Thời gian gần đây, nước ta xảy ra liên tiếp nhiều vụ ngộ độc có liên quan tới Botulinum. Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn chưa biết độc tố này nguy hiểm đến mức nào và thường có trong những thực phẩm nào để phòng tránh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, chất độc botulinum toxin do vi khuẩn Clostridium botulinum (C.botulinum) sinh ra. Đây là một vi khuẩn gram dương kỵ khí, hình que hai đầu tròn, có nhiều lông quanh thân, di động. Chúng sống kỵ khí tuyệt đối, sinh bào tử, gây bệnh bằng ngoại độc tố. Đặc biệt, bào tử của chúng có thể tồn tại trong hầu hết các môi trường và rất khó bị tiêu diệt.
Botulinum là chất độc vô cùng khủng khiếp, đặc biệt là độc tính thần kinh rất cao. Chỉ một lượng siêu nhỏ độc tố cũng có thể gây ngộ độc, nguy hiểm tính mạng. Cụ thể, 1mg có thể giết chết 200 triệu con chuột và chưa cần đến 0,000001g có thể gây chết người, 1kg có thể gây tử vong 1 tỷ người.
Có 7 dạng độc tố botulinum khác nhau, từ A - G. Trong đó, có 4 loại thường gây ngộ độc ở người là: A, B, E và F. Con người thường bị nhiễm độc botulinum do ăn phải thực phẩm chế biến không đúng cách, khiến cho vi khuẩn hoặc bào tử sinh sôi và tạo ra độc tố. Ngoài ra, ngộ độc botulinum cũng có thể xuất hiện do hít phải khí hoặc do nhiễm trùng vết thương.
Rau củ lên men rất dễ trở thành con đường khiến độc tố botulinum xâm nhập cơ thể.
Dưới đây là 4 nhóm thực phẩm dễ gây ngộ độc Botulinum
- Đáng lo ngại là độc tố botulinum rất dễ “ẩn nấp” trong nhiều thực phẩm, những món ăn quen thuộc hàng ngày của chúng ta. WHO đã đưa ra cảnh báo 4 nhóm thực phẩm dễ gây ngộ độc botulinum cho con người nhất, bao gồm:
- Đồ hộp, đóng gói sẵn: do đặc điểm về môi trường kỵ khí và sinh bào tử, lại dễ lây nhiễm qua quá trình sản xuất, vận chuyển, bảo quản nên độc tố botulinum rất dễ tồn tại trong các loại đồ ăn đóng hộp, đóng túi kín. Nhất là thịt, cá, sữa hộp, pho-mát, hải sản…
- Các sản phẩm thịt chế biến sẵn: dù có được đóng hộp hay không, các loại thịt chế biến sẵn được xem là một trong những môi trường lý tưởng hàng đầu để vi khuẩn C. botulinum sinh sôi và gây hại cho con người. Trong khi đó, chúng ta lại thường xuyên tiêu thụ giăm bông, xúc xích, giò chả…
- Các loại rau củ lên men: lên men là một trong những phương pháp chế biến hoặc bảo quản rau củ rất phổ biến, nhất là ở các quốc gia châu Á. Ví dụ như: dưa muối, cà muối, kim chi, natto… Tuy nhiên, rau củ lên men cũng rất dễ trở thành con đường khiến độc tố botulinum xâm nhập và gây nguy hại cho con người. Đặc biệt là nếu quy trình lên men không đảm bảo vệ sinh hoặc để quá lâu ngày.
- Các thực phẩm không được nấu chín trước khi ăn hoặc nấu chín nhưng để lâu dẫn đến bị ôi, thiu cũng có thể gây ngộ độc. Hay khi tự đóng gói thực phẩm tại nhà, nhất là nếu chưa chế biến kỹ lưỡng hoặc bảo quản trong tủ lạnh sai cách cũng rất dễ gây ngộ độc botulinum.
Ngoài ra, vi khuẩn hoặc bào tử của C.botulinum cũng có thể tồn tại trong ruột cá, ruột gia súc. Vì vậy, nếu ăn các món chế biến từ nguyên liệu này mà chưa chín kỹ, còn sống hay tái thì khả năng bị ngộ độc botulinum là rất cao.