Báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc dự báo rằng mỗi năm sẽ có khoảng vài chục triệu người buộc phải di cư trong những năm sắp tới do liên quan đến tình trạng Trái Đất ấm lên. Con số này chiếm hơn 60% tổng số người di cư trên thế giới.
(Ảnh minh họa: human-race) |
Báo cáo cho biết trong 5 năm tới sẽ có ít nhất 50 triệu người di cư trên thế giới vì lý do thay đổi khí hậu hay thảm họa thiên nhiên. Đến cuối thế kỉ này, những người phải rời bỏ quê hương vì lý do tương tự có thể lên tới 150 triệu, thậm chí 400 triệu người.
Mặc dù khái niệm "tị nạn thời tiết" đã xuất hiện từ năm 1940, song phải tới khi xảy ra trận bão Ca-tri-na ở Mỹ cách đây hơn một năm, khi thảm họa thiên nhiên gây hậu quả thảm khốc cho dân cư của cả một thành phố của nước Mỹ giàu có, thế giới mới nhận thức rõ rằng tình trạng di dân không chỉ do chiến tranh và nghèo đói, mà còn vì môi trường sống bị đảo lộn.
Do khí hậu thay đổi, diện tích hoang mạc hiện đã chiếm 1/4 diện tích Trái Đất và đây là nơi sinh sống của 8% dân số thế giới, tức khoảng 500 triệu người.
Trong khi đó, với tốc độ tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch như hiện nay, lưọng khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính sẽ tăng gấp đôi vào năm 2100, làm tăng nhiệt độ Trái Đất từ 1 đến 3,5 độ C, khiến mực nước biển tăng thêm từ 9 đến 99 cm, gây ra những thay đổi khí hậu nhanh nhất trong vòng 10.000 năm trở lại đây.
Hậu quả là mỗi năm sẽ có thêm hàng triệu người chết vì bệnh tật, mùa màng bị thất bát, ngành đánh bắt cá, du lịch bãi biển bị ảnh hưởng. Bán đảo Alaca (Mỹ) sẽ bị tan băng, hàng loạt quốc gia bị nước biển xâm thực. Tuvanu và một số đảo nhỏ ở Thái Bình Dương có thể sẽ bị chìm xuống biển trong vòng 50 năm nữa.