Cát hát - vùng cát tạo ra âm thanh một cách tự nhiên khi gió thổi - phản ánh chất lượng bãi biển độc đáo của đảo Hải Nam.
Các nhà khoa học phát hiện vùng "cát hát" dọc theo bờ biển vịnh Clearwater, bán đảo Shenzhou và một số khu vực khác ở tỉnh Hải Nam, Xinhua hôm 20/6 đưa tin. Đây là lần đầu tiên hiện tượng âm thanh kỳ lạ này được phát hiện ở bờ biển Trung Quốc.
Bãi cát hát ở bán đảo Shenzhou, thành phố Vạn Ninh, tỉnh Hải Nam. (Ảnh: CFP)
Cát hát, còn gọi là cát reo, cát huýt sáo hoặc cát nhạc, là những vùng cát ở sa mạc hoặc bờ biển có thể tạo ra âm thanh một cách tự nhiên trong gió do sự kết hợp giữa các đặc điểm vật lý như kích thước và thành phần cấu tạo của hạt cát.
"Việc phát hiện ra hiện tượng thiên nhiên kỳ diệu này giúp lấp khoảng trống về cát hát ven biển ở Trung Quốc. Nó sẽ hỗ trợ cho việc phát triển và bảo vệ tài nguyên du lịch ở Hải Nam", Qu Jianjun, nhà nghiên cứu tại Viện Tài nguyên và Môi trường Tây Bắc (NIEER) thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
Cát hát có ở nhiều nơi thuộc khu vực nội địa Trung Quốc, bao gồm Núi Cát Hát nổi tiếng ở Đôn Hoàng, tây bắc tỉnh Cam Túc. "Từ lâu, người ta đã cho rằng Trung Quốc không có bãi cát hát ven biển nào và nghiên cứu mới nhất của chúng tôi cho thấy một câu trả lời mới", ông Qu nói.
Nghiên cứu mới chỉ ra, địa mạo học và động lực học độc đáo của các vịnh này giúp tạo hình cho hạt cát ven biển. Nhóm chuyên gia cũng nghiên cứu nhiều đặc điểm của cát hát ven biển như thành phần khoáng chất, kích thước hạt, cấu trúc bề mặt, đặc tính âm thanh, và so sánh với cát hát sa mạc.
Bề mặt của cát ven biển có các vết lõm hình chữ V hình thành do quá trình ăn mòn cơ học dưới nước và các lỗ sâu hình thành do quá trình ăn mòn hóa học. "Cấu trúc vật lý xốp bề mặt là một yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát cơ chế âm thanh của cát hát", Qu giải thích.
Ngoài ra, phổ tần số của cát hát ven biển hẹp hơn cát hát sa mạc, với tỷ lệ lớn các thành phần tần số cao và âm thanh tương đối sắc.
Việc phát hiện cát hát ven biển phản ánh chất lượng nước biển và bãi biển của đảo Hải Nam. Đây là những đặc điểm quan trọng với tài nguyên du lịch, từ đó tạo ra những lợi ích đáng kể về kinh tế, xã hội và sinh thái, Qu nhận định. "Chúng ta cần nghiên cứu thêm về vấn đề bảo tồn. Trong lúc đó, thành lập một công viên cát ven biển, có thể dùng làm nền tảng cho nghiên cứu khoa học và giáo dục, sẽ là ý tưởng hay", ông nói.