Trung Quốc phát hiện trữ lượng khí hydrate lớn ở Biển Đông

  •  
  • 1.356

Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc vừa công bố, phát hiện một trữ lượng khí hydrate (băng cháy) lớn ở lưu vực sông Châu phía bắc Biển Đông và sẽ có thể khai thác trên quy mô thương mại sau năm 2030.

>>> Băng cháy - cuộc cách mạng năng lượng mới?

Theo thông báo trên trang web của Bộ này, khu vực phát hiện khí hydrate ở bể trầm tích sông Châu kéo dài 55km2 với trữ lượng ước tính tương đương khoảng 100 – 150 tỷ m3 khí tự nhiên.

Trữ lượng này tương đương với mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất của Trung Quốc tại Tứ Xuyên.

Ngoài ra, kết quả khảo sát trong vòng 4 tháng qua của Cục Khảo sát Địa chất biển Quảng Châu còn cho thấy, tại 23 giếng phía nam vùng biển ngoài khơi Quảng Đông, có 2 tầng chứa hydrate dày từ 15-30m ở độ sâu từ 600-1.000m dưới đáy biển.

Trung Quốc phát hiện trữ lượng khí hydrate lớn ở Biển Đông
Số khí methane ở trong những thỏi nước đá này, được cho là nhiều gấp đôi lượng carbon tìm thấy ở nhiên liệu hóa thạch trên trái đất

Báo cáo cho biết: “Phát hiện đánh dấu một bước đột phá trong việc điều tra tài nguyên và chứng minh rằng, bể trầm tích sông Châu rất giàu khí hydrate” và Trung Quốc đã trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới thu thập mẫu methane hydrate sau Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ.

Hiện tại, Trung Quốc vẫn chưa có công nghệ để khai thác thương mại nguồn tài nguyên năng lượng được gọi là “băng cháy” này nhưng các chuyên gia cho rằng, việc phát triển quy mô thương mại có thể bắt đầu từ sau năm 2030.

Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới, chính thức bắt đầu nghiên cứu về khí hydrate từ năm 2002 và dự án nghiên cứu này được chính phủ xếp vào dự án nghiên cứu cấp quốc gia.

Băng cháy thực chất là khí hydrate, methane hydrate bị bao phủ trong những tinh thể đông lạnh, bị chôn vùi dưới đáy đại dương, dưới lớp băng giá vĩnh cửu. Số khí methane ở trong những thỏi nước đá này, được cho là nhiều gấp đôi lượng carbon tìm thấy ở nhiên liệu hóa thạch trên trái đất.

Băng cháy là nguồn năng lượng mới, được rất nhiều quốc gia quan tâm vì trữ lượng khổng lồ và khả năng tác động tới biến đổi khí hậu toàn cầu của nó. Loại khoáng sản năng lượng mới này dự báo lớn gấp 3 lần tổng tài nguyên năng lượng hóa thạch được biết đến trên toàn thế giới. Tuy nhiên nó cũng được xem là nguy cơ tiềm ẩn gây ra các thảm họa môi trường. Các tổ chức quốc tế cảnh báo, điều này sẽ xảy ra trong tương lai, nếu các quốc gia hành động thiếu trách nhiệm khi sử dụng công nghệ lạc hậu trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác, bảo quản và sử dụng băng cháy.

Theo Petrotimes
  • 1.356