Một số tình trạng sức khỏe, chế độ ăn uống và di truyền có thể khiến acid uric tăng cao. Tránh uống rượu và hạn chế một số thực phẩm và đồ uống có thể giúp giảm acid uric.
Những cách đào thải acid uric đơn giản
Acid uric là một chất thải tự nhiên từ quá trình tiêu hóa thực phẩm có chứa purine. Purine có nhiều trong một số thực phẩm. Purine cũng được hình thành và phân hủy trong cơ thể.
Thông thường, cơ thể lọc acid uric qua thận và qua nước tiểu. Nếu bạn tiêu thụ quá nhiều purine hoặc nếu cơ thể bạn không thể loại bỏ chất thải này đủ nhanh, acid uric có thể tích tụ trong máu.
Theo chuyên trang y tế Healthline, mức acid uric tiêu chuẩn là dưới 6,8 mg/dL. Nồng độ acid uric cao (trên 6,8 mg/dL) được coi là tăng acid uric máu. Điều này có thể dẫn đến bệnh gout và làm cho máu và nước tiểu có tính acid cao.
Acid uric cao có thể dẫn đến bệnh gout. (Ảnh minh họa).
Triệu chứng của tăng acid uric máu
Những triệu chứng thường thấy của tăng acid uric máu là các triệu chứng của bệnh gout và sỏi thận. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, tình trạng acid uric cao sẽ không có dấu hiệu cụ thể để nhận biết. Triệu chứng chỉ xuất hiện khi tình trạng đã kéo dài một thời gian mà không được điều trị thích hợp, và mức độ bệnh cũng nghiêm trọng hơn.
Những triệu chứng phổ biến của bệnh gout bao gồm:
- Sưng, nóng, đỏ, đau khớp
- Giới hạn vận động các khớp, bệnh nhân đi lại khó khăn
- Cứng khớp, biến dạng khớp khi bệnh kéo dài
- Nổi hạt tophi dưới da.
Triệu chứng của sỏi thận là đau quặn bụng, tiểu ra máu, rối loạn đi tiểu như đi tiểu thường xuyên, nước tiểu đục, có mùi hôi nồng hoặc lẫn máu.
Dưới đây là những cách có thể giúp bạn giảm acid uric trong cơ thể một cách tự nhiên, theo chuyên trang y tế Healthline.
1. Hạn chế thực phẩm giàu purine
Thực phẩm giàu purine bao gồm một số loại thịt, hải sản và rau. Những thực phẩm này đều góp phần tạo ra acid uric khi tiêu hóa.
Dưới đây là một số thực phẩm giàu purine:
- Thịt đỏ
- Nội tạng động vật
- Cá
- Động vật có vỏ
- Thịt gia cầm
Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy việc giảm ăn các loại rau giàu purine có thể không ảnh hưởng đến nồng độ acid uric.
2. Giảm tiêu thụ đường
Fructose là đường tự nhiên có trong trái cây và mật ong. Khi cơ thể phân hủy đường fructose, nó sẽ giải phóng purine và làm tăng nồng độ acid uric.
Lưu ý rằng đường fructose trong đồ uống được hấp thụ nhanh hơn đường trong thực phẩm nguyên chất vì đồ uống không chứa chất xơ, protein hoặc các chất dinh dưỡng khác. Các loại đường khác được thêm vào thực phẩm bao gồm đường ăn, xi-rô ngô. Nghiên cứu từ năm 2020 cho thấy vì đường tinh luyện được hấp thụ nhanh hơn nên nó có thể làm tăng lượng đường trong máu nhanh hơn và dẫn đến tăng acid uric.
Nghiên cứu từ năm 2020 cho thấy vì đường tinh luyện được hấp thụ nhanh hơn nên nó có thể làm tăng lượng đường trong máu nhanh hơn và dẫn đến tăng acid uric. (Ảnh minh họa)
Dưới đây là một số cách để giảm lượng đường tiêu thụ:
- Ăn nhiều thực phẩm toàn phần hơn.
- Hạn chế thực phẩm chế biến, đóng gói.
- Kiểm tra bao bì thực phẩm để biết lượng đường bổ sung.
- Làm dịu cơn thèm đường bằng trái cây tươi.
- Thay thế đồ uống có đường bằng nước lọc, đồ uống không đường hoặc cà phê không đường.
3. Uống nhiều nước hơn
Uống nhiều nước giúp thận thải acid uric nhanh hơn. Thận lọc khoảng 70% acid uric trong cơ thể.
Uống đủ nước có thể giúp hỗ trợ thận và có thể làm giảm nguy cơ sỏi thận do acid uric.
Một số mẹo để uống nhiều nước hơn là luôn mang theo một chai nước bên mình, đặt báo thức mỗi giờ để nhắc bạn uống nước.
4. Tránh uống rượu bia
Uống rượu bia có thể khiến bạn mất nước nhiều hơn. Nghiên cứu từ năm 2021 cho thấy rượu bia cũng có thể gây ra nồng độ acid uric cao.
Một số loại đồ uống có cồn, chẳng hạn như bia, chứa hàm lượng purine cao hơn những loại khác. Tuy nhiên, ngay cả những loại có hàm lượng purine thấp hơn cũng có thể làm tăng sản xuất purine.
Rượu bia làm tăng quá trình chuyển hóa nucleotide, một nguồn purine khác có thể biến thành acid uric. Điều này cũng ảnh hưởng đến tốc độ bài tiết acid uric, dẫn đến tăng nồng độ acid uric trong máu.
Uống rượu bia có thể khiến bạn mất nước nhiều hơn. (Ảnh minh họa).
5. Uống cà phê
Nghiên cứu từ năm 2016 cho thấy cà phê có thể giúp giảm nồng độ acid uric trong máu theo hai cách chính:
- Cà phê cạnh tranh với enzyme phân hủy purine trong cơ thể, làm giảm tốc độ sản xuất acid uric.
- Cà phê làm tăng tốc độ bài tiết acid uric của cơ thể.
Nghiên cứu khác từ năm 2016 cho thấy có đủ bằng chứng ủng hộ khả năng giảm nồng độ acid uric của caffeine. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng cần có những nghiên cứu sâu hơn để làm rõ liệu cà phê có thể ảnh hưởng đến nồng độ acid uric hay không.
6. Quản lý cân nặng
Chất béo dư thừa trong cơ thể có thể góp phần làm tăng nồng độ acid uric. Thừa cân có thể khiến thận hoạt động kém hiệu quả hơn. Điều này cũng có thể làm tăng sản xuất acid uric và giảm sự bài tiết acid uric qua nước tiểu.
Nếu bạn nghi ngờ cân nặng của mình có thể góp phần làm tăng nồng độ acid uric, hãy nhớ nói chuyện với bác sĩ trước khi bắt đầu kế hoạch giảm cân hoặc quản lý cân nặng mới.
Các bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến một chuyên gia dinh dưỡng, người có thể giúp bạn lập một kế hoạch ăn uống cân bằng, bổ dưỡng. Ngoài ra, họ có thể đề xuất kế hoạch tập thể dục hoặc đề xuất thay đổi lối sống.
Nếu bạn nghi ngờ cân nặng của mình có thể góp phần làm tăng nồng độ acid uric, hãy nhớ nói chuyện với bác sĩ trước khi bắt đầu kế hoạch giảm cân. (Ảnh minh họa)
7. Quản lý lượng đường trong máu
Nghiên cứu từ năm 2019 cho thấy tăng acid uric máu có liên quan đến sự phát triển của bệnh tiểu đường và các biến chứng liên quan. Những người có lượng đường trong máu cao, chẳng hạn như những người bị tiền tiểu đường hoặc tiểu đường, cũng có nguy cơ gia tăng các tác dụng phụ của tăng acid uric máu. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ mối liên kết này.
Hãy thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu của bạn, ngay cả khi bạn không mắc bệnh tiểu đường. Các bác sĩ cũng có thể muốn kiểm tra mức insulin trong máu nếu họ nghi ngờ bạn bị kháng insulin.
8. Bổ sung chất xơ
Ăn nhiều chất xơ có thể giúp giảm nồng độ acid uric. Chất xơ cũng có thể giúp cân bằng lượng đường trong máu và insulin, làm tăng cảm giác no, giúp bạn no lâu hơn.
Hầu hết người lớn nên ăn 22–34 gram chất xơ/ngày. Hãy từ từ tăng lượng chất xơ để tránh gặp những khó chịu về tiêu hóa.
Ăn nhiều chất xơ có thể giúp giảm nồng độ acid uric. (Ảnh minh họa).
9. Tăng cường bổ sung vitamin C
Nghiên cứu từ năm 2021 đã phát hiện ra rằng lượng vitamin C cao có thể giúp giảm mức acid uric. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu chính xác vitamin C ảnh hưởng đến nồng độ acid uric như thế nào.
Lượng vitamin C được khuyến nghị hàng ngày là 75–120 miligam (mg) cho hầu hết người lớn, còn giới hạn tối đa là 2.000 mg/ngày.
Bạn cũng có thể nhận được nhiều vitamin C hơn bằng cách ăn thực phẩm giàu vitamin C, đặc biệt là trái cây và rau quả.
10. Ăn quả anh đào
Nghiên cứu từ năm 2019 phát hiện ra rằng ăn quả anh đào và uống nước ép anh đào có thể giúp giảm mức acid uric ở những người mắc bệnh gout. Cần có các nghiên cứu tiếp theo để xác định tác động lâu dài của việc ăn anh đào với nồng độ acid uric.
Quả anh đào có chứa anthocyanin, một hợp chất chống oxy hóa và chống viêm khiến chúng có màu đỏ. Chúng cũng là nguồn cung cấp chất xơ và vitamin C.
Hãy cân nhắc việc ăn vặt với quả anh đào hoặc nhấm nháp một ít nước ép anh đào không đường.