Trái bóng của World Cup 2014 có tên là Brazuca, được sản xuất bởi hãng thể thao nổi tiếng Adidas.
Vậy là chỉ còn khoảng ít ngày nữa World Cup 2014 sẽ chính thức diễn ra, mọi khâu chuẩn bị cho giải bóng đá lớn nhất hành tinh đã được chủ nhà Brazil hoàn tất, trong đó có cả những quả bóng đặc biệt được sử dụng trong các trận đấu. Trái bóng của World Cup 2014 có tên là Brazuca, được sản xuất bởi hãng thể thao nổi tiếng Adidas.
Rút kinh nghiệm từ trái bóng Jabulani được sử dụng trong World Cup 2010, trái bóng Brazuca đã phải trải qua rất nhiều lần thử nghiệm trước khi được đưa vào sản xuất. Adidas đã tham khảo từ danh thủ nghỉ hưu như Zidane cho tới các ngôi sao đương thời như Messi, Casillas, Van Persie…, đồng thời mời hơn 600 cầu thủ thuộc 10 quốc gia khác nhau tham gia vào việc thử bóng được tiến hành suốt 2 năm rưỡi. Họ cũng cho bí mật sử dụng ở một vài trận đấu quốc tế và xem phản hồi của cầu thủ.
Các chuyên gia khí động lực học đã chỉ ra 3 yếu tố có thể tác động đến đường đi của trái bóng World Cup 2014. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là độ thô ráp của bề mặt trái bóng, quyết định bởi số miếng vá cũng như các đường khâu nối giữa các miếng vá, tiến sĩ Rabi Mehta của Trung tâm nghiên cứu Ames (trực thuộc NASA) cho biết.
Theo ông, cái gọi là “hiệu ứng đảo hướng” xảy ra khi trái bóng không xoáy hoặc xoáy rất ít trong khi bay. Khi một trái bóng được may, có bề mặt nhẵn bay trong không khí mà quay không đáng kể, không khí gần bề mặt trái bóng bị tác động bởi các đường may, tạo ra một hướng chuyển động không cân đối. Sự không cân đối này tạo ra các lực có thể đột ngột tác động lên trái bóng và tạo ra những cú rớt thất thường. Nhưng “khi trái bóng xoáy, chúng ta có hiệu ứng Magnus, hiệu ứng khiến cho quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung”, ông Mehta giải thích.
Đó là lí do vì sao không thể tiên đoán hướng đi của Jabulani vì độ nhẵn của nó. “Trái bóng càng nhẵn thì vận tốc cần thiết để xảy ra sự đảo hướng càng lớn… và tình cờ trùng với vận tốc sút bóng trong các trận bóng ở World Cup, khoảng 80 - 88km/h, đặc biệt là trong các tình huống đá phạt”, tiến sĩ Mehta giải thích.
Bên cạnh đó, theo tiến sĩ Mehta, không chỉ thô ráp hơn, bề mặt của Brazuca có những chấm nhỏ có ích trong khía cạnh khí động lực học và tăng sự cọ xát giữa giày và bóng. Nhưng nhân tố lớn tác động đến độ thô ráp là hình dạng của các đường may. Trái bóng Brazuca chỉ có 6 miếng ghép hình bánh lái gắn với nhau và Adidas cho biết, hình dạng của đường may mới cho phép trái bóng có sự chính xác về mặt khí động lực học, cũng như đường bay ổn định.
Tiến sĩ Simon Choppin, thuộc Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật thể thao ở Đại học Sheffield Hallam (Anh), đã tiến hành đo đạc các đường may của Brazuca và cho biết, mặc dù số lượng các miếng ghép ít hơn và làm Brazuca có vẻ nhẵn hơn, nhưng thực ra, độ thô ráp của Brazuca lại tăng lên nhờ các kỹ thuật khác.
Sau khi quét bề mặt của Jabulani và Brazuca bằng tia laser để đo đạc đường may nhờ công nghệ mẫu 3D, Choppin và đồng nghiệp “nhận ra độ sâu các đường may của Janulani vào khoảng 0,48mm, trong khi độ sâu này của Brazuca là 1,56mm. Bên cạnh đó, tổng độ dài của các đường may trên Jabulani vào khoảng 203cm và độ dài này ở Brazuca là khoảng 327cm”.
Theo tiến sĩ Choppin, các đường may sâu hơn và dài hơn khiến Brazuca trở nên giống trái bóng khâu truyền thống hơn. Các bài kiểm tra trong hầm gió cũng ủng hộ khẳng định này. Điều này có nghĩa, để xảy ra hiệu ứng đảo hướng với Brazuca nhằm tạo ra cơn ác mộng cho các thủ thành, các cầu thủ chỉ cần tạo ra vận tốc bé vào khoảng 48km/h.