Trả vali hạt nhân và những việc trước khi ông Obama hết nhiệm kỳ

Trả lại vali hạt nhân, tìm một cơ ngơi mới, nói lời chia tay người dân và cộng sự, đó là danh sách những việc tổng thống Mỹ cần làm trước khi kết thúc nhiệm kỳ.

Ông Obama đang trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ thứ hai trong khi một số nhân viên Nhà Trắng bắt đầu thôi việc từ đầu tháng 1. Chỉ chưa đầy ba tuần nữa, nước Mỹ sẽ chính thức có tổng thống mới.

Để chuẩn bị cho điều này, cả hai bộ máy của tổng thống tiền nhiệm và kế nhiệm đều hoạt động hết công suất, với sự hỗ trợ từ nhiều cơ quan chính phủ.

Tuy vậy, thay đổi cả một chính quyền là việc không đơn giản. Trước khi trở thành công dân bình thường, các tổng thống tiền nhiệm luôn có những việc thủ tục mang tính bắt buộc. Một số khác lại là thông lệ "bất thành văn".

Bàn giao vali hạt nhân

Vali hạt nhân cùng chiếc thẻ kích hoạt luôn là vật bất ly thân với mọi tổng thống Mỹ. Chiếc thẻ chứa mã kích hoạt hệ thống vũ khí hạt nhân sẽ được tổng thống đương nhiệm trả lại cho Bộ quốc phòng trước khi mãn nhiệm.

Một quy trình bí mật giữa Lầu Năm Góc và tổng thống kế nhiệm sẽ diễn ra nhằm thiết lập mật mã mới và chuyển giao chiếc vali quan trọng này.


Vali hạt nhân sẽ được khởi động quy trình hoàn toàn mới cho tổng thống kế nhiệm. (Ảnh: Getty).

Trong lễ nhậm chức tổng thống mới, việc trao trả chiếc vali hạt nhân này chỉ diễn ra theo hình thức. Vì an ninh quốc gia, thời điểm thay đổi mật mã và quy trình hoàn toàn được giấu kín.

Trong lịch sử, nhiều tổng thống Mỹ từng làm mất chiếc thẻ chứa mã kích hoạt, khiến lực lượng an ninh nước này không khỏi đau đầu. Lần gần đây nhất, theo Reuters, Tổng thống Bill Clinton không nhớ mình để chiếc thẻ quan trọng này ở đâu, khiến nhà chức trách lục lọi khắp nơi trong Nhà Trắng và vẫn thất bại trong việc tìm kiếm.

Tổng thống Obama nhiều lần bày tỏ lo ngại khi mã kích hoạt vũ khí hạt nhân được quản lý bởi người bốc đồng như ông Trump. Tuy vậy, để sử dụng hệ thống này, tổng thống luôn cần đội ngũ cố vấn tin cậy và vững chắc.

Chào đón người kế nhiệm

Để quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra trơn tru, đội ngũ của tổng thống sắp mãn nhiệm thường hợp tác chặt chẽ với người kế nhiệm. Hai tổng thống sẽ có những cuộc gặp gỡ, điện đàm, trao đổi.

Tháng 11/2016, ngay sau khi ông Trump thắng cử, Tổng thống Obama đã mời ông tới Nhà Trắng thảo luận về nhiều vấn đề. Dù có những quan điểm khác biệt và từng phản đối nhau, việc hợp tác giữa hai tổng thống trong giai đoạn này là tất yếu. Đó là dấu hiệu của nền dân chủ Mỹ.

Trong ngày diễn ra lễ nhậm chức, tổng thống mới thường tới Nhà Trắng, trò chuyện cùng người tiền nhiệm. Sau đó họ sẽ cùng ngồi trên chiếc limousine tới Đồi Capitol, nơi tổng thống tuyên thệ trước sự chứng kiến của hàng triệu người.

Gần như ngay sau sự kiện này, tổng thống mãn nhiệm sẽ rời Nhà Trắng để người kế nhiệm dọn vào và chính thức trở thành ông chủ của tòa nhà quyền lực.


Vợ chồng thống Obama cùng vợ chồng Tổng thống Bush tại lễ nhậm chức của ông Obama năm 2009. (Ảnh: Getty).

Không chỉ vậy, tổng thống tiền nhiệm thường gửi một lá thư cho người kế nhiệm mình. Điều này dường như đã trở thành một truyền thống ở Mỹ. Năm 2009, Tổng thống George Bush để lại vài dòng cho ông Obama trên chiếc bàn trong phòng bầu dục của Nhà Trắng. Ông Bush bày tỏ hy vọng về nước Mỹ do ông Obama lãnh đạo, chào mừng vị tổng thống thứ 44 của nước Mỹ bước sang một trang mới của cuộc đời.

Tổ chức tiệc chia tay và ân xá tù nhân

Khi các tổng thống kết thúc nhiệm kỳ, cả nội các và bộ máy của họ cũng ngưng làm việc. Để nói lời chia tay, ông chủ Nhà Trắng thường tổ chức một bữa tiệc thân mật dành cho các cộng sự của mình. Tại đây, tổng thống sẽ nói lời cảm ơn và chia sẻ kỷ niệm trong suốt những năm tại chức.

Năm nay, Tổng thống Obama sẽ tổ chức bữa tiệc vào ngày 6/1 trong khuôn viên của Nhà Trắng. Ngày 10/1, ông có bài phát biểu chia tay tại quê nhà Chicago, nơi ông sẽ nói về hành trình của mình.


Ân xá Patty Hearst là một trong những quyết định gây tranh cãi nhất của Tổng thống Bill Clinton trong những ngày cuối nhiệm kỳ. (Ảnh: FBI).

Cũng trong khoảng thời gian này, một số tổng thống thường ân xá tù nhân. Đây được coi như thông lệ đã tồn tại qua nhiều đời tổng thống. Một trong những lý do họ làm điều này vào cuối nhiệm kỳ là muốn tận dụng quyền hạn của mình trong lúc mọi sự chú ý dồn vào tổng thống mới, tránh gây ra các rắc rối chính trị.

Lần gần đây nhất, năm 2001, Tổng thống Bill Clinton đã gây tranh cãi khi ân xá Patty Hearst, cháu gái một ông trùm truyền thông. Cô gái bị kết án năm 19 tuổi vì cầm súng bắn người và đi cướp ngân hàng.

Chỉ trong 8 năm tại nhiệm, Tổng thống Obama đã ân xá và giảm tội cho gần 1000 người, nhiều hơn con số của 10 tổng thống trước đó cộng lại. Vì vậy, việc ông sẽ ân xá ai trong những ngày tới là câu hỏi khó trả lời.

Cập nhật: 05/01/2017 Theo Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video