Trung Quốc thử nghiệm thiết bị phát hiện sóng nội gây nguy hiểm cho tàu ngầm ở Biển Đông

Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết, họ đã thử nghiệm một thiết bị giám sát ở Biển Đông có khả năng phát hiện những dòng chảy ngầm hay sóng nội có thể gây nguy hiểm cho tàu ngầm.

Trong bài báo đăng tải trên tạp chí khoa học Earth Science Frontiers, các nhà nghiên cứu cho biết, cảm biến nặng 1,4 tấn có thể hoạt động dưới đáy biển và trên bề mặt trong nhiều tuần để phản ứng với tín hiệu từ tàu mẹ.


 Thiết bị cảm biến được triển khai ở Biển Đông để thu thập dữ liệu sóng ngầm. (Ảnh: Earth Science Frontiers)

“Các cảm biến sẽ thu thập một lượng lớn dữ liệu thông qua việc quan sát tại chỗ, được cho là vô cùng cần thiết để làm rõ thêm cơ chế của sóng nội dưới đáy biển”, Giáo sư Jia Yonggang và các đồng nghiệp thuộc Đại học Hải dương Trung Quốc cho biết.

Các dòng chảy ngầm hay sóng nội là một mối nguy hiểm nghiêm trọng ở Biển Đông. Chúng được tạo ra khi các dòng nước có mật độ khác nhau vượt qua những chướng ngại vật dưới đáy đại dương, chẳng hạn như sườn núi ngầm và tạo ra nhiễu động. Một số con sóng nội có thể trải dài hơn 100km và  nhanh chóng kéo tàu ngầm xuống độ sâu hủy diệt, nhiều nghiên cứu cho biết.

Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu nhận thấy những con sóng nội này không chỉ đe dọa trực tiếp đối với các hoạt động của hải quân mà còn có thể gây ra những thay đổi bất ngờ đối với địa hình bên dưới mặt nước, chẳng hạn như chặn các con kênh hoặc tạo ra một đụn cát dưới đáy biển.

Trung Quốc được cho là đã xây dựng một trong những mạng lưới giám sát đại dương lớn nhất ở Biển Đông. Các nhà nghiên cứu cho biết, thiết bị mới có thể hoạt động dưới đáy biển trong nhiều tuần, phát hiện các thông tin sớm hơn và ở phạm vi rộng hơn. Nhà khoa học Jia Yonggang và nhóm nghiên cứu cho biết, các dữ liệu thu được sẽ giúp các nhà nghiên cứu tạo ra những mô hình chính xác hơn để xác định sự hình thành, sự lan tỏa và sức mạnh của sóng nội trên các vùng biển.

Trong bài báo, các nhà nghiên cứu cho biết họ đã tiến hành hai đợt thử nghiệm thiết bị ở Biển Đông vào năm 2020, thả nó xuống đáy biển ở các độ sâu 600m và 1.400m. Đã có một sự cố nhỏ xảy ra với thiết bị này, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết họ vẫn có thể thu thập đủ dữ liệu. Bộ phận chính của thiết bị là một bộ định dạng dòng chảy Doppler do công ty Teledyne RD Instruments của Mỹ sản xuất. Công ty này cũng cung cấp phần cứng tương tự cho hải quân Mỹ.

Tuần trước, quân đội Mỹ cho biết, tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut của lực lượng này đã bị hư hại sau khi va phải “vật thể lạ” ở Biển Đông. Sau vụ va chạm, con tàu này buộc phải nổi lên bề mặt và trở về căn cứ ở đảo Guam. Các nhà chức trách Mỹ không cung cấp thông tin chi tiết về sự cố xảy ra với USS Connecticut  nhưng một số nhà quan sát cho rằng, đây là một vụ việc bất thường vì chiếc tàu ngầm lớp Seawolf này được trang bị các thiết bị định vị và cảm biến hiện đại. Trung Quốc đã hối thúc phía Mỹ công bố thêm thông tin về vụ việc.

Cập nhật: 15/10/2021 Theo VOV
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video