Trung Quốc xây tàu phóng tên lửa trên biển

Con tàu được thiết kế đặc biệt để phóng tên lửa vào không gian từ mặt biển, giúp tăng cường khả năng phóng vệ tinh và thu hồi tầng đẩy của Trung Quốc.

Tàu phóng tên lửa loại mới dài 162,5 m và rộng 40 m đang được xây dựng để sử dụng kèm theo Cảng vũ trụ phương Đông ở Hải Dương, tỉnh Sơn Đông. Theo dự kiến, con tàu mới sẽ đi vào hoạt động năm 2022. Phương tiện sẽ tích hợp thiết bị hỗ trợ phóng, có thể phục vụ tên lửa Trường Chinh 11, tên lửa thương mại "Smart Dragon" lớn hơn và tên lửa nhiêu liệu lỏng trong tương lai. Con tàu cũng sẽ được dùng để thu hồi tầng thứ nhất của tên lửa, tương tự cách tàu không người lái tự động của SpaceX cung cấp bệ hạ cánh cho tên lửa Falcon 9 và Falcon Heavy.


Tên lửa Trường Chinh 11 đặt trên giàn phóng trên biển De Bo 3 ở biển Hoàng Hải trước buổi phóng hôm 15/9/2020. (Ảnh: CASC)

Trung Quốc đã tiến hành phóng tên lửa nhiên liệu rắn Trường Chinh 11 hai lần từ biển Hoàng Hải, sử dụng sà lan đã qua sửa đổi, lần phóng gần nhất diễn ra vào tháng 9/2020. Những nhiệm vụ này biến Trung Quốc thành quốc gia thứ ba tiến hành phóng trên biển, sau Mỹ và Nga. Hồi đầu năm, nhà thầu vũ trụ chính của Trung Quốc cho biết họ lên kế hoạch phóng 2 - 3 tên lửa Trường Chinh 11 trên biển trong năm nay. Con tàu mới sẽ giúp tăng cường tần suất phóng trên biển của Trung Quốc và giảm bớt áp lực cho 4 trung tâm phóng chính.

Trong năm 2021, Trung Quốc đã phóng 41 lần, lập kỷ lục mới cấp quốc gia về số lần phóng lên quỹ đạo, vượt qua Mỹ (39 lần). Với các công ty thương mại xuất hiện ngày càng nhiều và những kế hoạch phát triển chòm vệ tinh hiện nay, việc phóng trên biển sẽ cung cấp nhiều lộ trình bay lên quỹ đạo hơn.

Vị trí linh hoạt của khu vực phóng có nghĩa nhà chức trách dễ lựa chọn đường bay hơn và có thể đảm bảo tầng tên lửa đã qua sử dụng cùng nhiều mảnh vỡ khác rơi xuống biển thay vì đất liền. Mảnh vỡ từ các vụ phóng trên đất liền ở Trung Quốc thường rơi xuống mặt đất và đôi khi nằm gần khu dân cư. Bệ phóng di động trên biển cũng cho phép phóng gần xích đạo hơn. Tốc độ quay lớn hơn của Trái Đất ở gần xích đạo có nghĩa phương tiện bay sẽ cần ít nhiên liệu hơn.

Dự án cảng phương Đông do Viện hàn lâm công nghệ phương tiện phóng Trung Quốc (CALT), nhà sản xuất tên lửa chính thuộc Tập đoàn Khoa học và công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC), hợp tác phát triển cùng với thành phố Hải Dương. Cơ sở ở Hải Dương cũng có khả năng lắp ráp và thử nghiệm tên lửa, sản xuất tới 20 tên lửa rắn mỗi năm. Trong tương lai, cơ sở này sẽ sản xuất nhiều tên lửa nhiên liệu đẩy lỏng phức tạp hơn.

Cập nhật: 15/11/2021 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video