Trầm cảm ở học sinh, sinh viên và thuốc chữa

Trầm cảm là một dạng rối loạn tâm thần hay gặp nhất trong các dạng rối loạn tâm thần. Thời đại bùng nổ thông tin, do áp lực học tập lớn nên bệnh gặp khá nhiều ở lứa tuổi học sinh, sinh viên.

Triệu chứng

Rất đa dạng và phong phú như:

- Mất ngủ: Là triệu chứng hay gặp nhất. Bệnh nhân có thể mất ngủ đầu giấc (khó vào giấc ngủ), giữa giấc (đang ngủ tỉnh dậy, sau đó rất khó ngủ lại) và cuối giấc (thức giấc sớm, không ngủ lại được).

Nếu bệnh nhân thức giấc sớm hơn thường lệ trên hai giờ thì coi là mất ngủ. Chẳng hạn bình thường bệnh nhân thức dậy lúc 5 giờ sáng, bây giờ bệnh nhân thức giấc lúc 2 giờ sáng mà không sao ngủ lại được. Nếu nặng sẽ gây ra mất ngủ toàn bộ.

- Mệt mỏi: Bệnh nhân thường cảm thấy rất mệt mỏi, uể oải, đặc biệt là về buổi sáng. Buổi chiều cảm giác mệt mỏi có giảm đi nhưng vẫn còn rất rõ rệt. Chính mệt mỏi là nguyên nhân gây giảm sút khả năng học tập ở bệnh nhân.

- Chán ăn: Ăn mất ngon, vì vậy bệnh nhân ăn ít, từ đó dẫn đến gầy sút, bệnh nhân không muốn ăn, không có cảm giác thèm ăn. Thông thường bệnh nhân có thể sút một vài kg mỗi tháng, có những bệnh nhân khi đến khám bác sĩ tâm thần thì đã sút hơn 10 kg.

- Mất mọi quan tâm, thích thú trong sinh hoạt, công việc hoặc giải trí: Các sở thích trước đây của bệnh nhân đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chẳng hạn trước đây bệnh nhân thích bóng đá thì giờ chẳng quan tâm đến bóng đá nữa.

- Cảm giác buồn rầu, hoặc bực bội, khó chịu: Nét mặt bệnh nhân luôn rầu rĩ. Bệnh nhân luôn có cảm giác buồn bã với tất cả mọi việc mà không có cách nào làm bệnh nhân vui lên được. Bệnh nhân luôn cáu gắt với mọi người vì những lý do không đâu.

- Ý nghĩ chán nản, buông xuôi: Bệnh nhân chán mọi thứ, cho mình là vô dụng, vì vậy muốn buông xuôi mọi việc. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả học tập của bệnh nhân. Nhiều gia đình than phiền rằng bệnh nhân chán nản, muốn bỏ học không lý do, mặc dù trước đó bệnh nhân là một sinh viên rất chăm chỉ, học giỏi.

- Khó khăn khi tập trung vào một việc gì đó: như đọc sách, nghe giảng, xem ti-vi... Bệnh nhân không thể tập trung chú ý vào một việc cụ thể, do đó không thể ghi nhớ được, có bệnh nhân nói rằng đang đọc một đoạn sách mà không sao tập trung chú ý được. Do đó không thể nhớ được mình vừa đọc cái gì. Vì vậy kết quả học tập giảm sút rõ rệt, có những bệnh nhân thi trượt tất cả các môn mặc dù học kỳ trước còn là học sinh giỏi.

- Cảm giác bứt rứt, buồn nôn, lo lắng vô cớ: Bệnh nhân khó có thể ngồi yên một chỗ được một lúc. Họ luôn trong tâm trạng lo lắng vô cớ với những lý do không đâu.

- Thường xuyên có các rối loạn: như đau đầu, đau bụng, đau ngực, đánh trống ngực, đau cơ, ra nhiều mồ hôi..., vì vậy bệnh nhân thường được đưa đi khám ở bác sĩ thần kinh (đau đầu), tim mạch (đánh trống ngực), tiêu hóa (đau bụng)... nhưng tất cả các khám xét trên đều không chỉ ra một bệnh cụ thể nào. Cũng chính vì đi khám và điều trị nhiều nơi không phải chuyên khoa tâm thần nên bệnh nhân thường đến khám bác sĩ tâm thần ở giai đoạn muộn, khi bệnh đã trở thành mạn tính, vì vậy việc điều trị khó khăn và kéo dài hơn.

- Bệnh nhân từng có ý định muốn chết hoặc có hành vi tự sát: Chính do các triệu chứng kể trên, bệnh nhân bi quan, chán nản, muốn chết đi cho nhẹ gánh. Do vậy nhiều bệnh nhân có kế hoạch tự tử rõ ràng. Họ thường tìm cách mua thuốc gây độc. Chúng ta không được coi thường triệu chứng này vì bệnh nhân có thể chết do tự tử.

Khi có ý định hoặc hành vi tự sát, bệnh nhân cần được điều trị nội trú tại khoa tâm thần càng sớm càng tốt. Các bậc phụ huynh thường nhận thấy con em mình mất ngủ, kém ăn, gầy sút, học hành sút kém rõ rệt, khi đó nên đưa bệnh nhân đi khám tại bác sĩ tâm thần để phát hiện và điều trị sớm trầm cảm.

Thời gian bị bệnh

Phải trên 2 tuần. Nhưng nói chung các bệnh nhân thường đã bị bệnh từ nhiều tháng, thậm chí một năm mới đến khám tại bác sĩ tâm thần.

Bệnh nhân không bị một bệnh cơ thể nào gây ra các triệu chứng trên: Nếu các triệu chứng trên là hậu quả của một bệnh cơ thể (tăng huyết áp, loét dạ dày...) thì gọi là trầm cảm do bệnh cơ thể đó. Bệnh nhân không nghiện rượu, ma túy. Nếu có nghiện rượu, ma túy cần phải được chẩn đoán phân biệt.

Điều trị

Bệnh nhân phải được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm. Các biện pháp điều trị khác như đông y, châm cứu... cho kết quả không rõ ràng.

Thuốc chống trầm cảm có nhiều loại nhưng dù dùng loại gì thì thời gian điều trị tối thiểu cũng phải là 6 tháng. Nếu điều trị quá ngắn, bệnh sẽ dễ tái phát. Một số phác đồ cụ thể:

- Stablon 12,5mg x 3 viên/ngày, sáng 1 viên, chiều 1 viên, tối 1 viên.

Ưu điểm: hiệu quả điều trị tốt, ít tác dụng phụ.
Nhược điểm: phải uống thuốc 3 lần/ngày.

- Effexor 50mg x 2 viên/ngày, sáng 1 viên, tối 1 viên.

Ưu điểm: chữa trầm cảm rất tốt.
Nhược điểm: có nhiều tác dụng phụ trên dạ dày - ruột (đầy bụng, buồn nôn, nôn) trong thời gian đầu dùng thuốc.

- Fluoxetine 20mg x 1 viên/ngày, uống sau bữa ăn sáng.

Ưu điểm: hiệu quả cao, dung nạp tốt.
Nhược điểm: có tác dụng phụ trên hệ dạ dày - ruột trong thời gian đầu dùng thuốc.

- Sertraline 50mg x 2 viên/ngày, uống buổi tối 2 viên.

Ưu điểm: hiệu quả điều trị cao, ít tác dụng phụ.
Nhược điểm: thuốc đắt tiền, khó mua.

- Remeron 30mg x 1viên/ngày.

Ưu điểm: an dịu mạnh, kích thích ăn uống, rất thích hợp với bệnh nhân mất ngủ và chán ăn.
Nhược điểm: thuốc đắt tiền, thận trọng với người lái xe vì gây buồn ngủ.

- Fluvoxamin 100mg x 1viên/ngày, uống buổi sáng hoặc buổi tối.

Ưu điểm: hiệu quả điều trị tốt, đặc biệt với bệnh nhân có lo âu, ám ảnh.
Nhược điểm: có tác dụng phụ trên dạ dày - ruột.

Bệnh nhân dùng thuốc phải tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của thầy thuốc điều trị.

Theo Sức khỏe & đời sống
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video