Trong thời gian tới, trên Mặt trời có thể tạo ra 4 cực từ, gây lạnh trên Trái đất. Đó là dự báo của Đài Thiên văn quốc gia và Viện Khoa học tự nhiên Nhật Bản, căn cứ vào quá trình quan sát lâu dài từ vệ tinh Hinode (Phương Đông).
Ảnh: Vệ tinh Hinode chuyên quan sát Mặt trời của Nhật Bản
Trên Mặt trời, cực từ thông thường cứ đổi chỗ 11 năm một lần và cũng thường trùng với cực địa lý. Sự chuyển đổi thường lệ lẽ ra xảy ra vào tháng 5/2013. Thế nhưng, qua những hình ảnh và số liệu vệ tinh Hinode - chuyên quan sát Mặt trời của cơ quan thăm dò không gian JAXA, Nhật Bản - đo được, người ta thấy lần này, tại cực bắc của Mặt trời việc chuyển từ “trừ” sang “cộng” đã xảy ra sớm hơn, vào tháng 5 vừa qua. Không loại trừ là cực nam sau đó cũng đổi dấu sang “âm”. Vào lúc nào đó, cả hai cực địa lý của Mặt trời cũng sẽ mang dấu “cộng".
Theo ý kiến của các chuyên gia, kết quả là đường xích đạo trên đó sẽ hình thành hai cực từ tạm thời mang dấu “âm”. Hiện tượng như vậy trên Mặt trời đã từng xảy ra trước đây trong lịch sử, ví dụ vào Thế kỷ XVII-XVIII. Những thay đổi trên Mặt trời ảnh hưởng sâu sắc đến khi hậu trên Trái đất là điều ai cũng biết. Lịch sử khí hậu mấy thế kỷ qua cũng ghi nhận: Chính vào thời kỳ đó, Trái đất đã phải chịu một thời gian lạnh giá ghê gớm.
Từ các quan sát trên, các nhà thiên văn Nhật dự báo rằng sự xuất hiện 4 cực từ trên Mặt trời hiện nay - tương tự như trước đây, cũng mang đến cho Trái đất của chúng ta một thời kỳ lạnh giá, chưa biết bắt đầu vào lúc nào. Và nếu đúng như vậy, nó sẽ chấm dứt được hiện tượng biến đổi khí hậu đang diễn ra theo chiều hướng Trái đất đang nóng lên hiện nay.