Một nhóm nhà nghiên cứu đến từ miền Đông Trung Quốc đang chế tạo và thử nghiệm một loại tàu ngầm có thể bay trong không trung ở tốc độ cao.
Nguyên mẫu thử nghiệm của mẫu tàu ngầm trên mặt nước. (Ảnh: Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Nam Ninh)
Chiếc tàu không người lái có thể tiến hành nhiều hoạt động dân sự và quân sự như kiểm tra mỏ dưới nước, SCMP hôm 8/8 đưa tin. Hoạt động nhờ 4 động cơ đẩy, bao gồm một cặp ở mặt trước, chiếc tàu có thể chậm rãi tiếp cận mục tiêu dưới nước và nán lại khu vực trong một khoảng thời gian. Hai cánh lớn gập trên lưng tàu có thể mở ra khi drone lên tới mặt nước, cho phép phương tiện bay ở tốc độ 120 km/h, nhanh gấp khoảng hai lần drone thông thường vận hành bằng cánh rotor.
Chiếc tàu tiêu thụ rất ít năng lượng khi chạy hành trình ở chế độ cánh cố định, nhờ đó phương tiện có thể thực hiện một số nhiệm vụ tầm xa trên không, giáo sư Ang Haisong, người đứng đầu dự án ở Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Nam Ninh cho biết trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Unmanned Systems Technology hồi tháng 6/2022.
Chiếc tàu tiêu thụ rất ít năng lượng khi chạy hành trình ở chế độ cánh cố định. (Ảnh: Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Nam Ninh)
Ji Wanfeng, giáo sư ở Đại học Hàng không Hải quân tại Yên Đài, Sơn Đông, cho biết loại tàu đa dụng này là một trong những phương pháp rẻ và hiệu quả nhất để làm tê liệt hệ thống phòng thủ trên tàu sân bay. Hệ thống phòng thủ nhiều tầng của tàu chiến hiện đại có thể bắn hạ khoảng một nửa máy bay, tên lửa hoặc drone đến gần, theo ước tính của Ji và cộng sự. Nhưng tàu đa năng có thể lặn dưới nước khi bị phát hiện bởi radar và ngoi lên mặt nước để tránh sóng âm.
Một tàu đa năng phóng từ khoảng cách 100 km có tỷ lệ sống sót gần 100% nếu có thể bay ở tốc độ hơn 150 km/h, nhóm của Ji báo cáo trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Electronics Optics & Control tháng trước. Loại tàu này có thể tấn công hiệu quả những mục tiêu chủ chốt của quân thù.
Tàu ngầm bay do nhóm nghiên cứu của Ang phát triển có túi khí ở bụng có thể chứa đầy nước để điều chỉnh lực đẩy và ở một độ sâu nhất định mà không tạo ra tiếng ồn từ động cơ đẩy. Khi lướt trong nước với phần cánh gập lại, hình dáng thuôn dài tương tự tàu ngầm thông thường giúp giảm bớt lực cản và tăng tính di động. Ang và cộng sự đã xây dựng hai nguyên mẫu cỡ nhỏ với sải cánh khoảng hai mét. Theo họ, thách thức lớn nhất là nếu tàu nhô lên trực tiếp khỏi mặt nước, quá trình cất cánh không ổn định do sóng ở bề mặt và tương tác đồng thời của tàu ngầm với không khí và nước. Để khắc phục điều này, họ đã phát triển một cỗ máy điều khiển phức tạp để tàu ngầm có thể lướt trên những con sóng trước khi cất cánh.