Các nhà khoa học Trung Quốc dùng vệ tinh gửi hạt giống và cây trồng ra ngoài vũ trụ, lợi dụng phóng xạ cao để tạo nên những đột biến gene không thể xảy ra trên Trái Đất.
Các nhà khoa học Trung Quốc đang lên kế hoạch phóng vệ tinh có khả năng tái sử dụng, mang theo gần 500kg vật chất sống trong thử nghiệm trồng cây lương thực ngoài vũ trụ.
"Hành khách" trên vệ tinh bao gồm hơn 240 kg hạt giống và thực vật, cùng với nhiều loại vi khẩn. Dự án sẽ được triển khai vào đầu năm 2020. Các nhà khoa học kỳ vọng phóng xạ vũ trụ sẽ kích hoạt những biến đổi gene chưa từng có hoặc gần như bất khả thi với điều kiện trên Trái Đất.
Giới nghiên cứu Trung Quốc nhận định đây là một trong những dự án lớn nhất thế giới về thí nghiệm biến đổi gene sinh học với tác động của phóng xạ ngoài vũ trụ.
Vệ tinh Shijian 8, thiết bị đầu tiên trên thế giới để mang mẫu vật thí nghiệm biến đổi gene ngoài vũ trụ. (Ảnh: Weibo).
Chuyến bay có thể kéo dài trong 2 tuần. Hạt giống sẽ trải qua những điều kiện khắc nghiệt như không đủ dưỡng khí, nhiệt độ xuống thấp gần 0 độ và mức phóng xạ cao.
Sau khi kiện hàng quay trở về Trái Đất, các nhà khoa học cho gieo trồng và theo dõi quá trình phát triển, ghi nhận những dấu hiệu bất thường như sản lượng tăng hoặc thay đổi màu sắc. Mẫu hạt giống phù hợp với thương mại hóa sẽ được chọn lọc để phát triển.
Nhiều nước trong các thập kỷ qua cũng gửi cây trồng vào vũ trụ, thí nghiệm biến đổi gene để tăng sản lượng. Trong số đó, Trung Quốc đang là nước dẫn đầu về quyết tâm và quy mô nghiên cứu.
Những kiến thức thu được từ chương trình không gian quốc gia đã giúp Trung Quốc tăng được gần 1,3 triệu tấn tổng sản lượng lúa mỗi năm. An ninh lương thực là vấn đề nghiêm trọng tại Trung Quốc. Nước này chiếm gần 20% dân số thế giới nhưng chỉ có khoảng 9% đất trồng trọt.