Trước khi có giấy vệ sinh, người ta đã dùng cái gì để chùi?

Những thứ dùng để "giải quyết hậu quả" trước khi có giấy vệ sinh

Những loại "giấy vệ sinh cổ đại" được sử dụng bởi thương lái trên Con Đường Tơ Lụa và những thương lái ấy đã giúp phát tán bệnh truyền nhiễm trong quá khứ.

Các tài liệu tham khảo cho thấy con người bắt đầu sử dụng vật liệu vệ sinh kể từ thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên, chủ yếu ở tầng lớp hoàng tộc và giới quý tộc phong kiến Trung Quốc. Tuy nhiên, giấy vệ sinh chỉ thực sự phổ biến kể từ thế kỷ 14, khi nó lan rộng ra toàn Trung Quốc, thậm chí chỉ riêng ở tỉnh Chiết Giang, hàng năm người ta đã làm ra khoảng 10 triệu gói giấy vệ sinh.

Tuy nhiên, cách vệ sinh của người Trung Quốc lại không mấy hòa hợp với phần còn lại của thế giới trong một khoảng thời gian. Vào thế kỷ thứ 8, một lữ khách người Hồi Giáo khi đến Trung Quốc đã viết "Họ (người Trung Quốc) không cẩn thận đối với việc giữ vệ sinh sạch sẽ, họ không rửa lại bằng nước sau khi giải quyết nhu cầu của bản thân; chỉ tự lau lại bằng giấy".

Vậy, trước khi có giấy vệ sinh, con người đã sử dụng gì để lau chùi?

"Giấy vệ sinh cổ đại" đầu tiên

Con Đường Tơ Lụa là mạng lưới đường xá nổi tiếng, luân chuyển những xa xỉ phẩm hàng đầu giữa phương Đông và phương Tây, xuyên qua trung Á nối liền Trung Quốc với Địa Trung Hải.

Thời đầu, dưới Hán triều, con đường này chủ yếu để vận chuyển tơ lụa và từ đó mới có cái tên đầy tính biểu tượng như vậy.

Nhanh chóng phát triển, Con Đường Tơ Lụa mở rộng mặt hàng vận chuyển lên những thứ quý giá hơn như đá quý, vàng bạc và nhiều loại gia vị nổi tiếng. Điểm đến của con đường này là Ai Cập, rồi tới Hy Lạp cổ đại, thành Rome và dần dần tới toàn bộ châu Âu thời Trung Cổ.

Nhưng một nghiên cứu về một cái toilet 2.000 tuổi ở sa mạc bắc Đông Bắc Trung Quốc đã chỉ ra rằng Con Đường Tơ Lụa còn vận chuyển một thứ khác: đó là bệnh truyền nhiễm.


Que vệ sinh cá nhân được sử dụng khi mà người ta chưa có giấy vệ sinh.

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy bằng chứng về dịch bệnh lan truyền trên Con Đường Tơ Lụa nổi tiếng, gây ra bởi chính những thương lái đi trên con đường này. Họ tìm thấy trứng của giun kí sinh trong những phần phân còn vương lại trên những "công cụ" mà họ dùng để chùi mỗi khi đi vệ sinh xong, "que chùi cá nhân" là cách các nhà khảo cổ gọi loại "giấy vệ sinh cổ đại" này.

Các nhà khảo cổ đã tiến hành phân tích những mẫu phân cổ và phát hiện ra trứng của bốn loài giun sán kí sinh vẫn còn tồn tại trên những "cây gậy vệ sinh này". Và các nghiên cứu cho thấy rằng có ít nhất một loài kí sinh trùng đã phát tán rộng rãi trên Con Đường Tơ Lụa, từ một địa điểm xa nơi đây hơn 1.600km.


Có ít nhất một loài kí sinh trùng đã phát tán rộng rãi trên Con Đường Tơ Lụa.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng việc người ta, ở đây cụ thể là các thương lái, di chuyển vòng quanh thế giới, tốt cho nền kinh tế nhưng lại đi kèm với một "tác dụng phụ không mong muốn", đó là phát tán dịch bệnh toàn cầu.

Nhưng cũng không thể đổ tội hoàn toàn cho họ được. Như lời giáo sư Piers Mitchell, nhà nhân loại học tại Đại học Cambridge, người đứng đầu nghiên cứu này nói: "Cho tới trước thời điểm này, không có bằng chứng nào chỉ ra rằng Con Đường Tơ Lụa là nguồn căn của việc phát tán bệnh truyền nhiễm toàn cầu. Con đường lây lan từ châu Á sang châu Âu rất có thể là qua miền Nam Ấn, qua Mông Cổ hay thậm chí cả những con đường phía Bắc nước Nga".

Một nhà vệ sinh cổ đại được tìm thấy tại di tích của Xuanquanzhi, nằm trong lòng chảo Tamrin phía Đông Bắc Trung Quốc. Di tích này được cho là một trạm nghỉ trên Con Đường Tơ Lụa, trở nên hưng thịnh vào triều đại nhà Hán.


Trứng của loài sán sông Trung Quốc, có thể đã đi tới gần 2.000km để tới được đây.

Khi khai quật khu vực Xuanquanzhi, giáo sư Mitchell và đồng nghiệp phát hiện ra những que vệ sinh cá nhân trong khu vực nhà vệ sinh. Đầu que được gắn một tấm vải, và người ta sử dụng que vải đó để chùi hậu môn sau khi đi vệ sinh.

Sử dụng kính hiển vi, các nhà nghiên cứu đã phân tích mẫu phân còn sót lại và tìm ra giun tròn, giun tóc, giun dẹp và loài sán sông Trung Hoa (một loài sán gây đau bụng dữ dội, tiêu chảy, vàng da và ung thư gan, loài sán này cần những khu vực ẩm ướt nhiều sông hồ để có thể hoàn tất được vòng đời của mình).

Ở bên rìa sa mạc thì những loài sán Trung Quốc này khó có cơ hội sinh nở và phát tán. Những địa điểm tồn tại các loài sán này cách địa điểm Xuanquanzhi ít nhất 1.500km và nơi đông đảo chủng loài này nhất là tỉnh Quảng Đông, cách nơi đây gần 2.000km.


Khu khai quật Xuanquanzhi.

Giáo sư Mitchell nói: "Việc tìm thấy bằng chứng của những loài sán này chứng tỏ rằng người ta đã tới từ khu vực nào đó của Trung Quốc có rất nhiều nước, nơi có đông đảo những mầm bệnh này. Đây là bằng chứng đầu tiên cho thấy lữ khách trên Con Đường Tơ Lụa chịu trách nhiệm cho việc phán tán bệnh dịch trong quá khứ".

Giáo sư còn nói thêm, sau 2.000 năm dài, đa số mẫu phân đã phân hủy hết nhưng họ vẫn còn tìm thấy được những mẫu phân khô còn vương lại trên mảnh vải cuốn ở đầu "gậy vệ sinh cá nhân".

Có vẻ như trong quá khứ, thương lái trên con đường nổi tiếng này mang nhiều thứ hơn là hàng hóa trao đổi quý giá và chính Con Đường Tơ Lụa nổi tiếng cũng là con đường phát tán bệnh truyền nhiễm.


Chính Con Đường Tơ Lụa nổi tiếng cũng là con đường phát tán bệnh truyền nhiễm.

Mặc dù loài sán sông Trung Quốc kia không thể phát tán tại đất châu Âu, do chúng cần những điều kiện khí hậu nhất định để sinh sôi nhưng những loài sán này sinh sôi. Nhưng không thể phủ nhận rằng những bệnh truyền nhiễm trực tiếp từ người sang người khác đã xảy ra và những thương lái trên Con Đường Tơ Lụa đã giúp phát tán chúng.


Que buộc vải ở một đầu là công cụ chùi hậu môn của người xưa.

Trong quá khứ, các nhà khoa học đã đặt nhiều nghi ngờ rằng chính tuyến đường giao thương nổi tiếng này là công cụ phát tán bệnh dịch trong quá khứ và với những bằng chứng chắc nịch của những nghiên cứu mới này, thủ phạm phát tán bệnh trên diện rộng đã cuối cùng phải bước ra ánh sáng.

Như giáo sư Hui-Yuan Yeh, nhà khảo cổ học Trung Quốc tại Viện Văn hóa và Khảo cổ tại tỉnh Lan Châu, nói: "Khi lần đầu tiên tôi nhìn thấy những con sán sông Trung Quốc dưới kính hiển vi, tôi biết ngay rằng đây là một khám phá cực kì lớn trong lịch sử ngành khảo cổ".

Cây gậy bọt biển có thể gây chết người ở thời La Mã

Ở thời La Mã cổ, khi nhà vệ sinh công cộng đang rất phổ biến, con người lại thích sử dụng một cây gậy có tên "tersorium" để sử dụng cho mục đích vệ sinh cá nhân: Đây là những cây gậy có gắn một miếng bọt biển ở đầu. Khi không dùng đến, nó sẽ được ngâm trong nước muối biển hoặc giấm đặc.


Dụng cụ tên tersorium (La Mã) hay xylospongium (Hi Lạp) có 1 đầu gắn bọt biển.

Tersorium lúc này khá phổ biến, đôi khi còn được chuyển từ người này sang người khác để dùng chung. Bởi vậy mà cũng có người sử dụng đúng cách nhưng cũng có người lại... sử dụng sai cách (dùng nhầm đầu gậy), gây nên nhiễm trùng và từ đó dẫn đến tử vong.

Một vài câu chuyện thậm chí còn cho biết, các đấu sĩ người Germanic trong những năm 64 Sau Công nguyên đã cố gắng tự tử bằng cách sử dụng cây gậy tersorium, họ thà chết vì nhiễm trùng còn hơn phải đối mặt với tử thần trên đấu trường La Mã.

Ngoài ra, người Hy Lạp và La Mã còn dùng các mảnh gốm mài thành hình bầu dục hoặc hình tròn. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy di tích của các mảnh gốm này có dính phân và một chiếc cốc uống rượu khắc hình một người đàn ông lau vệ sinh bằng mảnh gốm này. Dường như người Hy Lạp còn vệ sinh cá nhân bằng một loại mảnh gốm có khắc tên kẻ thù mà họ bầu vào diện phải tẩy chay. Sau đợt bầu, họ thường dùng các mảnh gốm này để lau vệ sinh. Tuy nhiên, vật liệu của các mảnh gốm này có thể gây xước hậu môn, làm viêm tấy da và trĩ ngoài.


Những mảnh vỡ của miếng gốm ostraka từ thế kỷ V trước Công nguyên ở Athens, Hy Lạp.

Còn các khu vực khác trên thế giới thì sao?

Trong khi đó, người Nhật Bản thời xa xưa lại dùng một dụng cụ làm bằng kim loại được gọi là "chūgi", có hình dáng một chiếc gậy nhỏ và phổ biến trong khoảng những năm 710 tới 784, có công dụng làm sạch khu vực "khó tiếp cận". Rất may mắn, chưa có ghi nhận nào về trường hợp người Nhật sử dụng nhầm đầu chūgi như những gì cây gậy bọt biển tersorium gây ra cho người La Mã.

Còn khu vực Trung Đông thì sao? Tại đây người ta không hề sử dụng một công cụ vệ sinh nào cả, thay vào đó, họ tận dụng chính đôi tay của mình, hướng dòng nước vào khu vực cần rửa để làm sạch một cách hiệu quả. Tất nhiên sau khi đã xong xuôi, ai cũng phải nhớ mà đi rửa tay để đảm bảo vệ sinh cho cá nhân và cộng đồng, ngăn dịch bệnh lây lan.


Đây là "chūgi" của người Nhật.

Còn ở Châu Âu, người ta sẽ sử dụng luôn những miếng giẻ rách có thể giặt lại và tái sử dụng. Bởi vậy mà sau một cơ số lần lau chùi, chúng sẽ trở nên vô dụng và buộc phải vứt đi, trôi dạt xuống hệ thống cống rãnh.

Với những cư dân sống tại vùng lạnh (như người Eskimo), họ phải sử dụng tuyết để chùi và xử lý chất thải sau khi đi toilet. Đây gần như là cách duy nhất, xét trên bối cảnh họ phải sống quanh năm trong tuyết. Phương pháp này cũng có một bất lợi rất rõ ràng - cứ tưởng tượng bạn nhét một cục nước đá vào... cổng sau là hiểu liền. Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng cơ thể người hoàn toàn thích ứng được nếu hàng ngày đều tiếp xúc với tuyết lạnh. Hơn nữa xét về độ vệ sinh, đây cũng là một phương pháp cho hiệu quả hết sức ấn tượng.

Dùng cỏ cây hoa lá: Nhiều người sẽ thắc mắc lá cây ở đâu rồi, thì câu trả lời là đây. Trên thực tế thì trong nhiều thế kỷ, con người vẫn sử dụng lá cây hoặc cỏ dại thay cho giấy. Chúng ở khắp mọi nơi, khá mềm và an toàn sau khi sử dụng. Nhìn chung là một giải pháp khá ổn, cho đến khi bạn vặt nhầm một loại lá gây ngứa nào đó.


Trên thực tế thì trong nhiều thế kỷ, con người vẫn sử dụng lá cây hoặc cỏ dại thay cho giấy.

Dùng đất và cát: Mỗi nơi mỗi điều kiện, và điều kiện khí hậu khác nhau sẽ dẫn đến phương pháp vệ sinh khác nhau. Tại các vùng đất khô cằn, nơi mọi thứ đều không sẵn có, người xưa sử dụng cát và đất để dọn phế thải. Đây có lẽ là phương pháp ít thoải mái nhất, cũng ít sạch sẽ nhất trong lịch sử rồi. Nhưng rõ ràng họ cũng chẳng có lựa chọn nào khác cả.

Tại Châu Mỹ thì ngô lại được tận dụng phần lõi (sau khi đã loại bỏ phần hạt) để làm dụng cụ vệ sinh, lý do bởi lõi ngô có cấu trúc mềm và dẻo, rất thuận tiện để sử dụng sau khi đi nặng, trở thành một sự lựa chọn phổ biến và không tốn nhiều chi phí thời bấy giờ.

Có thể nói ở thời xa xưa, con người chúng ta đã sử dụng bất kỳ thứ gì mà mình tìm được để dọn dẹp sau khi đi nặng, ngoài các vật dụng phổ biến kể trên thì còn có nhắc đến lông thú, mảnh rêu hay kể cả vỏ hến, vỏ hàu.

Phát minh của một nhà sáng chế Mỹ vào năm 1857 đã thay đổi tất cả

Mặc dù bồn cầu xả nước đã được phát minh vào năm 1596 nhưng mãi tới năm 1857, một nhà sáng chế người Mỹ có tên Joseph Gayetty mới phát minh và đem bán những mẫu giấy vệ sinh đầu tiên, 500 tờ với giá 50 xu. Chúng được ngâm với lô hội và ban đầu còn được coi là phụ kiện phục vụ y khoa, được quảng cáo với công dụng giúp cho những người mắc phải bệnh trĩ.


Nhà sáng chế Joseph Gayetty, người được cho là đã phát minh ra mẫu giấy vệ sinh thương mại đầu tiên trên thế giới.

Mặc dù Gayetty rất tự hào về sản phẩm của mình nhưng mẫu giấy của ông sau đó đã biến thành một thảm họa thương mại. Thế nhưng nó đã trở thành một ví dụ để các nhà sáng chế khác tạo ra thêm những mẫu giấy vệ sinh cùng nhiều cải tiến hơn trong tương lai.


2 cuộn giấy vệ sinh sản xuất bởi Nokia vào những năm 1960 đang được trưng bày tại bảo tàng Centre Vapriikki, Tampere, Phần Lan.

Không lâu sau đã có rất nhiều phiên bản giấy vệ sinh khác ra đời, hầu hết đều không thành công cho tới năm 1867, khi 3 nhà phát minh Thomas, Edward và Clarence Scott đã tạo ra một loại giấy vệ sinh có sức sống tốt trên thị trường buôn bán, và đây cũng chính là tiền thân cho mẫu giấy mà chúng ta đang sử dụng hàng ngày ngày nay.


Quảng cáo giấy vệ sinh được in trên một tạp chí vào năm 1948.

Tới năm 1935, một công ty có tên Northen Issue đã bắt đầu quảng cáo những mẫu giấy vệ sinh "chống rách" trên thị trường. Năm 1942, nhà máy giấy St. Andrew's tại Anh Quốc đã giới thiệu mẫu giấy 2 lớp đầu tiên.

Kể từ lúc đó, các công ty chỉ chú tâm vào nghiên cứu và nâng cao chất lượng, kích thước, độ đàn hồi, độ nhám, mức độ hấp thụ nước, v.v... của giấy vệ sinh. Thậm chí họ còn trang trí thêm hoa văn, bổ sung mùi hương hoặc các loại kem để giúp người dùng có được trải nghiệm sang trọng và thoải mái hơn.

Tới hiện giờ, không thể phủ nhận giấy vệ sinh vẫn đang là một trong những đồ dùng thiết yếu có mặt trong mọi nhà vệ sinh trên toàn thế giới. Có lẽ phải rất lâu sau nữa, con người mới có thể sáng tạo ra thêm một phát minh khác để thay thế thứ giấy kỳ diệu này.

Cập nhật: 12/10/2020 Tổng Hợp
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video