Nhiệm vụ lần này của sứ mệnh Chang'e-4 có rất nhiều khía cạnh thú vị.
Sáng ngày hôm nay, ngành du hành vũ trụ Trung Quốc có một dấu mốc lịch sử mới: họ đã hạ cánh thành công tàu thăm dò xuống mặt tối của Mặt Trăng. Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho tên lửa đưa tàu thăm dò Chang’e-4 (là Thường Nga-4 hay Hằng Nga-4) lên không hôm 8/12 vừa rồi, sáng nay nó vừa đáp thành công xuống hố thiên thạch Von Kármán.
Các nguồn tin từ phía Trung Quốc cho hay tàu thăm dò đã gửi về hình ảnh đầu tiên về mặt tối của Chị Hằng, tuy nhiên chưa có thêm thông tin nào cũng như chưa có tấm ảnh nào được phía Trung Quốc công bố.
Tàu thăm dò Chang’e-4 vừa đáp thành công xuống hố thiên thạch Von Kármán trên Mặt trăng.
Tên gọi "mặt tối" không hoàn toàn chính xác: đây chỉ là mặt không bao giờ hướng về Trái Đất, do Mặt Trăng tự quay quanh trục với tốc độ tương đương khi nó bay với quỹ đạo quanh Trái Đất. "Mặt tối" vẫn nhận đầy đủ ánh sáng Mặt Trời như thường, chỉ có điều ta không thấy được nó khi đứng từ mặt đất thôi.
Việc hạ cánh thành công không chỉ đánh dấu mốc lịch sử của CNSA mà còn của cả ngành du hành vũ trụ nhân loại. Nằm tại phía xa của Mặt Trăng, tàu thăm dò sẽ không liên lạc trực tiếp được với trung tâm điều khiển mặt đất, mà phải qua một vệ tinh Trung Quốc đã phóng lên, phục vụ sứ mệnh Chang’e-4.
Sứ mệnh Mặt Trăng sẽ bao gồm thử nghiệm truyền tin bằng sóng vô tuyến tần số thấp, quan sát xem thực vật sống sót ra sao trong "nhà của Chị Hằng" (tàu thăm dò mang cả hạt giống lên để thử nghiệm) và khám phá xe cực của Mặt Trăng có chứa tài nguyên hay nước không. Một chức năng khác nữa là nghiên cứu tác động của gió Mặt Trời tới bề mặt Mặt Trăng.
Tàu thăm dò Mặt Trăng trước của Trung Quốc là Yutu – Thỏ Ngọc đã dừng hoạt động hồi tháng Tám năm 2016, là một phần thuộc sứ mệnh Chang’e-3. Trung Quốc là quốc gia thứ ba hạ cánh lên Mặt Trăng, sau hai cường quốc du hành vũ trụ là Mỹ và Nga. Tàu thăm dò mới được cử lên, hạ cánh sáng hôm nay thừa kế những nét tương đồng của Thỏ Ngọc.
Trung Quốc chưa muốn dừng lại. Họ đang có dự định phóng tàu thăm dò Sao Hỏa vào năm 2020, gồm vệ tinh quỹ đạo và tàu thăm dò mặt đất; tiếp sau sẽ là tàu lấy mẫu đất Sao Hỏa về nghiên cứu. Dự kiến tới năm 2022, Trung Quốc cũng sẽ có trạm vũ trụ của riêng mình.