Các chuyên gia khí tượng khẳng định nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng nhanh hơn dự đoán trong 10 năm tới do biến đổi khí hậu.
Sau mùa hè nóng kỷ lục vào năm 1998, thế giới trải qua một giai đoạn mà trong đó nhiệt độ giảm đáng kể. Thực tế đó được những người không tin vào biến đổi khí hậu sử dụng để nói rằng khí nhà kính không làm nhiệt độ tăng lên.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy, nhiệt độ toàn cầu giảm do mặt trời đang bước vào giai đoạn hoạt động yếu trong chu kỳ của nó. Trong giai đoạn này, trái đất nhận được ít ánh sáng hơn so với trước kia. Ngoài ra, hiện tượng thời tiết El Nino cũng khiến khí hậu trên Thái Bình Dương trở nên lạnh hơn.
Thế giới đang chứng kiến sự suy giảm tạm thời của nhiệt độ do mặt trời bước vào giai đoạn yếu trong chu kỳ hoạt động của nó. (Ảnh: abc.net.au) |
Nhưng kể từ năm nay trở đi, hoạt động của mặt trời sẽ mạnh mẽ trở lại và hiện tượng El Nino sẽ gây ra bão, nắng nóng ở khắp nơi. Đó là tuyên bố của Viện nghiên cứu không gian Goddard (cơ quan trực thuộc NASA) và Trung tâm nghiên cứu của hải quân Mỹ.
Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu cũng từng dự đoán rằng trái đất sẽ trở nên nóng hơn do lượng khí CO2 trong khí quyển tiếp tục tăng.
Gareth Jones, một nhà nghiên cứu khí hậu của Cơ quan khí tượng Mỹ, khẳng định rằng tác động của hiệu ứng nhà kính có thể tạm thời lắng xuống nhờ “pha yếu” trong chu kỳ hoạt động của mặt trời. Nhưng nếu xét về dài hạn thì đó là xu hướng không thể tránh khỏi trong bối cảnh các loại khí thải không được cắt giảm. Jone cho rằng trong khoảng 10 năm sau năm 2011, nhiệt độ trái đất sẽ tăng cao hơn năm 1998.
“Khả năng đó lên tới 50%. Nếu sau năm 2011 mà nhiệt độ giảm xuống thấp hơn mức của năm 1998 thì đó là điều bất thường. Những tác động của con người lớn đến nỗi chảng có hiện tượng tự nhiên nào, kể cả El Nino, có thể ngăn cản xu hướng nóng lên của địa cầu”, ông nói.