Thuốc chống AIDS làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV, hô hấp nhân tạo theo kiểu mới không cần thổi ngạt, tạo thành công buồng trứng nhân tạo, ... nằm trong số những đột phá y học ấn tượng nhất năm 2010 theo bình chọn của tạp chí Time.
1. Thuốc chống virus làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV
Các loại thuốc kháng virus ARV (antiretroviral) đã cản đường tiến của đại dịch AIDS bằng cách cản trở sự phát triển của virus ở những bệnh nhân dương tính với HIV. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới cho thấy rằng, phương pháp điều trị mạnh mẽ này có thể mang tới thêm một lợi ích khác: một vũ khí chống lây nhiễm căn bệnh thế kỷ ở những người khỏe mạnh.
Trong một thử nghiệm quy tụ gần 2.500 người tình nguyện âm tính với HIV nhưng có nguy cơ cao, dân đồng tính nam ở 6 nước trên thế giới, các nhà nghiên phát hiện, một viên thuốc kháng virus kết hợp có tên gọi Truvada đã làm giảm nguy cơ nhiễm HIV tới 44% so với giả dược. Khi các nhà khoa học xem xét kỹ lưỡng hơn những người tình nguyện đã dùng loại thuốc này một cách nghiêm túc nhất hàng ngày, họ nhận thấy nguy cơ nhiễm HIV thậm chí còn thấp hơn 73% so với nhóm dùng giả dược.
Giới chuyên môn đánh giá, cần phải có thêm nhiều cuộc nghiên cứu nữa để xác nhận tác dụng của các loại thuốc ARV. Ngoài ra, các chuyên gia y tế cộng đồng cảnh báo rằng, ngay cả khi thu được các kết quả tốt hơn thì thuốc ARV cũng sẽ không thay thế phương pháp dự phòng tốt nhất: tình dục an toàn và sử dụng hợp lý bao cao su. Đó là bởi vì, cách thức hoạt động của phương pháp tiền điều trị dự phòng phơi nhiễm là cho những người có nguy cơ cao nạp đủ lượng thuốc ARV vô hiệu hóa HIV trước khi tiếp xúc với virus, cho phép loại thuốc này tấn công HIV càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, thuốc không có tác dụng chuẩn bị cho hệ miễn dịch thực sự ngăn ngừa việc lây nhiễm như vắc-xin.
2. Tế bào nhân tạo
Tiến sĩ J. Craig Venter, nhà khoa học đồng vẽ nên sơ đồ bộ gen người, năm nay đã đạt được bước tiến mới trong việc tạo ra sự sống trong phòng thí nghiệm. Xuất phát từ một quá trình kỳ công nhằm kết đính các chất hóa học cấu thành ADN, ông Venter đã tổng hợp toàn bộ bộ gen của một loại vi khuẩn, vốn được cấy vào tế bào và có khả năng nhân rộng.
Cứ cho là "tế bào nhân tạo" của ông Venter khó mà sở hữu những đặc điểm của con quái vật gây kinh hoàng thế giới như trong truyện của nữ nhà văn Anh Mary Shelley, nhưng nó vẫn là sự sống nhân tạo. Ông Venter hy vọng khám phá của mình là đầu tiên trong hàng loạt các sinh vật được tạo ra trong phòng thí nghiệm bằng phương pháp sinh vật học tổng hợp.
Bằng cách pha trộn và kết hợp vật liệu di truyền vào các tổ hợp khả thi, ông Venter đã và đang tạo ra các sinh vật có thể đóng vai trò như những loại nhiên liệu sinh học mới, hoặc thậm chí tăng tốc độ sản xuất vắc-xin ngừa cúm khi cho phép các nhà nghiên cứu lưu trữ các mẫu của những chủng virus cúm khác nhau trong phòng thí nghiệm.
3. Xét nghiệm máu chẩn đoán sớm bệnh Alzheimer
Bất chấp những biện pháp ngày càng tinh vi dùng để chẩn đoán bệnh, các bác sĩ vẫn không thể phát hiện sớm bệnh Alzheimer thông qua những cuộc kiểm tra hình ảnh và phân tử tiên tiến nhất. Căn bệnh thoái hóa này chỉ có thể được chẩn đoán chính xác bằng mổ xẻ, khi các chuyên gia nghiên cứu bệnh học có thể xác nhận sự hiện diện của những mảng và đám rối đặc trưng trong não.
Tuy nhiên, một phương pháp xét nghiệm máu mới, đầy hứa hẹn có thể giúp chẩn đoán sớm bệnh đang tiến triển. Điều này đang mở ra khả năng phòng ngừa chứng mất trí và suy giảm tâm thần ngay cả trước khi khởi phát các triệu chứng sớm nhất. Phương pháp xét nghiệm mới phân tích hơn 20 protein trong máu và đạt độ chính xác 80% trong việc xác định bệnh nhân mắc Alzheimer.
Đây là thủ thuật mới nhất trong hàng loạt phương pháp mới, bao gồm cả xét nghiệm chất dịch cột sống, nhằm phát hiện và xác định bệnh Alzheimer sớm hơn cho bệnh nhân. Việc chẩn đoán nhanh chóng hơn có thể giúp các bệnh nhân tận dụng lợi thế của những can thiệp mang tính hành vi, chẳng hạn như giữ cho trí não hoạt động tích cực bằng cách duy trì quan hệ xã hội và học hỏi những điều mới, nhằm giúp làm chậm lại quá trình suy giảm tâm thần của bệnh nhân Alzheimer.
4. Mỹ phê chuẩn dùng Botox chữa đau nửa đầu
Sau khi một số bệnh nhân từng được tiêm thuốc Botox để ngăn ngừa nếp nhăn trên trán, thông báo rằng chứng đau nửa đầu của họ dường như cũng làm giảm bớt, các nhà khoa học, đặc biệt là những chuyên gia làm việc cho hãng sản xuất Botox có tên gọi Allergan, đã quyết định tìm hiểu sự việc.
Dựa trên các dữ liệu thu được từ hai cuộc thử nghiệm lớn liên quan đến hơn 1.000 bệnh nhân, công ty Allergan đã thuyết phục thành công Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược Phẩm Mỹ (FDA) rằng, các bệnh nhân được bơm Botox ở khu vực mặt trải qua số ngày bị đau nửa đầu mỗi tháng ít hơn hơn so với những người không được trị liệu như vậy.
Sự phê chuẩn của FDA đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp bảo hiểm có thể bắt đầu chi trả những chi phí liên quan đến Botox, vốn có thể lên tới hàng ngàn USD trong nhiều tháng, để điều trị chứng đau nửa đầu. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, hiện vẫn khó để dự đoán kiểu bệnh nhân đau đầu nào sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, nhưng chí ít những người bị đau nửa đầu sẽ không phải viếng thăm bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ để giảm đau hoặc móc hầu bao tự trả tiền cho việc điều trị.
5. Hô hấp nhân tạo kiểu mới không cần thổi ngạt
Suốt 50 năm, kể từ khi phương pháp hồi sức tim phổi (CPR) được mô tả lần đầu tiên năm 1960, các đội cứu hộ đã cứu sống được vô số mạng người khi kết hợp hô hấp nhân tạo bằng thổi ngạt với ép tim ngoài lồng ngực những nạn nhân bất tỉnh nhân sự. Tuy nhiên, sau khi các dữ liệu mới cho thấy, ép tim ngoài lồng ngực cũng đem lại hiệu quả tương đương phương pháp CPR truyền thống trong việc cứu sống các nạn nhân bị tim ngừng đập, Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) đã quyết định cập nhật phương pháp hô hấp nhân tạo hiện có. Các quy định mới về CPR chú trọng nhiều hơn vào việc ép tim ngoài lồng ngực, và trong một số trường hợp không cần kèm thổi ngạt.
Trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu phát hiện, những người ngoài cuộc, không qua đào tạo cảm thấy thoải mái hơn khi tiến hành ép tim ngoài lồng ngực mà không cần hà hơi thổi ngạt và cơ hội sống sót của những nạn nhân chỉ nhận thủ thuật hô hấp nhân tạo này tương đương với những nạn nhân được hô hấp nhân tạo đầy đủ kiểu truyền thống.
Các kết quả này, cùng với thực tế là chỉ có 30% số người cần hô hấp nhân tạo thực sự được nhận nó (chỉ yếu là vì những người ngoài cuộc, không qua đào tạo không sẵn lòng thực hiện phương pháp CPR truyền thống mà họ cho là phức tạp), đã buộc AHA phải sửa đổi các hướng dẫn hô hấp nhân tạo. AHA khuyến cáo tất cả những người cứu hộ, kể cả nhân viên cấp cứu được đào tạo bài bản, nên đảo ngược cách thức tiến hành hô hấp nhân tạo hiện có, bắt đầu với 30 lần ép tim ngoài lồng ngực, sau đó tới hà hơi thổi ngạt để giảm thiểu thương tổn tới người bị tim ngừng đập.
6. FDA hạn chế thuốc chữa tiểu đường Avandia
Mười một năm sau khi được tung ra thị trường và trở thành dược phẩm bán chạy trên toàn thế giới, thuốc điều trị tiểu đường Avandia (rosiglitazone) đã bị FDA áp đặt các quy định hạn chế nghiêm ngặt nhất. Hiện tại, chỉ các các bác sĩ đã được chứng nhận hiểu rõ việc tăng nguy cơ đau tim liên quan đến Avandia mới có thể kê loại thuốc giúp kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 này. Những bác sĩ này có thể cấp phát thuốc Avandia chỉ khi các bệnh nhân của họ đã vô vọng với mọi lựa chọn điều trị khác và chấp nhận những rủi ro kèm theo.
Theo một số chuyên gia, quyết định của FDA đáng lẽ phải được đưa ra từ lâu, do các nhà nghiên cứu lần đầu tiên thông báo về việc tăng nguy cơ đau tim ở những người dùng Avandia từ năm 2007. Vào thời điểm đó, FDA đưa ra cảnh báo đầu tiên của họ trên nhãn thuốc. Một cuộc tái kiểm tra độ an toàn của chính phủ Mỹ hé lộ rằng, GlaxoSmithKline - hãng sản xuất Avandia đã biết về các nguy cơ tăng cao liên quan đến sản phẩm của họ sau khi nó được tung ra thị trường vào năm 1999.
Tin tốt cho những bệnh nhân phản ứng tốt với Avandia nhưng sợ rủi ro là, hiện đã có một loại thuốc với tính năng tương tự nhưng không gây nhiều nguy cơ đau tim bằng có tên Actos (pioglitazone).
7. Xét nghiệm máu phát hiện sớm cơn đau tim
Một cơn đau tim bắt đầu với hàng loạt tắc nghẽn trong các mạch máu, do đó còn nơi nào tốt hơn để tìm kiếm chẩn đoán về các vấn đề về tim mạch tốt hơn trong máu? Hiện tại, cách đáng tin cậy nhất để kiểm tra tình trạng các mạch của tim là dùng phương pháp chụp động mạch, một thủ thuật can thiệp bao gồm việc luồn một ống nhỏ vào các mạch máu từ một động mạch ở chân.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu hiện đã xác định được một bảng sơ bộ gồm 23 gen mã hóa các protein trong máu, đạt 83% độ chính xác trong việc phát hiện những tắc nghẽn mạch máu điển hình của bệnh tim. Khi các bác sĩ thêm xét nghiệm máu này vào những biện pháp đo lường nguy cơ đau tim hiện có, kể cả các triệu chứng đau ngực và tiền sử vấn đề sức khỏe của gia đình, nó đã nâng khả năng phân loại bệnh nhân có nguy cơ cao hay thấp của họ thêm 16% so với việc chỉ sử dụng những phương pháp truyền thống.
Quá nhiều khi hy vọng rằng, mình các xét nghiệm máu có thể dự đoán cơn đau tim, ít nhất là trong hiện tại, nhưng biện pháp này có thể đóng vai trò như một kêu gọi cảnh báo sớm cho những bệnh nhân có nguy cơ cao. Việc thúc đẩy các thay đổi trong thói quen ăn uống và lối sống ở những bệnh nhân này có thể giúp họ ngăn chặn nguy cơ bị đau tim.
8. Dự đoán thành công việc thụ tinh trong ống nghiệm
Đối với các cặp vợ chồng lựa chọn việc thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), các tỷ lệ không phải luôn luôn ủng hộ họ. Quá trình này, ngay cả trong các điều kiện tốt nhất, trung bình cũng chỉ có 30% cơ hội mang tới sự ra đời của một đứa trẻ. Vì vậy, khi các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Stanford công bố một phương pháp mới nhằm lựa chọn những phôi thai mạnh nhất, mang tới nhiều khả năng nhất trong việc mang thai và đẻ con thành công, dư luận đã vô cùng hoan nghênh.
Bằng cách quay phim vài giờ hoạt động đầu tiên của phôi sau khi thụ tinh, các nhà khoa học đã có thể đưa ra thông tin về các đặc điểm của những phôi thai có nhiều khả năng nhất để tiếp tục phát triển và sống sót trong vài ngày, thay vì chết đi. Các tiêu chí đánh giá bao gồm cả khoảng thời gian để các phôi tiến hành phân chia lần đầu tiên từ một tế bào thành hai, cũng như thời gian để chính kết quả lần phân chia này tiếp tục nảy nở. Bước tiếp theo sẽ là đưa đánh giá dựa trên video này vào thí nghiệm ở một trung tâm thụ tinh ống nghiệm và xác định xem liệu các phân tích thực sự có thể cải thiện tỷ lệ mang thai và sống sót của bào thai hay không.
9. Buồng trứng nhân tạo
Thêm tin tức tốt lành cho những người đấu tranh với vô sinh: các nhà khoa học tuyên bố đã thành công trong việc tạo ra một buồng trứng nhân tạo vốn một ngày nào đó có thể nuôi dưỡng trứng chưa trưởng thành của con người bên ngoài cơ thể. Các nhà nghiên cứu do một nhóm tại Đại học Brown dẫn đầu đã tìm được cách dụ ba tế bào trứng chính của bệnh nhân vào một cấu trúc 3-D tương tự như một buồng trứng. Trong phòng thí nghiệm, các loại tế bào này tương tác với nhau và thực hiện mọi chức năng như một buồng thực sự, thậm chí thành công trong việc nuôi dưỡng một trứng của con người trưởng thành từ giai đoạn sớm nhất trong nang tới một dạng phát triển đầy đủ.
Ngay lập tức, cấu trúc này đã có thể giúp các kỹ thuật viên thụ tinh ống nghiệm cải thiện tỷ lệ thành công. Hiện nay, khi phụ nữ hiến tặng trứng cho một chu kỳ thụ tinh ống nghiệm, họ cung cấp một loạt trứng cả trưởng thành và chưa trưởng thành. Những trứng kém phát triển hơn ít có khả năng được thụ tinh để trở thành phôi thai. Tuy nhiên, bằng cách cho phép các kỹ thuật viên nuôi dưỡng những trứng này trưởng thành trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu có thể giúp mỗi chu kỳ thụ tinh ống nghiệm trở nên hiệu quả hơn. Ngoài ra, các buồng trứng nhân tạo có thể giúp phụ nữ có bệnh buồng trứng, những người không thể sản sinh trứng trưởng thành, tận dụng lợi thế của thụ tinh ống nghiệm để sinh con của riêng mình.
10. Tạo tế bào iPS an toàn hơn và nhanh hơn
Trong khi triển vọng về phương pháp điều trị bằng tế bào gốc để chữa được bệnh vẫn còn xa vời, các nhà khoa học tiếp tục đạt những bước tiến lớn trong việc đưa tiềm năng đó từ phòng thí nghiệm tới bệnh xá. Làm việc với loại tế bào gốc mang tính đột phá, có tên gọi là tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPS) và có thể được tạo ra từ một tế bào da, hoàn toàn bỏ qua sự hiện diện của các phôi), các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Boston đã vượt qua một rào cản quan trọng trong việc tạo công nghệ an toàn cho người bệnh.
Cho đến nay, để tạo ra các tế bào iPS từ những tế bào da, nhóm nghiên cứu cần phải phơi nhiễm các tế bào da với cả virus và những gen gây bệnh ung thư để tái lập trình chúng vào một trạng thái giống như phôi. Hiện các nhà khoa học của Viện nhi Boston thông báo thành công trong việc sử dụng một dạng khác của các gen được thêm vào (RNA), giúp loại bỏ các nguy hiểm gây ra bởi việc chèn vào các vi rút và gen thúc đẩy ung thư. Và như một phần thưởng đột xuất, kỹ thuật này hiệu quả hơn hơn phương pháp cũ khoảng 100 lần trong việc sản sinh các tế bào iPS. Khám phá mới đánh dấu một bước tiến quan trọng, mở ra triển vọng sử dụng tế bào gốc như là một nguồn cung cấp tế bào mới và khỏe mạnh để thay thế những tế bào bị bệnh tật phá huỷ trong tương lai.