Những đứa bé thông minh không nhất thiết phải có bộ não lớn hơn bạn bè, song vùng não liên quan đến tư duy lại thay đổi mạnh mẽ hơn trong thời kỳ vị thành niên.
(Ảnh: en.wikipedia.org) |
307 em tuổi từ 6 đến 20 đã tham gia thí nghiệm. Hầu hết các em được chụp não ít nhất 2 lần, cách nhau hai năm. Căn cứ theo chỉ số test IQ, bọn trẻ được chia làm 3 nhóm: siêu hạng (121-145), cao (109-120) và trung bình (83-108).
Chụp não cho thấy vỏ não của tất cả các em dày lên trong thời vị thành niên trước khi mỏng trở lại.
Chẳng hạn, vỏ não của những em 7 tuổi thông minh nhất nhóm bắt đầu dầy cho đến tận năm 11 hoặc 12 tuổi, trước khi mỏng đi. Nhưng ở nhóm trẻ có IQ trung bình, ngược lại, vỏ não đạt đỉnh ở tuổi lên 8, và dần dần mỏng đi sau đó.
Điều này phản ánh những đứa trẻ thông minh đã có thời gian "cửa sổ" để phát triển não dài hơn. Ngoài ra, vỏ não của chúng cũng mỏng đi nhanh hơn ở cuối lứa tuổi vị thành niên, có thể nhằm loại bỏ hiệu quả những kết nối thần kinh không cần thiết, trưởng nhóm nghiên cứu Philip Shaw từ Viện Sức khoẻ thần kinh quốc gia Mỹ, cho biết.
T. An