Trung Quốc có thể biến Mặt trăng thành trạm bảo vệ Trái đất

Các chuyên gia đề xuất đặt kính viễn vọng ở vùng cực Mặt trăng và phóng vệ tinh lên quỹ đạo để đánh chặn các tiểu hành tinh nguy hiểm.

Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết, nước này có thể mở rộng hệ thống phòng thủ hành tinh đang xây dựng tới Mặt trăng, thậm chí xa hơn nữa, để bảo vệ Trái đất khỏi va chạm với tiểu hành tinh, SCMP hôm 22/7 đưa tin.


Minh họa Mặt trăng, Trái đất, và tiểu hành tinh đang lao đến. (Ảnh: iStock)

Wu Weiren, thiết kế trưởng của Chương trình Thám hiểm Mặt trăng Trung Quốc, cho biết kế hoạch mới bao gồm việc đưa ba vệ tinh bảo vệ chở nhiều nhiên liệu và vũ khí lên quỹ đạo Mặt trăng. Hai kính viễn vọng quang học sẽ được lắp đặt tại cực nam và cực bắc Mặt trăng để khảo sát bầu trời và phát hiện bất cứ mối đe dọa nào lọt qua mạng lưới cảnh báo sớm dưới Trái đất, đặc biệt là những vật thể đến từ "điểm mù" - hướng Mặt Trời.

Khi phát hiện một "vị khách" bất ngờ có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng, hệ thống sẽ điều một hoặc toàn bộ vệ tinh bảo vệ đi đánh chặn vật thể này với tổng thời gian chỉ khoảng một tuần, nhanh hơn bất cứ tên lửa lớn nào phóng từ Trái đất, theo nhóm nghiên cứu.

"Nó sẽ có khả năng đánh chặn các tiểu hành tinh bay tới từ mọi hướng và có thể tạo thành một vòng tròn phòng thủ rộng gấp đôi khoảng cách giữa Mặt trăng và Trái đất, nghĩa là có đường kính khoảng 800.000km", Wu và các đồng nghiệp trình bày trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Scientia Sinica Informationis hôm 20/7.

Hệ thống phòng thủ Mặt trăng hiện chưa được chính phủ Trung Quốc phê duyệt. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho biết, hệ thống này sẽ đưa công nghệ vũ trụ của Trung Quốc lên tầm cao mới.

Trung Quốc đang xây dựng một hệ thống phòng thủ trên Trái đất gồm các radar và kính viễn vọng khổng lồ. Nhưng một hệ thống trên Trái đất sẽ có nhiều hạn chế, Wu nhận định.

Các nhà vật lý thiên văn ước tính, khoảng 60% tiểu hành tinh đủ lớn để hủy diệt một quốc gia không được con người ghi nhận và theo dõi. Các tiểu hành tinh này đến từ hướng Mặt Trời. Ánh sáng chói của Mặt Trời khiến việc phát hiện bằng kính viễn vọng quang học gần như bất khả thi. Trong khi đó, các hệ thống radar thường chỉ hoạt động tốt nhất khi theo dõi mục tiêu đã biết. Hơn nữa, việc số lượng vệ tinh trên quỹ đạo ngày càng tăng sẽ làm giảm cơ hội phát hiện những thiên thể nhỏ từ xa.

Hầu hết những vấn đề này có thể khắc phục với kính viễn vọng hoạt động trên các vùng cực của Mặt trăng, theo nhóm nghiên cứu của Wu. Họ tính toán rằng góc nhìn của các kính viễn vọng Mặt trăng sẽ gần như bù đắp được toàn bộ điểm mù trên Trái đất.

Việc xây dựng một cơ sở như vậy trên bề mặt Mặt trăng sẽ tốn rất nhiều chi phí và tài nguyên. Theo Wu cùng các đồng nghiệp, Trung Quốc có thể mời các nước khác hợp tác xây dựng các đài quan sát này như một phần của Trạm Nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế - dự án do Trung Quốc và Nga phối hợp triển khai nhằm xây dựng khu định cư lâu dài trên Mặt trăng vào năm 2030. Nhưng trước khi thi công trên Mặt trăng, Trung Quốc cần phóng vệ tinh lên quỹ đạo Mặt trăng để thử nghiệm những công nghệ giám sát, theo dõi và đánh chặn mới nhất.

Cập nhật: 25/07/2022 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video