Rào cản ngăn vó ngựa Mông Cổ tràn vào châu Âu

  •   46
  • 12.447

Vó ngựa Mông Cổ đã từng là nỗi khiếp sợ cho những vùng đất đội quân này xuất hiện. Tuy nhiên, đã bao giờ bạn băn khoăn về lý do tại sao đế chế hùng mạnh này lại tan rã hay thất bại? Những đầm lầy hình thành ở Hungary vào mùa xuân năm 1242 đập tan tham vọng xâm chiếm toàn bộ châu Âu của đế chế Mông Cổ.

Năm 1241, quân đội Mông Cổ tràn vào Hungary, đánh bại liên quân Ba Lan và Hungary, buộc vua nước này phải tháo chạy. Năm 1242, dù không gặp bất kỳ trở ngại lớn nào về mặt quân sự, quân đội Mông Cổ đột ngột ngừng cuộc xâm lược và rút lui. Một nghiên cứu mới về khí hậu Đông Âu ở thời điểm đó đưa ra lý giải cho sự rút lui bí ẩn này, theo LiveScience.

Theo tác giả nghiên cứu, quân Mông Cổ đã bị sa lầy. Những dữ liệu thu thập được từ vòng cây cho thấy năm 1242, Hungary trải qua mùa đông lạnh và nhiều tuyết rơi kéo theo mùa xuân ẩm ướt. Kết quả là những đồng cỏ rộng lớn ở Hungary biến thành đầm lầy, sử gia Nicola Di Cosmo ở Đại học Princeton, Mỹ cho hay.

Quân Mông Cổ vốn phụ thuộc vào ngựa nên không thể di chuyển hiệu quả trên vùng đất mềm ướt và đoàn chiến mã không có thức ăn do rất ít đồng cỏ còn sót lại.

Quân Mông Cổ đột ngột rút khỏi Hungary năm 1242.
Quân Mông Cổ đột ngột rút khỏi Hungary năm 1242. (Ảnh minh họa: Wordpress).

Cuộc xâm lược Hungary của đế quốc Mông Cổ diễn ra sau cái chết của Thành Cát Tư Hãn năm 1227. Người con trai kế vị ông là Oa Khoát Đài dẫn quân Mông Cổ tiến vào nước Nga năm 1235, tiếp đó là Đông Âu năm 1240.

Nhiều tướng lĩnh Mông Cổ mang theo ít nhất 130.000 quân và 500.000 con ngựa xâm chiếm Hungary vào mùa xuân năm 1241, theo nghiên cứu công bố hôm 26/5 trên tạp chí Scientific Reports. Quân Mông Cổ liên tiếp giành phần thắng trong những trận chiến quan trọng vào tháng 4 năm đó, đánh bại cả quân đội Ba Lan và Hungary, đồng thời thiết lập hệ thống cai trị ở miền đông Hungary.

Trong các tháng đầu năm 1242, sông Danube và những con sông khác trong khu vực đóng băng, cho phép quân Mông Cổ tiến xuống phía tây Hungary, nơi đoàn quân chinh chiến suốt vài tháng trước khi bất ngờ tháo lui.

Ulf Büntgen, nhà nghiên cứu khí hậu ở Viện Nghiên cứu Liên bang Thụy Sĩ WSL, đồng tác giả nghiên cứu, kiểm tra dữ liệu vòng cây ở phía bắc Scandinavia, dãy núi Ural vùng cực, Carpat ở Romania, Alp ở Áo và Altai ở Nga để khám phá những nhân tố khí hậu dẫn đến hành động rút lui của quân Mông Cổ.

Các giả thuyết trước đây cho rằng có thể cái chết của Oa Khoát Đài vào tháng 12/1241 thôi thúc đại tướng chỉ huy quân Mông Cổ hồi hương. Nhưng cách lý giải này không hợp lý bởi vị đại tướng này không trở về Mông Cổ với ý đồ tranh giành quyền lực mà dừng chân ở nước Nga, theo Di Cosmo.

Vòng cây ghi lại sự phát triển vào mùa hè và chững lại vào mùa đông của cây cối. Các nhà nghiên cứu có thể sử dụng vòng cây để suy đoán điều kiện thời tiết trong một năm cụ thể. Dữ liệu mà Büntgen kiểm tra chỉ ra nhiệt độ trên mức trung bình ở Hungary giữa năm 1238 và 1241, theo sau là mùa hè lạnh đột ngột từ năm 1242 đến 1244. Năm 1242, khu vực bao quanh phía nam Ba Lan, Cộng hòa Séc, phía tây Clovakia, tây bắc Hungary và phía đông nước Áo vô cùng ẩm ướt.

Theo Di Cosmo, kết luận mùa đông ẩm ướt ngăn cản vó ngựa quân Mông Cổ rất hợp lý bởi vùng đồng cỏ của Hungary nổi tiếng lầy lội trước khi kế hoạch nạo vét diễn ra vào thế kỷ 18 và 19. Quân Mông Cổ cũng rút lui qua các lộ trình khác với tuyến đường xâm lược ban đầu, men theo chân dãy Carpat và nhiều vùng đất cao khác. "Tất cả những điều này là bằng chứng cho thấy quân Mông Cổ không mấy vui vẻ với địa hình họ đi qua", Di Cosmo nói.

Cập nhật: 03/04/2018 Theo VnExpress
  • 46
  • 12.447