Đêm qua 3-12, vị trí tâm bão Durian (bão số 9) ở vào khoảng 13,4 độ vĩ bắc, 112,4 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa khoảng 360km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (118-149km/giờ), giật trên cấp 13.
Trong ngày hôm qua bão đã đột ngột mạnh lên hai cấp chứ không suy yếu đi như các dự báo trước đó. Ghi nhận của Trung tâm cảnh báo bão Hải quân Mỹ (JTWC) cho thấy bão Durian đã nâng sức gió từ 139km/giờ (cấp 13) lên 167km/giờ (cấp 15).
Gần 1.000 tàu thuyền tập trung tránh bão ở cảng Cà Ná, Ninh Thuận (ảnh chụp lúc 21g30 tối 3-12)
(Ảnh: TTO)
Các cơ quan khí tượng quốc tế và VN đều cùng chung nhận định chiều tối nay vùng tâm bão sẽ đổ bộ vào khu vực phía nam Nha Trang, sau đó di chuyển tiếp theo hướng tây tây nam, đi qua khu vực Tây Ninh, Bình Phước. Khi vào đến đất liền bão vẫn có sức gió khoảng 139km/giờ (cấp 13), giật 167km/giờ (cấp 15), với sức gió này sự tàn phá sẽ rất lớn.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương (NCHMF) dự báo trong 24 giờ tới bão di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 16 giờ chiều nay 4-12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,2 độ vĩ bắc, 109,7 độ kinh đông, cách bờ biển Khánh Hòa khoảng 60km về phía đông.
Khoảng tối nay vùng tâm bão có khả năng đi qua địa phận các tỉnh ven biển từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận, suy yếu đi một ít và đi sâu vào đất liền. Đến 19 giờ ngày 5-12 vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,5 độ vĩ bắc, 105,9 độ kinh đông, trên địa phận các tỉnh Bình Phước và Tây Ninh.
Từ sáng sớm nay, các tỉnh ven biển từ Bình Định đến Bình Thuận gió sẽ mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão cấp 11, cấp 12, giật trên cấp 12. Vào chiều nay, các tỉnh phía nam Tây nguyên và Đông Nam bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật trên cấp 10.
Sơ đồ dự báo hướng đi của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho thấy bão Durian nhiều khả năng đổ bộ vào Khánh Hòa - Ninh Thuận và TP.HCM nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp (Ảnh: TTO) |
Ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận, phía nam Tây nguyên, Nam bộ và vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, cần đề phòng lốc xoáy. Vùng ven biển các tỉnh Bình Định đến Bình Thuận cần đề phòng nước dâng cao do bão kết hợp với thủy triều cao 3-4m và sóng biển cao 5-7m.
Các tỉnh miền Đông Nam bộ cần đề phòng mưa to sinh ra lũ trên sông miền Đông, mực nước các sông từ Quảng Trị đến Ninh Thuận và khu vực nam Tây nguyên sẽ lên nhanh.
Bà Lê Thị Xuân Lan, phó phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn Nam bộ, nhận định dù bão có vào tỉnh nào trong khu vực Nam Trung bộ thì TP.HCM cũng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Sẽ có gió cấp 6, 7 giật cấp 8 và gió xoáy nên rất nguy hiểm. Như vậy trong 10 năm qua mới lại có một cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến TP.HCM.
Durian, một cơn bão kỳ dị Thông thường, cuối tháng mười một là thời điểm kết thúc mùa bão, sau thời điểm này rất hiếm khi bão xuất hiện và nếu có thường không phải là bão mạnh. Nhưng bão Durian đã mạnh lên đến mức siêu bão. Đây là một điều hết sức bất bình thường. Không những là bất bình thường mà còn phải gọi là kỳ dị khi mọi dự báo của các cơ quan khí tượng quốc tế trước ngày hôm qua đều cho rằng bão sẽ suy yếu nhanh và khi vào đất liền chỉ có sức gió rất yếu (khoảng cấp 8). Và bão đã đi theo xu hướng này, khi vượt qua đảo Luzon (Philippines) bão đã suy yếu nhanh, từ trên cấp 17 chỉ còn cấp 13, 14. Nhưng rạng sáng qua bão đột ngột mạnh lên. Ghi nhận của JTWC là bão mạnh cấp 15. Chuyện này đã làm đảo lộn mọi dự báo. Một chuyện cũng kỳ lạ khác là thường bão cuối mùa nếu có bất bình thường thì bão thay đổi với hướng đi phức tạp nhưng bão Durian đã di chuyển khá ổn định.
|
K.V