Trời nồm ẩm, dịch bệnh nào có thể bùng phát?

  •  
  • 1.290

Thời tiết nồm ẩm, mưa phùn là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi, gây nên nhiều loại bệnh cho con người.

Một số những căn bệnh dễ mắc phải khi thời tiết nồm ẩm

  • Bệnh sởi: Sởi là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính thường gặp ở trẻ nhỏ, bệnh này lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người mắc bệnh.

Tuy lành tính nhưng nếu không có chế độ chăm sóc và điều trị kịp thời nó có thể gây thành các biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm phế quản, thậm chí có trường hợp dẫn tới tử vong. Dịch sởi thường bùng phát vào những ngày thời tiết ẩm ướt.

  • Bệnh đường hô hấp: Các vi khuẩn gây bệnh, nấm, vi sinh vật phát tán mạnh trong không khí có độ ẩm cao khiến các bệnh về đường hô hấp cũng tăng nhanh trong thời tiết này.

Các căn bệnh hô hấp thường gặp phải do thời tiết nồm ẩm gây ra là dị ứng, viêm phổi, hen phế quản, hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm khí quản, phế quản cấp.

  • Tay chân miệng: Thời tiết nồm ẩm khi giao mùa, cộng với thời điểm mới ra Tết, chế độ ăn có sự thay đổi thất thường trong Tết rất dễ khiến bùng phát dịch tay chân miệng.

Bệnh tay chân miệng do vi trùng đường ruột Ente’virus (E71) và Coxcakieruses gây nên. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa, từ người sang người nên các yếu tố sinh hoạt tập thể như ở trường học khiến nguy cơ lây bệnh tăng cao, đặc biệt là trong các đợt bùng phát bệnh.

Ban đầu, trẻ thường sốt nhẹ, đau họng, đau miệng, chảy nước miếng, hay khóc, bỏ bú và biếng ăn hơn. Khi đó, trong miệng trẻ đã có thể có những vết loét đỏ như vết lở miệng, xuất hiện nhiều ở vòm miệng, môi trong, lợi, lưỡi… Quan sát tiếp có thể thấy những vết phát ban dạng phỏng nước, hoặc vết nổi cộm trên da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông trẻ.

Rất nhiều virus, vi khuẩn có cơ hội phát triển và gây bệnh trong thời tiết nồm ẩm.
Rất nhiều virus, vi khuẩn có cơ hội phát triển và gây bệnh trong thời tiết nồm ẩm.

  • Cúm gia cầm: Cúm gia cầm thường bùng phát dịch vào thời tiết nồm của mùa xuân và thường gây bệnh cho những người có thể trạng yếu, sức đề kháng kém. Bệnh có thể gây chết người nếu không được điều trị kịp thời.
  • Thủy đậu: Thủy đậu gây ra bởi virus Varicella Zoster với sự xuất hiện của các nốt nhỏ, tròn mọc khắp cơ thể. Người mắc thủy đậu sẽ có cảm giác ngứa ngáy bởi các mụn nước.

Thời tiết ẩm ướt chính là điều kiện tốt cho nguồn bệnh phát triển và lây lan. Bệnh thủy đậu không quá nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị đúng cách, các nốt thủy đậu có khả năng bị nhiễm trùng, để lại sẹo và thậm chí còn dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng hơn như viêm phổi hay viêm màng não.

  • Viêm nhiễm vùng kín: Thời tiết không khô ráo khiến quần áo cũng vì thế mà luôn trong tình trạng ẩm, mốc, là điều kiện tốt để nấm mốc sinh sôi, nảy nở. Điều này khiến cho nhiều người mắc phải các căn bệnh ở vùng kín như ngứa ngáy, viêm nhiễm.
  • Bệnh về da: Độ ẩm không khí cao trong là điều kiện thích hợp cho các loại vi khuẩn lây lan và phát triển, gây ra các căn bệnh khó chịu như viêm da và dị ứng da.
  • Bệnh tiêu chảy cấp: Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp chủ yếu là do nhóm virus đường ruột như virut Rota, các loại vi khuẩn, vi nấm hay kí sinh trùng. Bệnh có tính lây nhiễm cao và thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Nếu không có các biện pháp chữa trị kịp thời, trẻ dễ bị mất nước và dẫn tới tử vong.
  • Sốt virus: Trẻ em là đối tượng dễ mắc sốt virus nhất. Căn bệnh này rất dễ lây lan, có thể tạo thành dịch, vì vậy, nếu gia đình có trẻ nhỏ bị sốt virus, nên cho trẻ nghỉ học, cách ly và có các biện pháp chăm sóc hợp lý để tránh bệnh kéo dài.

Cách phòng bệnh khi trời nồm ẩm

Thời tiết nồm ẩm rất thuận lợi cho các virus gây bệnh sinh sôi, nhất là lây qua đường hô hấp, những người có sức đề kháng yếu như người già và trẻ em thường là đối tượng dễ mắc bệnh.

Do vậy, theo các bác sĩ, trong điều kiện thời tiết nồm ẩm hiện nay, để phòng chống bệnh, các gia đình nên:

  • Giữ vệ sinh môi trường sống: Làm sạch và thông thoáng không gian trong nhà, không hút thuốc lá.
  • Làm khô không gian sống: Bằng cách sử dụng điều hòa nhiệt độ, máy hút ẩm, không phơi quần áo ướt trong nhà, dùng khăn khô để lau sàn.
  • Vệ sinh thân thể và đồ dùng cá nhân: Quần áo khó khô hẳn khi độ ẩm quá cao nên nếu có thể, hãy dùng máy sấy, bàn là đồ trước khi mặc, tránh các nấm mốc, các bệnh ngoài da.
  • Chế độ ăn và tập luyện: Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, duy trì việc luyện tập thể dục (có thể thực hiện trong nhà nếu ngoài trời mưa) để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
  • Tư vấn chính thức của bác sĩ: Những người có bệnh mãn tính cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, duy trì đơn thuốc và các biện pháp kiểm soát bệnh tốt để yếu tố môi trường kích thích bệnh phát tác. Khi thấy có các biểu hiện bất thường, cần liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn.
Cập nhật: 14/03/2019 Theo ANTĐ
  • 1.290