Axit hóa các đại dương đang là một “trái bom nổ chậm” nằm dưới lòng biển, đe dọa nghiêm trọng tới cuộc sống của các loài sinh vật biển và những cộng đồng dân cư sinh sống ở những vùng ven biển, một báo cáo mới đây của tổ chức Natural England (Anh) cảnh báo.
Đại dương lung linh.
Theo những số liệu nghiên cứu khoa học mới nhất, nồng độ chất axit trong các đại dương đã tăng gấp 1/3 lần so với trước thời kỳ diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp trên thế giới. Nguyên nhân của nồng độ axit tăng cao là do lượng khí CO2 thải vào không khí quá nhiều.
Các nhà khoa học lo ngại rằng nếu lượng khí gây ra hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng nhanh với tốc độ như hiện nay, nồng độ axit trong nước biển sẽ tăng thêm 120% vào năm 2060 – mức cao nhất trong 21 triệu năm của lịch sử Trái đất.
Nếu lo ngại này trở thành hiện thực, một lượng lớn các loài thực vật và động vật trong các đại dương sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Số lượng của các loài thủy sản sẽ bị suy giảm đáng kể do nồng độ axit cao làm giảm khả năng sinh sản của chúng. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của những cộng đồng dân cư sống ven biển, đặc biệt là những nước nghèo vì cuộc sống của họ phụ thuộc chủ yếu vào đánh bắt thủy sản.
Axit hóa các đại dương cũng là một trong những vấn đề quan trọng được các nhà lãnh đạo thế giới đưa ra thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu do Liên hợp quốc tổ chức đang diễn ra tại Thủ đô Copenhagen của Đan Mạch.
Tiến sĩ Helen Phillips, Giám đốc Tổ chức Natural England, nói rằng nếu muốn hệ sinh thái biển không bị phá vỡ do axit hóa, điều quan trọng nhất là chúng ta phải giữ được lượng khí gây hiệu ứng nhà kính ở dưới mức cho phép.
“Lượng khí CO2 thải vào bầu khí quyển ảnh hưởng trực tiếp tới nồng độ axit trong các đại dương của chúng ta”, Tiến sĩ Helen nói. “Sự gia tăng của nồng độ axit biển đang đe dọa nghiêm trọng tới môi trường biển – đây là một thách thức vô cùng lớn đối với thế giới và nó đòi hỏi cần có những hành động cấp thiết để bảo vệ hệ sinh thái biển.”