Trung Quốc đang phát triển một robot tự hành mới để thám hiểm cực nam Mặt trăng vào khoảng năm 2026. Nó sẽ có kích thước lớn hơn, cấu trúc công nghệ thông minh hơn các robot cũ.
Robot Thỏ Ngọc 2 thám hiểm phía xa của Mặt trăng từ năm 2019. (Ảnh: CNSA/CLEP)
Space hôm 26/1 đưa tin. Nhiệm vụ Hằng Nga 7 thuộc giai đoạn khám phá Mặt trăng mới được phê duyệt của Trung Quốc, tập trung vào cực nam và phía xa của Mặt trăng. Hằng Nga 7 gồm tàu quỹ đạo, trạm đổ bộ, robot tự hành và thiết bị bay nhỏ có thể vào trong các hố trũng tối để tìm kiếm dấu vết băng nước. Nhiệm vụ cũng sẽ được một vệ tinh chuyển tiếp liên lạc hỗ trợ.
Robot của Hằng Nga 7 được chế tạo dựa theo Thỏ Ngọc và Thỏ Ngọc 2, các robot năng lượng Mặt trời nặng khoảng 140kg trong nhiệm vụ Hằng Nga 3 (đáp xuống Mặt trăng năm 2013) và Hằng Nga 4 (hạ cánh năm 2019). Tuy nhiên, vẫn sẽ có một số khác biệt.
"Robot tự hành của Hằng Nga 7 lớn hơn Hằng Nga 4 một chút. Nó được thiết kế để mang nhiều loại dụng cụ và có cấu trúc gần giống robot cũ", Tang Yuhua, phó giám đốc thiết kế của Hằng Nga 7 cho biết.
Robot mới sẽ độc lập và thông minh hơn. "Robot tự hành cũ cần trung tâm dưới mặt đất can thiệp khá nhiều, nhưng giờ đây việc xây dựng lộ trình sẽ trở nên tự chủ hơn", Tang nói.
Robot tự hành mới trang bị camera toàn cảnh và radar xuyên đất giống như Thỏ Ngọc 2, nhưng sẽ có từ kế và máy quang phổ Raman thay vì máy quang phổ hồng ngoại và khả kiến. Nhiệm vụ Hằng Nga 7 cũng sẽ mang theo một robot nhỏ hơn cho UAE.
Trước Hằng Nga 7, Trung Quốc sẽ cố gắng thu thập mẫu vật ở phía xa Mặt trăng, trong Bồn địa Nam Cực - Aitken, khoảng cuối năm 2024 với nhiệm vụ Hằng Nga 6. Nhiệm vụ Hằng Nga 8 dự kiến phóng năm 2028 với mục đích thử nghiệm các công nghệ in 3D và khai thác tài nguyên. Nhiệm vụ này sẽ mở đường cho dự án Trạm Nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế (ILRS) vào những năm 2030.
ILRS ban đầu sẽ hoạt động nhờ robot, nhưng hướng tới việc trở thành nơi sinh sống của các phi hành gia trong dài hạn vào khoảng năm 2035. Trung Quốc và Nga đang tìm kiếm đối tác để tham gia dự án này.