Top 8 bộ phận cơ thể bị "bào mòn" bởi thức ăn nhanh

Thức ăn nhanh đã trở nên quen thuộc trong cuộc sống hiện đại. Đây không chỉ là món ăn khoái khẩu của trẻ em mà còn phổ biến cả với người lớn, đặc biệt là dân văn phòng. Bạn đã biết đến tác hại của thức ăn nhanh? Nhưng hãy xem cách mà chúng "bào mòn" 8 bộ phận cơ thể dưới đây để xem xét lạị thói quen này.

Bạn tự hỏi rằng ăn thức ăn nhanh (fast food) mỗi ngày có hại không, ăn thức ăn nhanh có tăng cân nhiều không,... thì dưới đây là câu trả lời có liên quan tới tác hại của thức ăn nhanh và những bộ phận chịu ảnh hưởng bởi thói quen kém lành mạnh này, theo Healthline.

Thuật ngữ thức ăn nhanh dùng để chỉ những loại thực phẩm được nấu sẵn để bán hoặc được cung cấp nhanh trong vòng vài phút bằng các phương pháp chế biến phổ biến như chiên rán, nướng,... Mặc dù những thực phẩm này thuận tiện để tiêu thụ khi bạn không có nhiều thời gian cho bữa ăn, nhưng nếu ăn quá nhiều thì thức ăn nhanh quả thực sẽ gây ra một số tác hại tiêu cực tới sức khỏe. Thức ăn nhanh thường nhiều chất béo, nhiều muối, nhiều calo, đường bổ sung và ít hoặc không có chất xơ. Đó có thể là khoai tây chiên, bánh ngọt, xúc xích, gà rán,...



Ảnh: Kim Phụng SKHN

1. Hệ tiêu hóa và tim mạch

Hầu hết thức ăn nhanh bao gồm cả đồ uống và các món ăn kèm đều chứa ít hoặc không có chất xơ. Khi hệ tiêu hóa của bạn phân hủy những thực phẩm này, carbs sẽ được giải phóng dưới dạng glucose vào máu và kết quả là lượng đường trong máu của bạn tăng lên.

Tuyến tụy phản ứng với sự gia tăng glucose bằng cách giải phóng insulin. Insulin vận chuyển đường đi khắp cơ thể tới các tế bào cần nó để tạo ra năng lượng. Khi cơ thể bạn sử dụng hoặc dự trữ đường, lượng đường trong máu của bạn sẽ trở lại bình thường. Quá trình này được cơ thể điều chỉnh rất chặt chẽ. Miễn là bạn khỏe mạnh thì các cơ quan trong cơ thể đều có thể xử lý lượng đường trong máu tăng đột biến này.

Nhưng thường xuyên tiêu thụ nhiều carbs có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến theo thời gian và những đợt tăng insulin này có thể khiến phản ứng insulin bình thường của cơ thể bị chậm lại, tăng nguy cơ kháng insulin dẫn tới tăng cân và tiểu đường type 2.

Nhiều bữa ăn có nhanh có thêm đường bổ sung - có nghĩa là thêm calo nhưng không dinh dưỡng. Chúng thường được tìm thấy trong bánh rán, bánh ngọt, bột bánh pizza, bánh quy,...Hơn nữa, thực phẩm chiên trong dầu có nhiều chất béo - bao gồm cả chất béo bão hòa làm tăng nguy cơ tăng cholesterol xấu, giảm cholesterol tốt và tăng nguy cơ mắc bệnh tim cũng như tiểu đường type 2.

Ngoài ra, sự kết hợp giữa bộ ba chất béo - đường - muối có thể tăng mùi vị và kích thích vị giác của người ăn lên cao hơn. Nhưng ăn quá nhiều muối có thể dẫn tới sưng mặt, chướng bụng,... và điều này đặc biệt nguy hiểm đối với người bị bệnh huyết áp đồng thời gây căng thẳng cho tim của bạn. Nói cách khác, chế độ ăn nhiều muối theo thời gian, nguy cơ bị huyết áp cao có thể làm cứng hoặc thu hẹp các mạch máu của bạn, trở thành yếu tố nguy cơ chính gây ra cơn đau tim, đột quỵ và suy tim.

Thêm vào đó, việc thiếu thốn chất xơ (trung bình người trưởng thành cần 25 - 35 gram chất xơ mỗi ngày) khiến tiêu hóa gặp khó khăn, tăng nguy cơ mắc bệnh viêm túi thừa, bệnh táo bón, trĩ,... Hơn nữa vì được chế biến kỹ nên thức ăn nhanh - đặc biệt là loại chiên rán hoặc kem có thể khó tiêu hóa (phẫn rã), chúng đi vào đại tràng và trở thành các axit béo gây tiêu chảy.


Hầu hết thức ăn nhanh bao gồm cả đồ uống và các món ăn kèm đều chứa ít hoặc không có chất xơ. (Ảnh: Internet).

2. Tác động lên hệ hô hấp

Lượng calo dư thừa từ thức ăn nhanh có thể gây tăng cân và dẫn tới béo phì. Béo phì làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về hô hấp bao gồm hen suyễn và khó thở. Cân nặng tăng thêm cũng có thể gia tăng áp lực lên phổi và tim của bạn - đồng thời các triệu chứng có thể xuất hiện ngay cả khi bạn gắng sức chỉ một chút ít. Chẳng hạn như bạn cảm thấy khó thở hơn khi đi bộ, leo cầu thang hay tập thể dục.

Cần nhiều nghiên cứu hơn để biết chính xác lý do tại sao, nhưng những nghiên cứu ban đầu cho thấy sự gia tăng mô mỡ dẫn đến tình trạng viêm có thể ảnh hưởng đến phổi của bạn.

3. Hệ thần kinh trung ương

Hệ thần kinh trung ương bao gồm não và tủy sống. Những vùng này trên cơ thể bạn cũng có thể bị ảnh hưởng bởi thức ăn nhanh.

Theo Healthline, một nghiên cứu năm 2020 cho thấy việc ăn nhiều thức ăn nhanh có liên quan tới trí nhớ ngắn hạn kém hơn. Mặc dù có nhiều nghiên cứu cho kết quả mâu thuẫn nhưng đây cũng là một điều mà bạn nên lưu tâm.

4. Tác động lên cơ quan sinh sản

Các thành phần trong đồ ăn nhanh và đồ ăn vặt có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của bạn. Một nghiên cứu cho thấy thực phẩm chế biến sẵn có chứa phthalates sẽ gây gián đoạn hoạt động của hormone trong cơ thể, đặc biệt khi bạn tiêu thụ hóa chất này ở mức độ cao có thể dẫn tới các vấn đề sinh sản, bao gồm cả các vấn đề về phát triển của thai nhi.


Có nhiều tác hại của thức ăn nhanh nếu ăn quá nhiều. (Ảnh: Internet).

5. Da, tóc và móng (hệ bì - integumentary system)

Các loại thực phẩm mà bạn lựa chọn để tiêu thụ có thể ảnh hưởng tới vẻ ngoài làn da của bạn. Một nghiên cứu năm 2021 trên NCBI đã phát hiện ra rằng sữa, sô cô la, thực phẩm giàu chất béo bão hòa và thực phẩm có chỉ số đường huyết cao (carbohydrate và đường) có liên quan tới sự phát triển của mụn trứng cá nhiều hơn. Ngược lại với chế độ ăn giàu trái cây, rau củ và axit béo có trong cá và dầu oliu có thể giúp bảo vệ và chống lại mụn trứng cá.

Thêm vào đó, đường trong các loại đồ uống có thể làm giảm lượng collagen và dẫn đến các dấu hiệu lão hóa sớm như hình thành nếp nhăn. Muối làm mất đi độ ẩm trên da của bạn nhưng nó cũng có thể gây tích tụ nước hình thành các bọng mắt.

Tuy nhiên nghiên cứu này cần được thực hiện chuyên sâu với nhiều số liệu hơn.

6. Tác động lên hệ xương, răng

Carbs và đường trong thức ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn có thể làm tăng tính axit trong miệng của bạn. Những axit này có thể phá vỡ men răng - một khi men răng mòn dần thì vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và bám sâu vào răng hơn, từ đó gây sâu răng và các bệnh răng miệng khác.

Như đã nói ở trên, thức ăn nhanh có thể khiến bạn bị béo phì và dẫn tới các biến chứng liên quan tới mật độ xương và khối lượng cơ bắp. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng người béo phì có thể bị giảm mật độ xương dẫn tới nguy cơ gãy xương cao hơn, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Cân nặng dư thừa và béo phì do thức ăn nhanh cũng gây thêm áp lực lên các khớp, đặc biệt là hông và đầu gối. Điều này khiến bạn dễ bị gãy xương xung quanh khớp.


Carbs và đường trong thức ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn có thể làm tăng tính axit trong miệng của bạn. (Ảnh: Internet).

Điều quan trọng là cần phải duy trì thói quen tập luyện thể dục để xây dựng cơ bắp, hỗ trợ xương khỏe mạnh và duy trì chế độ ăn khoa học để giảm thiểu tình trạng mất xương thay vi tiêu thụ thường xuyên thức ăn nhanh hay thực phẩm chế biến sẵn.

7. Sức khỏe tâm thần

Rất nhiều người có thói quen ăn nhiều thực phẩm chiên rán hoặc thức ăn nhanh khác khi tâm trạng không tốt. Tuy nhiên thói quen ăn một chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa, muối, đường và carbs tinh chế này không những khiến bạn tăng cân mà các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm cũng gia tăng thay vì cải thiện tâm trạng. Nói cách khác, thức ăn nhanh thiếu vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác mà cơ thể bạn cần để cải thiện tâm trạng.

Ngoài ra, khi nạp một lượng lớn carbs đã qua chế biến vào cơ thể, lượng đường trong máu tăng lên rồi cũng giảm nhanh chóng, điều này sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi nhanh hơn.

Thay vào đó, hãy ăn trái cây, rau quả (ngoài rau diếp và 1 lát cà chua trong bánh mì kẹp) để tăng cường vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa giúp tăng năng lượng lành mạnh và cải thiện tâm trạng tốt hơn.


Rất nhiều người có thói quen ăn nhiều thực phẩm chiên rán hoặc thức ăn nhanh khác khi tâm trạng không tốt. (Ảnh: Internet).

Hơn nữa, theo WebMD thì chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa sẽ khiến cơ thể bạn tạo ra các mảng bám trong não. Những điều này gây ra chứng mất trí nhớ và làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao gấp ba lần so với những người không ăn đồ ăn nhanh.

8. Năng lượng

Việc nạp nhanh carbohydrate tinh chế và đường sẽ khiến lượng đường trong máu tăng đột biến, khiến cơ thể bạn sản sinh ra một lượng insulin tăng vọt để nhanh chóng hạ đường huyết. Chu kỳ tăng đột biến này có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và cáu kỉnh.

Trong khi đó, một bữa ăn cân bằng với protein, chất béo lành mạnh và carbohydrate giàu chất xơ sẽ khiến cơ thể bạn tiêu hóa và hấp thụ lâu hơn. Điều này làm chậm quá trình giải phóng đường vào máu, để bạn có được năng lượng bền vững mà không bị suy giảm.

Cập nhật: 20/09/2023 PNVN
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video