Trẻ sinh mổ sẽ thiếu hụt các vi sinh quan trọng

Một nghiên cứu tại Anh đưa ra bằng chứng cho thấy phương pháp trẻ sơ sinh được sinh ra có thể thay đổi hệ vi sinh trong cơ thể bé, tuy nhiên chưa rõ điều này ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe.

Cách thức một em bé được sinh ra có ảnh hưởng lớn đến hệ vi sinh trên cơ thể bé. Đây là phát hiện từ nghiên cứu lớn nhất từ ​​trước đến nay về hệ vi sinh của trẻ sơ sinh. Nghiên cứu cung cấp bằng chứng mạnh mẽ nhất cho thấy trẻ sinh thường (theo đường âm đạo) mang các vi khuẩn khác biệt so với những ca sinh mổ. Theo kết quả nghiên cứu, trẻ sinh mổ có xu hướng thiếu hụt các chủng vi khuẩn đường ruột được tìm thấy ở trẻ em và người lớn khỏe mạnh. Thay vào đó, ruột của các bé chứa những vi khuẩn gây hại thường gặp trong bệnh viện.

Nghiên cứu phân tích gần 600 ca sinh tại Anh và không xem xét về việc liệu những khác biệt về vi khuẩn này có ảnh hưởng đến sức khỏe sau này hay không. Tuy nhiên, sự hiện diện của vi khuẩn gây bệnh là vấn đề đáng quan tâm, Trevor Lawley, nhà vi sinh học tại Viện Wellcome Sanger (Hinxton, Anh) - người đứng đầu nghiên cứu cho biết hôm 18/9. "Mức độ "bành trướng" của các vi khuẩn gây hại là đáng ngạc  nhiên ở những em bé sinh mổ. Khi lần đầu tiên nhìn vào dữ liệu, tôi đã không thể tin vào điều đó", ông cho biết.

Nghiên cứu trước đây đã gợi ra rằng những em bé sinh mổ không được nhận một số vi khuẩn từ mẹ như những em bé sinh thường. Vì điều này mà một số cha mẹ đã lau trẻ sinh mổ bằng dịch âm đạo nhằm bù lại cho con các vi khuẩn bị thiếu. Nhưng thực tế, việc gieo hạt âm đạo (vaginal seeding) này đang gây tranh cãi và chưa được chứng minh về tính an toàn, hiệu quả. Lawley cho biết, với những hạn chế của các nghiên cứu trước đây, ví dụ như mẫu có kích thước nhỏ và hạn chế, chưa rõ liệu phương pháp sinh của trẻ có ảnh hưởng đến hệ vi sinh trên cơ thể hay không.


Em bé sinh mổ không được nhận một số vi khuẩn từ mẹ như những em bé sinh thường.

Khác biệt

Làm việc với các nữ hộ sinh và bác sĩ tại 3 bệnh viện ở London và Leicester, nhóm Lawley, đã lấy mẫu và phân tích DNA của các vi khuẩn được tìm thấy trong phân của 596 em bé. Trong số này, 314 trẻ được sinh thường và 282 trẻ sinh mổ, trong giai đoạn 4, 7 và 21 ngày sau sinh.

Sự khác biệt giữa các vi sinh đường ruột của 2 nhóm trẻ sơ sinh rất rõ ràng. Trẻ sinh mổ thiếu các chủng vi khuẩn hội sinh thường được tìm thấy ở những người khỏe mạnh. Trong khi những vi khuẩn này chiếm số lớn trong ruột của trẻ sơ sinh được sinh thường. Thay vào đó, ruột của trẻ sinh mổ bị chi phối bởi các vi khuẩn cơ hội như Enterococcus và Klebsiella vốn thường trú ngụ trong bệnh viện. "Sự khác biệt quá rõ ràng, tôi có thể lấy mẫu từ 1 em bé và nói cho bạn biết một cách chắc chắn trẻ đó được sinh ra theo đường nào", Lawley cho biết.

Tuy nhiên, vài tháng sau sinh, hệ vi sinh ở trẻ phát triển giống nhau dần - ngoại trừ một loại vi khuẩn thường gặp có tên là Bacteroides. Những vi khuẩn này vắng mặt hoặc có hiện diện nhưng ở mức rất thấp trong hệ vi sinh của gần như tất cả các em bé sinh mổ. 9 tháng sau, trung bình, khoảng 60% những trẻ này vẫn chỉ có ít thậm chí không có Bacteroides trong ruột. Nghiên cứu trước đây đã gợi ra rằng một số loài Bacteroides ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của vật chủ và giúp dập tắt chứng viêm.

Để đánh giá chính xác hơn các vi khuẩn có xu hướng xâm lấn tại ruột của trẻ sinh mổ, nhóm Lawley đã nuôi cấy hàng trăm chủng vi khuẩn từ các mẫu phân, xác định được các gen chịu trách nhiệm về kháng kháng sinh và độc lực, từ đó nhận định rằng các chủng này có liên quan đến vi khuẩn cơ hội thường cư ngụ trong bệnh viện.

Ảnh hưởng tới sức khỏe

Nghiên cứu của Lawley là một phần của chương trình lớn hơn, có tên gọi Baby Biome Study (nghiên cứu về quần xã sinh vật trên trẻ nhỏ) theo dõi hàng ngàn trẻ sơ sinh trong giai đoạn thơ ấu. Các nghiên cứu dịch tễ học đã gợi ra rằng trẻ sinh mổ có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn và béo phì sau này. Lawley cho biết, thông qua nghiên cứu đủ số mẫu, nhóm của ông có thể xác định liệu phương pháp sinh và những thay đổi trong hệ sinh thái có ảnh hưởng tới sức khỏe sau này hay không.

Tuy nhiên, các yếu tố khác ngoài phương pháp sinh có thể cũng góp phần vào sự khác biệt trong hệ vi sinh, Josef Neu, bác sỹ sơ sinh tại Đại học Y khoa Florida (Gainesville) cho biết. Những bà mẹ sinh mổ có thể đã nhận những kháng sinh và truyền qua nhau thai. Các em bé sinh mổ thường ở lại bệnh viện lâu hơn và nhận được sữa mẹ dồi dào lợi khuẩn muộn hơn so với trẻ sơ sinh được sinh thường.

Rob Knight, một nhà vi sinh học tại Đại học California (San Diego) cho biết nghiên cứu này có thể giúp xác định các chủng vi khuẩn cụ thể cần bổ sung cho các em bé sinh mổ để giúp hệ vi sinh của các bé giống với trẻ sinh theo đường âm đạo. Trước đây ông đã thực hiện một thử nghiệm nhỏ về gieo hạt âm đạo sau đó áp dụng với vợ mình khi vợ ông sinh con bằng phương pháp mổ cấp cứu năm 2011.

Lawley, cũng là đồng sáng lập một công ty chuyên cung cấp các liệu pháp vi sinh, cho biết có thể thay đổi hệ vi sinh theo cách này. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng nghiên cứu mới nhất của nhóm của ông không ủng hộ việc gieo hạt âm đạo. Lawley cho biết, ý tưởng về việc bổ sung các vi khuẩn nhằm tăng miễn dịch là rất rủi ro. "Dữ liệu của chúng tôi không đồng tình với điều đó".

Cập nhật: 27/11/2019 Theo vnreview
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video