Đội khảo cổ đã mất gần 2 giờ để cạy nắp quan tài vì lớp vữa trát xung quanh quá chắc chắn.
Bí mật của cỗ quan tài thứ 3
Tối ngày 24/2/2011, một đội công nhân đang thi công dự án mở rộng đường tại thành phố Thái Châu, Giang Tô, Trung Quốc thì bất ngờ tìm thấy 3 chiếc quan tài vùi sâu 2m dưới lòng đất. 3 quan tài đều được làm bằng gỗ tốt, trát một loại vữa đặc biệt.
Ngay sau đó, đội khảo cổ của Bảo tàng Thái Châu đã có mặt tại hiện trường. Trong 2 ngôi mộ đầu tiên, họ tìm thấy hài cốt, gối gỗ, trang phục thời Minh... không có di vật văn hóa giá trị hay tấm văn bia nào.
Tới ngày 1/3/2011, các chuyên gia của bảo tàng quyết định mở nắp chiếc quan tài cuối cùng, cũng là chiếc được bảo quản tốt nhất. Đội khảo cổ đã mất gần 2 giờ chỉ để cạy nắp quan tài vì lớp vữa trát xung quanh quá chắc chắn.
Khi quan tài được mở ra, người ta thấy một thi thể nữ được quấn chặt trong vải liệm, ngâm mình thứ chất lỏng màu nâu.
Bên trong quan tài thứ 3 là một cảnh tượng ngỡ ngàng. (Ảnh: Tân Hoa Xã).
Ngũ quan trên gương mặt xác ướp vẫn còn rõ ràng. (Ảnh: Tân Hoa Xã).
Điều đáng ngạc nhiên là thi thể này dù được chôn cất từ thời Minh (1368 - 1644), nghĩa là cách thời điểm khai quật ít nhất 350 năm, nhưng làn da vẫn còn nguyên vẹn, các đường nét trên khuôn mặt, tóc, lông mày, lông mi... đều rõ ràng đến bất ngờ.
Theo Baike, thi thể cao khoảng 1m50, khi được vớt ra khỏi nước đã cứng đờ nhưng dùng tay ấn vào mắt cá chân thì vẫn còn độ đàn hồi nhất định. Chiếc mũ được đội trên đầu có màu xanh nhạt, những mũi khâu trên đế giày cũng còn nguyên.
Tuy lăng mộ được bảo vệ vô vùng cẩn thận nhưng quần áo mặc trên người xác ướp và quần áo tùy táng trong lăng mộ lại giống như đồ của thường dân.
Các món váy áo được may từ vải bông, không có đồ lụa, cũng không có những món y phục sang trọng. Rất khó xác định đây là một thường dân hay tiểu thư con nhà quyền quý.
Đội khảo cổ cũng không tìm thấy bia nào trong quan tài cuối cùng này nên danh tính của chủ nhân ngôi mộ vẫn còn là một bí ẩn.
Thi thể được quấn trong 8 lớp vải. (Ảnh: Tân Hoa Xã).
Theo chuyên gia khảo cổ, xác ướp và quần áo phải được giữ riêng biệt để tránh thi thể bị phân hủy nên việc cởi bỏ quần áo là nhiệm vụ đầu tiên. Các phóng viên tại hiện trường đã tận mắt chứng kiến các lớp áo của tử thi đều là áo đắp chéo, không dùng cúc cài mà sử dụng các dải vải buộc chặt vào nhau.
Quá trình cởi bỏ 8 lớp áo diễn ra vô cùng vất vả do tứ chi của xác ướp đã cứng đờ sau hàng trăm năm. Các khớp xương không còn cử động được nên phải nâng toàn bộ tử thi lên mới có thể tháo bỏ váy áo, nhất là với các loại váy buộc quanh eo.
Ông Vương Vi Cương, giám đốc phòng Khảo cổ Bảo tàng Thái Châu cho biết, xác ướp sau khi cởi bỏ quần áo đã được ngâm trong bể nước chứa Formaldehyd (CH2O) - một hợp chất hữu cơ có khả năng bảo quản tạm thời.
Sau đó, xác ướp này sẽ được bảo quản chuyên nghiệp bởi các chuyên gia từ Bảo tàng Khoa học và Công nghệ Thượng Hải. Trang phục của xác ướp cũng được bảo quản riêng biệt ở nhiệt độ thấp.
Vì sao xác ướp còn nguyên vẹn?
"Thi thể không bị phân hủy là do cỗ quan tài đã tạo ra một môi trường cách ly, cách biệt với không khí và tương đối ít vi sinh vật" - Ông Uông Duy Dần, giám đốc Bảo tàng Thái Châu cho biết.
Cỗ quan tài được tìm thấy lần này thuộc loại quan tài vữa gạo nếp vô cùng độc đáo tại Trung Quốc. Đây là quan tài gỗ được trát loại vữa làm từ cát thô, vôi, hồ gạo nếp cùng một số nguyên liệu khác.
Hồ gạo nếp sẽ được giã nhuyễn với vôi tôi, vôi nung ở nhiệt độ cao rồi trộn với nước. Amylopectin vốn có trong gạo nếp khi kết hợp với Calcium carbonate (CaCO3) của vôi sẽ tạo nên một loại vữa có độ kết dính siêu việt, bền bỉ và ngăn cỏ dại mọc.
Trước thời nhà Minh, loại vữa này được coi là "xa xỉ" và chỉ được sử dụng trong những công trình lớn hoặc lăng mộ hoàng gia. Tới triều đại nhà Minh và nhà Thanh, sản lượng lúa gạo tăng vọt nên vữa gạo nếp ngày càng được sử dụng phổ biến trong các công trình xây dựng.
Đây là một phát hiện khảo cổ độc đáo tại Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa Xã).
Theo nghiên cứu của trường Đại học Chiết Giang, vữa gạo nếp cũng là vật liệu kết dính chủ đạo trong đoạn tường thành của Vạn Lý Trường Thành xây dựng thời nhà Minh.
Liên kết bền chặt của vật liệu này khiến những chiếc máy ủi đất hiện đại cũng không thể xô đổ bức tường, công trình trải qua nhiều trận động đất mạnh vẫn còn kiên cố.
Vữa gạo nếp khi sử dụng để niêm phong quan tài sẽ giúp thi thể và những cổ vật như lụa hay đồ sơn mài bên trong được bảo quản rất tốt.
Ngoài ra, thứ nước màu nâu được tìm thấy trong quan tài chỉ đơn giản còn một số loại thảo mộc dùng để sát trùng khi chôn cất.
Quan tài ngập nước không phải do chủ ý khi chôn cất mà bởi nước ngầm đã ngấm vào quan tài thông qua những lỗ nhỏ li ti trên bề mặt vữa.
Năm 2011, việc phát hiện quan tài và xác ướp này đã gây tiếng vang lớn trong giới khảo cổ Trung Quốc, tuy nhiên, đây không phải thi thể nguyên vẹn duy nhất được khai quật trong tại Thái Châu, Giang Tô.
Theo báo Thanh Niên Trung Quốc, kể từ khi khai quật thi thể cổ đại lần đầu năm 1979, thành phố Thái Châu đã phát hiện tổng cộng 4 thi thể không phân hủy, bao gồm 2 thi thể nam và 2 thi thể nữ.
Theo ông Uông Duy Dần, tất cả các ngôi mộ thời Minh được khai quật ở Thái Châu đều có quan tài được làm bằng gỗ bách và gỗ sa mu quý hiếm, chống ẩm tốt và chế tác tinh xảo với nhiều lỗ mộng - kết cấu ghép mảnh gỗ cực bền được sử dụng phổ biến trong các lăng mộ cổ Trung Hoa.