Theo mô tả của những người đã từng rơi vào trạng thái ảo thân, có một quả cầu bạc xuất hiện trên đầu, và "linh hồn" của họ chui vào quả cầu đó.
"Ảo thân" hay "du thần" (out of body experience - OBE) là trạng thái như cơ thể bị phân tách thành hai nửa, dạng như hồn vía và thể xác. Trong đó, phần "thần" vẫn quan sát được thể xác và thế giới xung quanh. Những trường hợp OBE thường được tả giống như người trong mơ, hoặc nửa tỉnh nửa mê nhưng 5 giác quan vẫn hoạt động bình thường. Một thống kê cho thấy có tới 15% người được hỏi từng bị ảo thân.
Những người đã từng rơi vào trạng thái này kể lại, họ thấy một quả cầu màu bạc đường kính khoảng 15 cm xuất hiện phía trên đầu (đôi khi là một đường hầm và ánh sáng xuất hiện ở phía cuối). "Linh hồn" của họ chui vào đó và quả cầu bắt đầu chuyển động xuyên qua trần nhà lên phía trên. Một sợi dây bạc gọi là quang tuyến níu giữ giữa quả cầu "linh hồn" và thể xác của họ. Sau đó quả cầu bạc lớn mãi, vượt ra ngoài vũ trụ, thậm chí có người còn mô tả quả cầu bạc đã đưa họ tới tận... sao Mộc.
Nếu ở tình trạng OBE lâu hơn 5 phút, sẽ có cảm giác kéo căng ở trán, thái dương, cơ thể rung động, theo những người này là do sợi quang tuyến bị căng quá mức.
Một vật bất ly thân của các OBE chuyên nghiệp là cuốn nhật ký xuất vía, chuyên ghi lại những kinh nghiệm hoặc khó khăn của các chuyến "du ngoạn" kiểu OBE. Với họ, việc gặp thiên thần hộ mệnh là quá đơn giản. Họ có thể vượt qua được các rào cản "năng lượng" để chuyển động tới những vùng cấm kỵ của vũ trụ.
Các tay OBE chuyên nghiệp còn cho rằng họ có thể "đọc vị" suy nghĩ của các nhà lãnh đạo cao cấp, đó là đẳng cấp "gián điệp OBE". Nghĩa là họ dùng phương pháp "du thần" để thâm nhập những khu vực được bảo vệ tuyệt mật, hoặc đi vào ý nghĩ của các nhà lãnh đạo, để thu thập thông tin, thậm chí là điều khiển họ làm những công việc có lợi.
Bản thân Cơ quan tình báo Mỹ cũng từng có thời kỳ hoang mang trước các câu chuyện của OBE. Có thời điểm CIA đã chiêu mộ 16 OBE chuyên nghiệp để thử nghiệm làm hàng rào "năng lượng".
Đằng sau "nhật ký xuất vía"
Nhà cận tâm lý học Susan Blackmore (Mỹ) đã tìm cách khám phá những bí mật của OBE. Khi còn là sinh viên, bà đã trực tiếp thực nghiệm OBE trên bản thân mình, và mô tả khá giống với "nhật ký xuất vía" của các tay OBE chuyên nghiệp: "Thần" thoát ra qua một đường hầm và bay lên, cũng có một sợi dây bạc nối "thần" với thể xác. Nó vượt qua khu giảng đường Oxford, thấy nước Anh ở phía dưới và cuối cùng, vượt qua Đại Tây Dương tới New York. Sau đó Susan trở về phòng của mình tại Oxford và thu nhỏ, thu nhỏ... chui qua ngón chân vào cơ thể.
Susan thú nhận bà đã sử dụng một số loại ma túy như bồ đà (gây ảo giác mạnh) để đạt được điều này chứ không phải luyện tập theo "giáo trình" của các OBE chuyên nghiệp. Qua đó, bà cho rằng, OBE là một tình trạng mất phản xạ của thần kinh thị giác, gây ảo giác (gần giống với tình trạng các kinh nghiệm cận tử hoặc một bệnh tâm thần có tên là "ảo giác thần tiên"). Nó có thể bị chi phối bởi thuốc gây mê, ma túy hoặc sang chấn tâm lý.
Những câu chuyện về OBE được thêu dệt ngày càng phong phú nhưng lại không có một bằng chứng nào rõ ràng. Điều này đã làm một người Mỹ là ông James Randi nảy ra sáng kiến. Vào năm 1964, ông đã thành lập một quỹ để thưởng cho ai đưa ra bằng chứng về những khả năng đặc biệt, với mức thưởng ban đầu là 1.000 USD, và hiện nay đã lên tới 1 triệu USD. Điều kiện tham dự khá đơn giản, chỉ cần chứng minh (dưới sự giám sát của ban giám khảo) rằng mình có khả năng siêu nhiên nào đó như gọi hồn, ngoại cảm thấu thị, nhân điện, thần giao cách cảm... Từ năm 1997 tới 2005 đã có 650 người nộp đơn nhưng không ai vượt qua được vòng sơ khảo.