Kỳ Thư
Ở sâu dưới đất hàng trăm mét, nguồn nước ngầm cung cấp cho hơn hai triệu người trong tỉnh đang cạn kiệt nhanh chóng (mỗi năm hơn một mét). Các giếng nước đô thị đã khai thác khoảng 2/3 tổng số nước ngầm trong khu vực.
Trên mặt đất, người dân vui mừng vì những thành quả đã đạt được ở khu vực Đồng bằng Hoa Bắc Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế 11% trong năm ngoái. Dân số cũng đang tăng, nhu cầu về nhà cửa phát triển. “Nhiều người mua nhà, căn hộ, chung cư mà không nghĩ rằng liệu trong tương lai, nơi này còn nước hay không”, Trương Trung Dân, người đã cố gắng trong suốt 20 năm để nâng cao nhận thức của người dân về thực trạng nước sạch cho biết.
Trong suốt ba thập niên, nước là điều kiện sống còn cho sự phát triển kinh tế, giúp Trung Quốc trở thành một cường quốc thế giới. Và bây giờ, chính sự tăng trưởng kinh tế ấy lại đẩy đất nước vào một nguy cơ khủng hoảng nước. Nước bị ô nhiễm khắp nơi, miền bắc đối mặt với sự khô hạn ngày một lớn, nhu cầu sử dụng nước không ngừng tăng lên.
Các hợp đồng thương mại không thể giải quyết được những vấn đề về nước. Lượng nước sử dụng ở Trung Quốc tăng lên gấp năm lần kể từ năm 1949, và bài toán khó đưa ra lời giải với các nhà lãnh đạo Trung Quốc là chọn lựa sự phát triển đô thị, công nghiệp với đảm bảo cân bằng cung cấp nước.
Hoa Bắc chiếm một nửa sản lượng lúa mỳ của cả Trung Quốc. Nhưng theo các chuyên gia, các nông trang trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng có thể ảnh hưởng tới việc bảo vệ tầng nước ngầm, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu nông dân và tác động tới giá lương thực quốc tế.
Với chính quyền Trung Quốc, thách thức trước mắt là đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế sôi động nhất thế giới với duy trì và bảo vệ nguồn nước sạch. Ô nhiễm nước phổ biến tới mức trở thành chuyện ’’thường ngày’’. Rác thải đô thị và công nghiệp khiến con người ’’không phù hợp để tiếp xúc’’ với nước ở nhiều khúc sông.
Những thành phố như Bắc Kinh, Thiên Tân đã có nhiều tiến triển trong việc duy trì, bảo vệ nguồn nước, nhưng kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng mạnh. Sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc sử dụng lượng nước nhiều gấp 3 đến 10 lần (phụ thuộc vào sản phẩm) so với các quốc gia phát triển.
“Chúng ta phải tập trung vào việc duy trì nguồn nước’’, Mã Quân, một nhà hoạt động môi trường cho biết. ’’Chúng ta không có thêm nhiều nguồn nước, nhưng chúng ta lại chịu áp lực tăng trưởng ngày một lớn’’.
Đồng bằng Hoa Bắc rõ ràng rất cần nước. Một khu vực phát triển kinh tế với hơn 200 triệu người, lượng mưa đã bị hạn chế và phụ thuộc khoảng 60% vào nguồn cung cấp nước ngầm. Những quốc gia khác như Yemen, Ấn Độ, Mexico và Mỹ có các tầng nước ngầm hiện đang bị khai thác khiến chúng giảm tới mức thấp, nguy hiểm. Còn ở Đồng bằng Hoa Bắc, theo các nhà khoa học, mực nước ngầm có thể bị cạn kiệt trong vòng 30 năm.
“Không còn nghi ngờ gì nữa’’, Richard Evans, một chuyên gia làm việc tại Trung Quốc trong hai thập niên tư vấn cho Ngân hàng Thế giới và Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc nói. “Tỉ lệ suy giảm rất rõ ràng, và thậm chí nước ngầm sẽ không còn nếu tỉ lệ hiện nay vẫn tiếp tục’’.
Khu vực khát
Sông Dương Tử, đoạn chảy qua Hồ Bắc. |
Ngày nay, khu vực có thể so sánh với New Mexico, đã bị khô hạn. 5/6 đầm lầy cạn khô, sông tự nhiên biến mất. Một số con sông từng có nhiều thuyền bè đi lại nay hầu như còn lại bụi bặm, rác rưởi. Hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất ở phía bắc Trung Quốc, Hồ Bạch Dương Điện bị ô nhiễm vây quanh.
Chuyện gì đã xảy ra? Đó là cả một danh sách, ô nhiễm bùng nổ, thay đổi khí hậu và cả tăng trưởng kinh tế. Chính sách xây đập bê tông, hồ chứa nước đối phó với lũ lụt được thực hiện vào thập niên 60. Nạn lụt được kiểm soát nhưng tính cân bằng sinh thái bị phá vỡ, các con đập bắt đầu ngăn dòng chảy của sông từ phía đông sang Đồng bằng Hoa Bắc.
Những hồ chứa mới cuối cùng trở thành nguồn cung cấp nước chính cho các thành phố đang phát triển. Nông dân - người sử dụng nước lớn nhất trong khu vực, bắt đầu phụ thuộc hầu hết vào các giếng phun. Lượng mưa sụt giảm nhanh chóng do khí hậu thay đổi.
Trước đây, nông dân thường trồng trọt khoảng ba mùa hai năm. Nhưng mực nước ngầm dường như vô hạn và chính quyền không ngừng ban hành các chính sách nâng cao sản lượng nên người nông dân bắt đầu trồng hai vụ một năm, vụ đông thường đòi hỏi rất nhiều nước. Tới thập niên 70 và đặc biệt là khi việc cải cách kinh tế phát triển theo hướng thị trường, sản xuất tăng vọt, thu nhập ở khu vực nông thôn cũng tăng theo, và kết quả là mức nước ngầm sụt giảm rõ rệt, các đầm lầy, sông suối khô hạn.
Dân số gia tăng kéo theo nhu cầu lớn về nước, và khắp các khu đô thị đều khai thác tối đa nguồn nước ngầm. Lượng nước sụt giảm hơn một mét mỗi năm. Nhiều giếng khoan trong thành phố có khi phải khoan sâu hơn 180 mét mới thấy nước sạch. Chất lượng nước ngầm cũng suy giảm rõ rết. Nước thải, thường chưa qua xử lý được xả trực tiếp xuống sông. Ông Trịnh, một chuyên gia về nước nói, những nghiên cứu gần đây cho thấy, 3/4 hệ thống nước ngầm trong khu vực bị nhiễm bẩn ở những mức độ khác nhau.
“Sẽ không có sự phát triển ổn định trong tương lai nếu không có nguồn cung cấp nước ngầm’’, Lưu Thường Minh, một chuyên gia môi trường cũng là nhà nghiên cứu lâu năm tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc nhấn mạnh.
Người ta tính được khoảng 41% lượng nước thải của Trung Quốc đổ xuống sông Dương Tử. Nhu cầu dùng nước ngày càng lớn ở phía bắc trong khi chất lượng nước ở phía nam ngày một sa sút. Người nông dân không có nhiều lựa chọn, họ lại tiếp tục khoan sâu hơn vào lòng đất tìm kiếm nguồn nước.
Chọn lựa khó khăn
Với rất nhiều người sống ở Đồng bằng Hoa Bắc, khái niệm khủng hoảng nước dường như không tồn tại. Chưa ai từng phải trải qua hành trình đi trên sa mạc để cố gắng bằng mọi giá tìm một ốc đảo. Và mỗi năm, mực nước lại giảm xuống. Tính trên toàn quốc, lượng nước ngầm sử dụng tăng gấp đôi kể từ năm 1970 và hiện nay chiếm khoảng 1/5 tổng lượng nước dùng của Trung Quốc.
Và Chính phủ Trung Quốc hiểu rõ các vấn đề. Một đạo luật chống ô nhiễm nước đang được cân nhắc, có thể tăng mạnh mức phạt với những người vi phạm. Các thành phố duyên hải xây dựng gấp rút những nhà máy khử muối. Các công ty xử lý nước thải đa quốc gia không ngừng tuyển thêm người, mua thêm máy móc để giải quyết vấn đề nước thải.
Ở phía bắc Trung Quốc, nhiều dự án thí điểm đang tìm cách giảm bớt lượng nước bị mất từ mùa lúa mỳ vụ đông. Thậm chí, nhiều thành phố đã tăng giá nước để thúc đẩy việc giữ gìn, tiết kiệm trong sử dụng nước.
Đã có cảnh báo rằng, nhu cầu nước tăng vọt ở Hoa Bắc có thể khiến nông dân không thể tiếp tục canh tác vụ đông, Trung Quốc có thể trở thành khách hàng chính của thị trường lương thực thế giới. Giá lương thực tăng tác động tới lạm phát...
Với người nông dân, không trồng vụ đông được coi là tự sát về kinh tế. “Chúng tôi sẽ mất khoảng 60-70% thu nhập nếu không trồng vụ đông. Tất cả mọi người ở đây đều trồng lúa mỳ vụ đông’’, một người dân cho biết.
Vương Dũng Lực, một kỹ sư ở Cục Duy trì nguồn nước, người đã dành tới bốn thập niên để ghi lại sự sụt giảm mực nước ngầm ở Hoa Bắc đưa ra so sánh. ’’Ở Israel, mọi người coi nước là thứ quan trọng hơn cả cuộc sống, nhưng ở nhiều thành phố Trung Quốc không phải vậy, mọi người tập trung vào phát triển kinh tế’’.