Trung Quốc 'nhảy vọt', sắp trình làng "tài sản trên không lớn nhất": Nặng 90 tấn, chưa 1 quốc gia nào đơn phương làm được

Trung Quốc đang thể hiện mình là đối thủ đáng gờm của Mỹ và nhiều quốc gia khác trong lĩnh vực này.

Ngày 4/3, People.cn dẫn thông tin của Cơ quan Không gian có người lái Trung Quốc (CMSA) cho biết, Trung Quốc có kế hoạch phóng mô-đun cốt lõi của Trạm vũ trụ Tiangong (Thiên Cung) của mình vào cuối tháng 6/2021, bắt đầu quá trình xây dựng "tài sản trên không lớn nhất" của nước này.

Tiangong: "Quả ngọt" sau nỗ lực gần 3 thập kỷ

CMSA cho biết trong một tuyên bố vào sáng thứ Năm ngày 4/3 rằng, mô-đun lõi của Trạm vũ trụ Tiangong "made in China" nặng 20 tấn, và tên lửa đẩy hạng nặng Long March 5B (Trường Chinh 5B) được giao nhiệm vụ phóng mô-đun lõi đã được đưa đến Trung tâm Phóng vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, sẵn sàng cho nhiệm vụ phóng vào cuối tháng 6 tới.

Ngoài ra, cơ quan này cung cấp thông tin thêm rằng bốn nhóm phi hành gia đã được chọn để xây dựng trạm vũ trụ và đang được đào tạo.

Cho đến nay, Trạm vũ trụ đa mô-đun Tiangong là nỗ lực không gian phức tạp nhất, kỳ công và tốn kém nhất của Trung Quốc. Chương trình xây dựng Tiangong hoàn toàn độc lập và không có liên kết với bất kỳ quốc gia hoạt động trong không gian quốc tế nào khác. Chương trình Tiangong bắt đầu từ năm 1992 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2021.

Trạm vũ trụ Tiangong của Trung Quốc chủ yếu gồm 3 thành phần, với tổng trọng lượng là khoảng 90 tấn:

(1) Một mô-đun cốt lõi tên là Tianhe, nặng 20 tấn dài 16,6 mét và có đường kính 4,2 mét. Tianhe (Thiên Hà) có ba phần: Phần kết nối - phần hỗ trợ và điều khiển sự sống - phần tài nguyên. Mô-đun Tianhe sẽ là trung tâm cho các hoạt động của Trạm vũ trụ Tiangong, bởi đây là nơi có 3 phi hành gia sẽ sống ở đó và điều khiển toàn bộ trạm từ bên trong. Mô-đun cũng sẽ được giao nhiệm vụ tổ chức các thí nghiệm khoa học.

(2) Hai thành phần còn lại là 2 phòng thí nghiệm không gian có tên lần lượt là Tiangong-1 và Tiangong-2 (riêng phòng thí nghiệm Tiangong-2 tân tiến hơn và có kèm theo tàu chở hàng).


Hình ảnh Trạm vũ trụ Tiangong của Trung Quốc. Ảnh: CNSA

Thông cáo cho biết, Trung Quốc quyết tâm mở trạm vũ trụ này để hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ. Tiếp nối sứ mệnh vũ trụ lớn của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS, ban đầu do Liên Xô và Mỹ xây dựng) vào thời điểm ISS dự kiến ​​sẽ ngừng hoạt động vào năm 2024.

Các nhà khoa học Trung Quốc và những người đồng cấp của họ từ Liên Hợp Quốc đã lựa chọn loạt thí nghiệm khoa học đầu tiên do các nhà nghiên cứu nước ngoài đề xuất có thể được thực hiện bên trong trạm vũ trụ. Theo cơ quan này, họ hiện đang làm việc để thực hiện các chương trình hợp tác đó.

Các nhà hoạch định Chương trình Tiangong của Trung Quốc cho biết toàn bộ trạm vũ trụ sẽ được hoàn thành vào năm 2021 và dự kiến ​​sẽ đi vào hoạt động vào năm 2022. Trạm vũ trụ Tiangong sẽ hoạt động trong khoảng 15 năm.

Vũ trụ Trung Quốc trỗi dậy

Cơ quan Không gian có người lái Trung Quốc (CMSA) cũng lưu ý rằng họ đang xem xét các kế hoạch cho chương trình thăm dò Mặt Trăng có người lái của Trung Quốc trong thời gian tới.

Có thể thấy, những thập niên đầu của thế kỷ 21, chúng ta chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của ngành vũ trụ Trung Quốc. Không chỉ liên tiếp đạt được nhiều thành tựu vũ trụ khiến Mỹ, Nga, châu Âu phải "tâm phục khẩu phục", Trung Quốc còn thể hiện tham vọng quốc gia ngoài không gian không hề kém cạnh Mỹ và nhiều tổ chức không gian quốc tế khác.

1. Những thành tựu vũ trụ mà nước này đạt được trong thời gian qua bao gồm:

- Năm 2019: Chang'e-4: Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) phóng thành công tàu thăm dò Chang'e-4 xuống nửa tối Mặt Trăng. Thành tích này xác lập kỷ lục: Là quốc gia đầu tiên trên thế giới đổ bộ tàu thăm dò không người lái xuống nửa tối Mặt Trăng. Đồng thời là quốc gia thứ 3 trên thế giới trong lịch sử (sau Mỹ và Liên Xô) đưa tàu thăm dò đổ bộ Mặt Trăng.

- Năm 2020: Chang'e-5: Lập kỷ lục quốc gia (riêng tại Trung Quốc) khi cho tàu thăm dò Chang'e-5 thu thập thành công 2kg mẫu vật Mặt Trăng và đưa về Trái Đất nghiên cứu. Thành công của Chang'e-5 cũng đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới đưa mẫu vật Mặt Trăng về Trái Đất thành công (sau Mỹ và Liên Xô).

- Năm 2020: Long March-5B: Lập kỷ lục quốc gia khi trình làng thành công tên lửa đẩy hạng nặng Long March-5B do Viện Công nghệ Tên lửa đẩy (CALT) phát triển. Long March-5B là tên lửa đẩy mạnh nhất trong lịch sử quốc gia này. Long March-5B là bước đệm để Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) hoàn thành việc xây dựng Trạm vũ trụ Tiangong trong năm 2020.

- Năm 2020 và 2021: Lập kỷ lục thế giới khi là quốc gia đầu tiên xây dựng và lắp đặt Trạm vũ trụ Tiangong đơn phương. Cho đến nay, chưa có quốc gia nào độc lập xây dựng được 1 trạm vũ trụ ngoài không gian. Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) ban đầu do Liên Xô và Mỹ phối hợp thực hiện và xây dựng.


Trung Quốc công bố hình ảnh sao Hỏa cận nhất được chụp bởi Tianwen-1 hồi đầu tháng 3/2021. Ảnh: Tianwen-1 / CNSA

- Năm 2020 - 2021: Phóng Tianwen-1, gồm tàu đổ bộ và xe tự hành và tàu quỹ đạo sao Hỏa đầu tiên của nước này đến Hành tinh Đỏ để nghiên cứu sự sống tiềm ẩn tại đây. Tháng 2/2021, Tianwen-1 đến quỹ đạo sao Hỏa thành công và chụp được những bức ảnh bề mặt sao Hỏa gần nhất.

2. Tham vọng của Trung Quốc

- Mặt Trăng: Trong tương lai, Trung Quốc đặt tham vọng khai thác tài nguyên quý giá tại vệ tinh tự nhiên của Trái Đất này. Các tài nguyên trên Mặt Trăng dự kiến có Helium-3, đất hiếm, bạch kim, vàng...

Không dừng ở đó, Trung Quốc còn đặt tham vọng ngang tầm NASA và ESA (Cơ quan Vũ trụ Châu Âu) khi muốn xây dựng căn cứ có người ở tại Mặt Trăng. Để thực hiện các tham vọng này, Trung Quốc tuần tự triển khai các sứ mệnh của Chang'e-6,7,8 trong tương lai, NASA thông tin.

- Sao Hỏa: Sau thành công của Tianwen-1, Trung Quốc lên kế hoạch phóng tàu thăm dò thu thập mẫu vật liệu sao Hỏa và đem về Trái Đất nghiên cứu (đây là sứ mệnh chưa một quốc gia nào thực hiện được cho đến nay).

- Sao Mộc: Là hành tinh lớn nhất trong Hệ Mặt Trời, Trung Quốc đặt kế hoạch đưa tàu vũ trụ bay ngang qua hành tinh này để chụp ảnh và có những nghiên cứu nhất định về các hành tinh thuộc Thái Dương Hệ.

- Tiểu hành tinh: Giống như Nhật Bản đã làm được hồi tháng 12/2020 (thu thập mẫu vật liệu tại tiểu hành tinh Ryugu cách Trái Đất 300 triệu km và đưa thành công về Trái Đất nghiên cứu, đọc chi tiết), Trung Quốc cũng lên kế hoạch trong 5 năm tới thu thập mẫu vật tiểu hành tinh khác mang về nghiên cứu.

Cập nhật: 07/03/2021 Theo Soha
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video