Trai mẹ đóng giả tôm để ký gửi con non lên cá vược

Trai mẹ khéo léo hóa trang thành tôm sông dưới nước để thu hút con cá dễ mắc lừa, biến nó thành vật chủ nuôi dưỡng cả đàn con.

Loài trai cầu vồng sinh sống ở những dòng sông và suối tại Mỹ thường sử dụng vài nếp vành trên thân mô phỏng chuyển động của tôm để dụ những con cá vược miệng nhỏ lao xuống đớp mồi nhằm ký gửi con non của nó, theo National Geographic.

Khi cá vược đớp con "tôm", trai mẹ liền phụt ra một đám mây màu trắng sữa khiến con cá giật mình bơi đi xa mà không để ý nó đã nhiễm hàng chục nghìn trứng trai ký sinh.

"Khả năng bắt chước của trai tốt tới mức khó tin", David Strayer, nhà sinh thái học nước ngọt ở Viện nghiên cứu sinh thái Cary tại New York, Mỹ, nhận xét. "Không chỉ hình dáng mà chuyển động của nó cũng rất giống tôm sông".


Trai dùng nếp vành trên mình giả tôm sông để đánh lừa cá. (Video: YouTube).

Loài trai tốn nhiều công sức để phát tán ấu trùng có lông móc vì nhiều lý do. Ấu trùng trai chỉ sống được vài giờ hay nhiều nhất là hai ngày, theo M. Christopher Barnhart, nhà nghiên cứu động vật thân mềm ở Đại học Missouri. "Chúng rất nhỏ, không thể tự kiếm ăn hay bơi. Trai mẹ cần làm gì đó để tăng cơ hội sống sót của chúng như lén gửi gắm con nó trên cơ thể một vật chủ dễ bị đánh lừa".

Sau khi trai mẹ phun tất cả ấu trùng vào cá, ấu trùng cực nhỏ bám vào mang, vây và da vật chủ. Những con non sau đó trốn sâu và hút lượng dưỡng chất rất nhỏ từ vật chủ dưới dạng đường và các chất lỏng khác.

Phần lớn các loài trai sử dụng vật chủ như một nơi trú ngụ an toàn trong thời gian chuẩn bị trưởng thành. Sau vài tuần hoặc vài tháng, tùy từng loài, những con trai nhỏ nhảy xuống và định cư ở trầm tích dưới sông. Trong hầu hết trường hợp, con cá không bị hại. "Đó là lý do loài trai không chỉ có ở vùng hạ lưu. Đây là cơ chế phát tán của chúng", Carla Atkinson, nhà sinh thái học ở Đại học Alabama, cho biết.

Trai cầu vồng không phải bậc thầy ngụy trang dưới bùn duy nhất. Loài trai ngọc Higgins eye ở vùng thượng sông Mississippi có lớp vành phủ ngoài rất giống một sinh vật bản xứ phổ biến là cá tuế. Lớp vành này thậm chí còn có đường sọc ở hai bên và đốm mắt.

Những loài khác như trai western fanshell ở vùng Ozark, Mỹ, giải phóng những sợi chất nhầy trông giống hệt con giun. Khi cá nhai ngấu nghiến thứ nó tưởng là "giun", ấu trùng sẽ bắn ra.


Sau khi trai mẹ phun tất cả ấu trùng vào cá, ấu trùng cực nhỏ bám vào mang, vây và da vật chủ.

Ở Alabama và Mississippi, loài trai xà cừ màu cam sản sinh phiên bản sợi chất nhầy dài hơn, có thể trôi nổi và lắc lư giữa dòng nước như dây câu. Mỗi sợi trang bị mồi giống con cá nhỏ hoặc ấu trùng côn trùng ở cuối, chứa bên trong vô số ấu trùng chờ sẵn. Khi cá cắn câu, ấu trùng trai vỡ ra và bám vào vật chủ.

Ở châu Âu, một loài trai tên spurting mussel sử dụng phần chân giống chiếc lưỡi leo lên bờ sông để chúng có thể phun nước chứa đầy ấu trùng lên mặt nước. "Cách của nó rất giống rắc thức ăn cá ở bể thủy cung. Cá lao tới để xem có gì ở đó và nhiễm ấu trùng ký sinh", G. Thomas Watters, chuyên gia về loài trai ở Đại học Ohio, giải thích.

Trong tất cả những phương pháp trai dùng để lợi dụng cá, Barnhart thán phục nhất loài Epioblasma, động vật bản xứ ở Mỹ. Loài trai này thường há vỏ, dùng thịt ở cơ thể mình làm mồi hút cá. Khi cá lao tới, vỏ trai đóng sập lại như chiếc bẫy. Con trai phun vào miệng tù nhân của nó hàng triệu ấu trùng trước khi thả cá đi. "Chúng là loài trai thực sự biết cắn trả", Barnhart nhận xét.

Cập nhật: 29/11/2017 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video