với đó còn có mũ giáp làm từ da hoặc sắt tùy theo cấp bậc. Về vũ khí, mỗi binh sĩ một bộ cung tiễn với túi mũi tên không dưới 60 tên.
Kỵ binh nhẹ được trang bị một thanh kiếm ngắm cùng 2-3 mũi giáo. Trong khi đó kỵ binh nặng sử dụng kiếm dài lưỡi cong, chùy, rìu chiến và một trường mâu dài tới 4 mét.
Quân trang của binh lính còn có cung cấp đủ lương thực, dụng cụ phục vụ cho những chuyến hành quân xa như đồ cho ngựa chiến, dụng cụ nấu ăn, thịt khô, nước, đồ dũa mài mũi tên, kim may quần áo… và nhiều thứ khác dành cho các nhu cầu thiết yếu trên chiến trường.
Những túi quân trang này được làm từ dạ dày bò. Vật liệu đặc biệt này vừa có khả năng chống nước, co giãn tốt, còn có khả năng tự động nổi lên khi rơi xuống dòng nước.
Binh lính Mông Cổ dù đảm nhiệm vị trí nào cũng đều được trang bị từ phục trang, vũ khí tới quân nhu, lương thực vô cùng đầy đủ. (Tranh minh họa).
Biến sở thích du mục thành nội dung huấn luyện quân đội
Chế độ quân đội dưới thời Thành Cát Tư Hãn còn sở hữu một thứ vô cùng trọng yếu. Vị Đại hãn kiệt xuất này đã đem niềm yêu thích của dân du mục trở thành một hình thức huấn luyện quân sự. Đó chính là sở thích vận động, săn bắn.
Hình thức huấn luyện săn mồi sẽ giúp các binh sĩ rèn luyện khả năng sinh tồn và tinh thần phối hợp tác chiến. Con mồi được dùng trong huấn luyện cũng rất đa dạng, từ tuần lộc cho đến lợn rừng, chó sói…
Các khóa huấn luyện đi săn thường diễn ra vào mùa đông, kéo dài 3 tháng. Đây là hình thức huấn luyện bắt buộc và yêu cầu tất cả các binh sĩ đều phải tham gia.
Những khóa huấn luyện săn bắn vào mùa đông đã trở thành hình thức rèn luyện quen thuộc của các binh lính Mông Cổ. (Tranh minh họa).
Căn cứ theo quy mô lớn nhỏ của các đội, tướng lĩnh sẽ áp dụng các loại chiến thuật khác nhau.
Một phân đội nhỏ có thể dàn trận thành hình cánh cung. Các binh lính trong đội hình sẽ mai phục, dẫn dụ con mồi vào đội hình tập kích. Khi con mồi đã lọt vào bẫy, những người mai phục xung quanh sẽ lập tức bao vây và hạ thủ.
Ngụy trang và đánh lừa là chiến thuật nổi bật của quân Mông Cổ, thậm chí giúp họ thu về không ít chiến thắng trên sa trường.
Bên cạnh đó, một loại trận hình thường dùng khác của quân Mông Cổ còn được biết tới với tên gọi "trường xà trận". Trường xà trận đặc biệt hữu dụng khi tác chiến ở sườn núi. Đại hãn và quan lại cao cấp ở trên đỉnh núi có thể chứng kiến toàn bộ quá trình dàn trận và tấn công.
Cụ thể, binh lính sẽ từ điểm đầu tiên tập hợp và xếp thành một hàng dài, có lúc trải dài tới 130 cây số. Khi có tín hiệu, toàn bộ quân lính với đầy đủ khí giới sẽ lập tức phóng tới điểm cuối, đội hình lúc này chuyển sang hình cung, tựa như con rắn đang uốn cong mình để ngậm lấy đuôi.
Đoàn quân sẽ quét sạch toàn bộ những con mồi trên đường đi, dồn chúng vào vòng vây. Điểm đáng nói là từ khi dàn trận cho tới lúc bao vây, tập hợp, binh lính tuyệt đối không được ra tay giết chết con mồi, càng không được phép để con mồi chạy thoát khỏi vòng vây.
Trong toàn bộ quá trình này, tướng lĩnh sẽ theo sau binh lính để theo dõi, hướng dẫn và chỉ huy hành động của họ.
Sau khi toàn bộ con mồi đã bị dồn vào điểm cuối, Đại hãn sẽ tiến vào vòng vây, chọn cho mình một con mồi để hạ thủ. Đây là một hình thức khích lệ tinh thần chiến đấu của binh sĩ, bởi họ sẽ được chứng kiến tài nghệ của người lãnh đạo tối cao.
Sau đó, Đại hãn sẽ lên núi, nhường cho các binh lính những con mồi còn lại. Vào lúc này, mỗi người đều có cơ hội thể hiện bản thân trước mặt tướng lĩnh. Họ có thể dùng kiếm, cung tên hoặc trường mâu để phô diễn tài nghệ của mình khi hạ con mồi.
Sau cùng, người già và trẻ em sẽ thỉnh cầu Đại hãn đem những con mồi còn sống phóng sinh. Cuộc đi săn cũng chính thức kết thúc sau nghi thức phóng sinh này.
Trong những cuộc tập luyện đi săn, mỗi người lính Mông Cổ đều có cơ hội phô diễn khả năng võ thuật của mình. (Tranh minh họa).
Bên cạnh cưỡi ngựa, bắn cung và kiếm thuật, các binh lính Mông Cổ còn được rèn luyện về tính kỷ luật vô cùng nghiêm khắc, phải luôn phục tùng tuyệt đối mệnh lệnh của cấp trên và phối hợp linh hoạt với nhau.
Mặc dù những chiến thuật của họ về mặt bản chất không khác biệt so với chiến thuật của các bộ lạc du mục, nhưng chính mưu lược và sự sáng tạo đã khiến quân đội của họ phát triển vượt bậc.
Thông qua hàng loạt hình thức huấn luyện, đế chế Mông Cổ đã hình thành một đội quân tràn đầy sức chiến đấu với kỹ thuật quân sự đỉnh cao thời bấy giờ.
Vậy nhưng, ngay cả khi đã xưng bá trên khắp đại lục Á Âu, đội quân tưởng như "bất khả chiến bại" ấy lại từng thất bại tới 3 lần trên lãnh thổ Đại Việt.
Thắng lợi của quân dân nhà Trần trước một trong những đại quân hùng mạnh nhất trong lịch sử đã thể hiện sức mạnh quân sự tuyệt vời của dân tộc mang trong mình dòng máu "con rồng cháu tiên".