Các nhà khoa học Trung Quốc mở thành công cánh buồm kéo để đưa một trong những tên lửa Trường Chinh 2 phóng gần đây rời khỏi quỹ đạo, giúp giảm bớt rác vũ trụ.
Cánh buồm gắn trên tên lửa Trường Chinh 2 giúp tầng cuối tên lửa rơi xuống Trái đất nhanh hơn. (Ảnh: Weibo)
Cánh buồm kéo rộng 25m2 khi mở hết cỡ và cực mỏng, chỉ dày bằng 1/10 đường kính sợi tóc người, theo Science and Technology Daily. Tấm màng giống cánh diều này được thiết kế để tăng lực cản khí quyển và thúc đẩy tầng cuối tên lửa 300 kg rơi nhanh khỏi quỹ đạo. Tên lửa Trường Chinh 2 được sử dụng để đưa vệ tinh viễn thám lên quỹ đạo vào tháng trước và trở thành rác vũ trụ sau đó. Cánh buồm kéo này là loại lớn nhất mà Trung Quốc phát triển trong nỗ lực giải quyết vấn đề rác vũ trụ đang trở nên ngày càng phổ biến.
Ước tính hơn một tỷ mảnh rác đang trôi nổi quanh Trái đất, 2/3 số đó nằm ở quỹ đạo thấp nơi phần lớn tàu vũ trụ hoạt động. Những chòm vệ tinh nhỏ như Starlink của SpaceX và Kuiper của Amazon dấy lên ngày càng nhiều lo ngại đối với khủng hoảng rác vũ trụ trong tương lai.
Cánh buồm kéo có thể trở thành giải pháp hứa hẹn đối với vấn đề rác vũ trụ do chi phí thấp và công nghệ hoàn thiện, sử dụng được với bất kỳ vệ tinh nào ở quỹ đạo thấp của Trái đất. Với độ linh hoạt cao và siêu nhẹ, cánh buồm kéo có thể gấp gọn và lắp trên tàu vũ trụ trước khi phóng. Sau đó, chúng sẽ tự động mở ra vào cuối nhiệm vụ, giúp thu hồi tàu nhanh hơn nhiều so với quá trình rơi tự nhiên.
Ví dụ, một vệ tinh nặng 15kg vận hành ở độ cao 700km có thể lưu lại trên quỹ đạo 120 năm sau khi nhiệm vụ kết thúc. Nhưng cánh buồm kéo rộng 2m2 có thể giảm thời gian xuống chưa đầy 10 năm. Cánh buồm kéo gắn trên tên lửa Trường Chinh 2 sẽ giúp tầng cuối rơi qua khí quyển Trái đất trong vòng 2 năm. Thiết bị được phát triển bởi Viện hàn lâm Công nghệ bay vũ trụ Thượng Hải thuộc Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không vũ trụ Trung Quốc. Những thử nghiệm đối với vệ tinh nhỏ trên khắp thế giới đã đặt nền móng vững chắc để sản xuất và đưa vào sử dụng cánh buồm kéo ở quy mô công nghiệp.
Tên lửa Trường Chinh 2 phóng hôm 23/6 từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương ở tây nam Trung Quốc. Tên lửa mang 3 vệ tinh viễn thám lên quỹ đạo thấp của Trái đất nhằm thực hiện các thí nghiệm khoa học, khảo sát đất và tài nguyên, ước tính năng suất nông nghiệp và ngăn chặn thiên tai.