Sự biến đổi các điều kiện khí hậu và thời tiết tại Bắc Cực gần như là không thể đảo ngược và toàn bộ khu vực này đang chuyển sang một trạng thái khí hậu mới.
Khẳng định trên được Cơ quan khí tượng thủy văn Mỹ NOAA đưa ra trong một báo cáo được soạn thảo với sự tham gia của các chuyên gia Nga, Đan Mạch, Canada và Đức, và công bố ngày 22/10.
Báo cáo nêu rõ nhiệt độ cao kỷ lục tại phần Bắc Cực thuộc Canada và Greenland, diện tích lớp băng bao phủ mùa hè giảm, diện tích tuyết giảm kỷ lục do những điều kiện thời tiết nhất định tại Bán cầu Bắc là minh chứng cho nhận định nói trên.
Có số liệu cho thấy ảnh hưởng của nhiệt độ cao tại các tầng hạ lưu khí quyển vào mùa Thu đã dẫn tới biến đổi hoàn lưu khí quyển tại Bắc Cực cũng như tại các vĩ độ trung bình của Bán cầu Bắc.
Mùa Đông 2009-2010 cho thấy những mối liên hệ mới giữa nhiệt độ thấp bất thường trong thời tiết có tuyết tại các vĩ độ trung bình với những biến đổi trong sơ đồ hoàn lưu gió tại Bắc Cực - được gọi là mô hình "Bắc Cực ấm - lục địa lạnh."
Diện tích băng trôi tại Bắc Cực vào tháng 9/2010 đã đạt tới mức thấp nhất lần thứ 3 kể từ khi tiến hành các theo dõi vệ tinh năm 1979. Ngoài ra, người ta còn ghi nhận được sự sụt giảm diện tích băng vĩnh cửu tại biển Bôphót.
Theo các nhà khoa học, bề mặt nước đại dương vẫn ít muối hơn nhiều so với những năm 1970.
Tại vùng lòng chảo Canada, các nhà khoa học ghi nhận sự gia tăng đáng kể hàm lượng axít cácbôních hoà tan trong các lớp bề mặt của nước, làm nước có nồng độ axít cao hơn, gây nguy hiểm cho các sinh vật có xương hay vỏ canxi.
Ngoài ra, sự ấm lên còn dẫn tới việc các loài sinh vật biển ở Bắc Cực dần dần bị lấn át bởi các loài sinh vật cận Bắc Cực, vốn không phụ thuộc vào lớp băng đại dương.
Số liệu về điều kiện thời tiết trên lục địa khẳng định rằng sự ấm lên ở Bắc Cực kéo theo sự gia tăng đáng kể biên độ dao động nhiệt độ theo thời gian và khu vực.
Sự gia tăng nhiệt độ kéo theo số vụ hỏa hoạn tăng lên tại nhiều khu vực, sự ấm lên còn kéo theo tình trạng tan chảy các dòng sông băng vĩnh cửu.
Theo báo cáo nói trên, tại Bắc Cực, các dòng sông băng tiếp tục bị huỷ hoại. Chẳng hạn tại Greenland, diện tích băng đang giảm ở mức 120 km2 mỗi năm.