Chi phí cho toàn bộ trạm hàn này là 563 triệu đồng, chỉ bằng 1/4 so với sản phẩm ngoại nhập.
Hiện nay chỉ có vài đơn vị mua robot hàn chuyên dùng sử dụng trong sản xuất như công ty công nghiệp tàu thủy Sài Gòn thuộc Công ty VINASHIN hoặc công ty Trung Tín (Bình Chánh, TP.HCM)… nhưng đây là dạng robot riêng lẻ, làm việc theo chương trình lập trước.
PGS.TS Lê Hoài Quốc, bộ môn Điều khiển tự động - khoa Cơ khí trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chủ nhiệm dự án cho biết: Trạm có dạng bàn xoay, với chế độ hoạt động gián đoạn với 4 vị trí dừng, gồm 3 robot và 1 công nhân. Công nhân này sẽ gá đặt chi tiết, sau đó chi tiết đi qua 3 robot hàn và về vị trí người công nhân để người này tháo ra và kiểm tra.
Theo yêu cầu của đơn vị đặt hàng, nhóm thực hiện dự án đã sử dụng các xác robot của Nhật Bản, sau đó thay thế, làm lại toàn bộ phần động cơ, điều khiển và phục hồi, nâng cấp phần cơ khí.
Các robot được trang bị các cảm biến giúp nhận biết vị trí của đồ gá trên bàn xoay để gọi đúng chương trình gia công đã thiết lập trước. Phần mềm, chương trình điều khiển và công cụ hỗ trợ lập trình giúp robot có cấu tạo chuẩn, thân thiện, dễ sử dụng cho công nhân vận hành để nhanh chóng lập trình cho sản phẩm mới.
Việc ứng dụng này làm tăng năng suất quá trình, đảm bảo chất lượng sản phẩm, giữ nhịp độ sản xuất ổn định và giảm nhẹ điều kiện lao động cho người công nhân trong môi trường làm việc không có lợi cho sức khỏe.
“Có thể đường hàn do robot thực hiện không đẹp bằng một thợ làm giỏi nhưng tính ổn định cao và có thể hàn liên tục để đạt được năng suất theo yêu cầu”, một thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.
Trạm hàn bán tự động đang được trưng bày tại Chợ Công nghệ và Thiết bị VN 2005 (Techmart 2005), diễn ra từ ngày 12 đến 15-10 tại Nhà thi đấu Phú Thọ, TP.HCM.
T.VY