Tóm tắt báo cáo đặc biệt của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu: Bắc Cực chúng ta từng biết đã biến mất, hãy tin vào mắt của bạn

Những nghiên cứu được trình bày trong báo cáo IPCC rất có giá trị, Mathis từ Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ cho biết. Nhưng "bạn không nhất thiết phải là một nhà khoa học để biết điều gì đang xảy ra ", ông nhấn mạnh.

Các đại dương của chúng ta đang rất bất ổn. Khoảng 1,4 tỷ tỷ mét khối nước trong đó đang dâng lên, ấm hơn, hòa tan ngày càng nhiều axit nhưng lại mất bớt oxy.

Kết luận được rút ra từ một báo cáo đặc biệt về tình hình khí hậu của Liên Hợp Quốc, với sự góp mặt của hơn 100 nhà khoa học đến từ 36 quốc gia trên thế giới. Họ đã trích dẫn 6.900 nghiên cứu để cho ra một bách khoa thư đánh giá sự biến đổi của các đại dương và băng quyển, trong bối cảnh cả hành tinh đang không ngừng nóng lên.

"Hơn 90% nhiệt lượng đóng góp vào quá trình nóng lên toàn cầu đang làm ấm các đại dương", Josh Willis, nhà hải dương học của NASA cho biết. Bởi vậy, ông nhấn mạnh "sự nóng lên toàn cầu thực ra là sự nóng lên của đại dương".

Một thực tế, hầu hết các bẫy nhiệt trên Trái Đất đều được đại dương hấp thụ. Đó chính là tấm lá chắn bảo vệ chúng ta khỏi biến đổi khí hậu. Giữa bối cảnh những bẫy nhiệt CO2 này chưa có dấu hiệu suy giảm, hoạt động của đại dương bị phá vỡ có thể chỉ là sự khởi đầu cho một quá trình chuyển đổi đại dương đầy thảm họa.

Bất kỳ ai còn sống và sẽ sống trên hành tinh trong những thập kỷ và thế kỷ tới, chúng ta và thế hệ tương lai sẽ phải đối mặt với mực nước biển dâng và ấm hơn, đi cùng với các tác động khí hậu khác.

Tóm tắt báo cáo đặc biệt của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu: Những ai sống ở thế kỷ 21 nhất định phải đọc

Vấn đề sẽ trở nên tồi tệ hơn, nhưng loài người vẫn có thể hạn chế được hậu quả, đặc biệt là bằng cách kiềm chế triệt để lượng khí thải carbon.

"Nếu chúng ta giảm mạnh khí thải, hậu quả đối với người dân và sinh kế của họ vẫn sẽ tạo ra những thách thức", Hoesung Lee, chủ tịch Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc, cho biết. Nhưng những thách thức sẽ giảm xuống đủ để chúng ta ứng phó và bảo vệ những người, những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Đồng ý với điều này, Jeremy Mathis, một nhà nghiên cứu Bắc Cực lâu năm hiệb là giám đốc hội đồng của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ nói: "Ngay cả với những nỗ lực giảm thiểu [carbon] tích cực, chúng ta vẫn sẽ phải giải quyết hậu quả của một hệ sinh thái và môi trường đã biến đổi".

Cần phải nhắc lại rằng lượng CO2 trong khí quyển của Trái Đất hiện đang tăng vọt. Nó đã không đạt đỉnh như hiện nay trong vòng ít nhất 800.000 năm -  nhiều khả năng có thể là hàng triệu năm.

Và để có cái nhìn toàn diện nhất về những gì đang xảy ra với Trái Đất, ngôi nhà của chúng ta, dưới đây là những tóm tắt quan trọng từ báo cáo mới của Liên Hợp Quốc dành cho bạn:

1. Tình hình nước biển dâng sẽ tồi tệ hơn mức bạn có thể tưởng tượng

Báo cáo của Liên Hợp Quốc kết luận nước biển sẽ không ngừng dâng lên vào những thế kỷ tới. Trong một kịch bản cổ tích nhất, khi con người có thể kiềm chế sự nóng lên của Trái Đất ở ngưỡng 1,5oC so với thời kỳ trước Cách mạng Công nghiệp (mặc dù kịch bản này gần như không thể đạt được), mực nướng biển sẽ chỉ dâng lên từ 0,3-0,6 m vào thời khắc thế kỷ kết thúc.

Nhưng nếu lượng khí thải liên tục tăng cao, IPCC nhận định mực nước biển sẽ dâng tới hơn 1m. Đó là vì các dải băng khổng lồ nhất Trái Đất ở Nam Cực và Greenland khi đó cũng sẽ tan chảy ở tốc độ chưa từng có. Quá trình tan chảy này sẽ kéo dài cho đến cuối thể kỷ 21 và vẫn sẽ còn tiếp tục, theo báo cáo.

Tốc độ dâng lên của mực nước biển.

Mặc dù vậy, Liên Hợp Quốc thường nổi tiếng là cơ quan thận trọng trong việc ước tính các vấn đề khí hậu. Điều đó nghĩa là băng tan chảy ở Nam Cực và Greenland còn có thể làm mực nước biển dâng lên cao hơn nữa.

"Tôi không nghĩ có bất kỳ nhà khoa học nào loại trừ mức 2 m vào năm 2100", Willis tại NASA cho biết. "Tôi nghĩ hầu hết những nhà khoa học đang nghiên cứu về Nam Cực và Greenland đều nghĩ rằng mực nước biển dâng có thể còn cao hơn dự đoán hiện tại".

Phần lớn, đó là do các đại dương nóng lên sẽ ăn mòn và làm tan chảy các bờ sông băng, Willis nói. Ông lưu ý rằng đây là một hiệu ứng đáng kể ảnh hưởng tới Bắc Cực, và các nhà đại dương học chỉ mới bắt đầu tìm hiểu về nó.

Và bạn thử đoán xem, các đại dương chắc chắn sẽ còn tiếp tục ấm lên. "Trong thế kỷ 21, dự đoán rằng các đại dương sẽ chuyển mình qua các điều kiện chưa từng có với mức tăng nhiệt" bên cạnh các thay đổi khác, báo cáo của Liên Hợp Quốc kết luận.

2. Đại dương đang tạo ra những cơn siêu bão

Báo cáo của IPCC nhấn mạnh những cơn siêu bão nhiệt đới hình thành ở nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, bao gồm cả bão ở vùng Đại Tây Dương, biển Caribbe, vùng trung tâm và đông bắc Thái Bình Dương, sẽ ngày càng mạnh hơn, đặc biệt gió sẽ càng mạnh và lượng mưa sẽ cực lớn.

Đó là bởi vì siêu bão được nuôi bằng nước biển ấm. Những cơn bão tự nó có thể tăng bán kính đĩa mây bằng cách hút nước biển bay hơi, và tạo ra những cơn gió mạnh hơn bằng cách chuyển hơi nước thành năng lượng.

Nghiên cứu chỉ ra sự ấm lên đáng kể của nước biển là yếu tố chính, bỏ xa các yếu tố khác, trong việc biến một cơn bão thường ở Đại Tây Dương trở thành siêu bão.

Các đại dương ấm lên ngày càng tạo ra nhiều siêu bão.

Nhưng một cơn bão không nhất thiết phải có gió mạnh mới gây tàn phá. Bão ngày nay thường mang nhiều nước hơn và nhiệt độ mặt nước biển ấm hơn là điều kiện cho chúng.

"Các đại dương hiện ấm hơn rất nhiều so với 50 năm trước đây", Mathis, nguyên giám đốc Chương trình nghiên cứu Bắc cực của Cơ quan Khí quyển và Đại dương (NOAA) cho biết. Ông lưu ý rằng các đại dương ấm hơn tạo ra nhiều hơi nước trong khí quyển, cung cấp nhiều "thức ăn" cho những cơn bão.

"Các đại dương ấm lên sẽ thúc đẩy những sự kiện mưa cực đoan", Mathis nói trong khi dẫn chứng về sự kiện bão Imelda đã tàn phá bờ biển Texas. Imelda trở thành một trong những cơn bão nhiều nước nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. "Cơn bão đó chỉ mất 12 tiếng để hình hành nhưng đã kéo lượng mưa trong khu vực tăng đột biến lên 42 inch".

3. Mọi thứ đều đang biến đổi

Báo cáo đặc biệt của Liên Hợp Quốc không chỉ tập trung vào các đại dương, mà còn đề cập đến toàn bộ nước trên hành tinh - còn được gọi là thủy quyển. Thủy quyển sẽ bao gồm cả sông băng trên đỉnh Everest, những tảng băng ở Greenland và nước ở hàng ngàn mét dưới mặt biển.

"Tôi nghĩ rằng phần quan trọng nhất của bản báo cáo và thông điệp được gửi gắm bên trong đó là: Sự thay đổi khí hậu do con người gây ra đang ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của thủy quyển, thành tố chính hỗ trợ sự sống", Jeremy Owens, nhà sinh vật học biển tại Đại học Florida cho biết.

Quan trọng hơn, các tảng băng và sông băng của Trái Đất đang nhỏ lại. Những sông băng trên mọi lục địa ngoại trừ Úc (nơi không có sông băng) đang bị thu hẹp diện tích hoặc chết dần. Nguy cấp hơn, những ngọn núi đang mất đi lớp tuyết phủ, cũng là mất đi một nguồn nước quan trọng cung cấp cho mùa ấm hoặc mùa khô.

Những sông băng đang tan chảy.

"Tuyết rất tốt, nhưng chúng ta ngày càng có ít tuyết hơn", Heidi Steltzer, tác giả chính của báo cáo IPCC cho biết.

Đại dương ấm lên sẽ gây ra rất nhiều hậu quả. Owens lưu ý biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến nhiệt độ nước (gây hậu quả nghiêm trọng đối với sinh vật biển), khả năng phân tán chất dinh dưỡng quanh đại dương, tính axit trong đại dương (khi đại dương hấp thụ CO2 từ không khí) và nồng độ oxy trong nước - thứ mà sinh vật biển cần để hô hấp.

4. Bắc Cực chúng ta từng biết đã biến mất

Bắc Cực là nơi bị tàn phá nặng nề nhất trên Trái Đất. Đó là bởi khu vực này đã ấm hơn gấp đôi so với phần còn lại của toàn cầu. Lớp băng trên biển bao phủ một Bắc Băng Dương rộng lớn vì vậy cũng đang tan biến.

Chỉ trong tuần này, diện tích băng biển ở Bắc Cực đã giảm xuống mức thấp thứ hai trong lịch sử, nhỏ hơn 2 triệu km2 so với mức băng tối thiểu trung bình trong các thập kỷ trước, những thập kỷ lạnh hơn.

"Những thay đổi nhanh chóng ở Bắc Cực là một số chỉ số rõ ràng nhất về biến đổi khí hậu do con người tạo ra", Zack Labe, một nhà khoa học khí hậu, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học California cho biết.


Bắc Cực có thể sẽ không hề còn bằng trong mùa hè.

Báo cáo cho thấy ngay cả khi nền văn minh của chúng ta ổn định khí hậu ở mức tăng 1,5oC, Bắc Cực cũng vẫn sẽ tiếp tục mỏng đi. Nhưng chúng ta sẽ hạn chế được khả năng phải chứng kiến một Bắc Cực không hề có băng trong mùa hè (giai đoạn tháng 9) ở ngưỡng 100 năm một lần.

Còn nếu hành tinh ấm lên tới 2oC trong thế kỷ này, băng ở Bắc Cực có thể sẽ tan chảy hoàn toàn vào tháng 9 cứ mỗi 3 năm một lần. Trên thực tế, hành tinh của chúng ta đã nóng lên 1,1oC kể từ cuối những năm 1800. Vì vậy, mức 1,5oC đang tiến đến rất nhanh.

5. Hãy tin vào đôi mắt của chính bạn

Những nghiên cứu được trình bày trong báo cáo IPCC rất có giá trị, Mathis từ Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ cho biết. Nhưng "bạn không nhất thiết phải là một nhà khoa học để biết điều gì đang xảy ra ", ông nhấn mạnh.

Đó là vì hậu quả từ một đại dương và khí quyển nóng lên không ngừng là thứ mà mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường.

Hai lần trong ba năm qua, bờ biển vịnh Texas đã có những trận bão với lượng mưa lớn hơn 40 inch, Mathis lưu ý, bao gồm cả sự kiện mưa lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Và với bão nhiệt đới Imelda, Texas hiện có thể đã trải qua 5 "trận lụt 500 năm mới có một lần" trong vòng chỉ 5 năm.

"Điều đó thật bất thường và không thể tưởng tượng nổi. Bạn không cần phải là một nhà khoa học để biết rằng đó là điều không bình thường", Mathis nói.

"Hãy tin vào mắt của bạn".

Bạn không nhất thiết phải là một nhà khoa học để biết điều gì đang diễn ra.

Chúng ta đã và đang phải đối mặt với một đại dương đang nóng lên và bị phá vỡ. Và với lượng khí thải carbon tăng lên, chúng được dự đoán sẽ còn ấm lên nữa, nước biển dâng sẽ còn tiếp tục dâng. Đó là một quy tắc vật lý.

"Chúng ta đang nhìn chằm chằm vào một họng súng, trước một số tác động kinh tế và môi trường lớn đã bắt đầu xảy ra", Willis từ NASA nhấn mạnh. "Tất cả các báo cáo dự đoán tình hình sẽ còn tồi tệ hơn rất nhiều".

Cập nhật: 22/10/2019
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video