Từ Đông sang Tây đều có những huyền thoại về các kho báu, kích thích những chuyến săn tìm từ năm này sang năm khác.
Từ năm 1943, hồ Toplitz (Áo) được phát xít Đức chọn làm nơi xây dựng căn cứ thực nghiệm hải quân. Do vị trí đặc biệt hẻo lánh của nó nên người ta tin rằng phát xít Đức đã chôn giấu dưới đáy hồ kho tàng khổng lồ vơ vét được từ nhiều nước.
Bí mật dưới đáy hồ
Hồ Toplitz nằm ở vùng rừng núi hẻo lánh Alps miền Tây nước Áo, có độ sâu trên 100m, bao bọc xung quanh bởi các vách núi cheo leo và rừng rậm. Nó còn được biết tới như một vùng hồ chết vì từ độ sâu 20m, nước hồ mặn và không còn oxy nên cá không thể sống nổi.
Những năm 1943-1944, Đức quốc xã đã dùng căn cứ hồ Toplitz làm nơi thử nghiệm các loại chất nổ ở những độ sâu khác nhau. Họ cũng bắn ngư lôi từ hồ, khoét thành những lỗ lớn trên vách núi. Cũng trong thời gian đó, phát xít Đức bắt đầu chiến dịch bí mật Bernhard.
Mục đích của chiến dịch này là đánh vào kinh tế các nước đồng minh bằng cách tung ra một số lượng lớn tiền giả. Phát xít Đức đã chế tạo được tiền giả tinh vi tới mức gần như không thể phân biệt với tiền thật và lên kế hoạch phát tán chúng trên khắp các quốc gia phe đồng minh, gây ra siêu lạm phát.
Nếu chiến dịch này thành công sẽ tác động đáng kể vào cục diện cuộc chiến. Tuy nhiên, năm 1945, ngay trước khi chiến dịch Bernhard đi vào giai đoạn quyết định, Hồng quân Liên Xô đã tiến sát Berlin. Chế độ Đức quốc xã đến hồi nguy khốn, chiến dịch Bernhard bị chấm dứt.
Hồ Toplitz
Hồ Toplitz rừng thiêng nước độc trở thành một trong những thành lũy cuối cùng phát xít Đức có thể trốn lánh. Các nhân chứng kể rằng họ trông thấy lính quốc xã thoạt đầu dùng xe quân sự, sau đó dùng xe ngựa chuyển các thùng lớn bằng kim loại tới hồ Toplitz.
Hàng triệu bảng Anh tiền giả cùng với máy in và mọi thứ liên quan đến chiến dịch Bernhard được đóng thùng chuyển lên thuyền rồi thả xuống đáy hồ Toplitz. Người ta cho rằng cũng với động cơ chôn giấu các bí mật và cất giữ tài sản khỏi tay kẻ thù, Đức quốc xã đã đồng thời trút xuống hồ Toplitz các thùng chứa vàng thỏi, các tác phẩm nghệ thuật cùng vô số ngọc ngà châu báu mà chúng đã cướp bóc được từ nhiều quốc gia trên khắp châu Âu, và cả những tài liệu ghi chú nơi giấu tài sản tịch thu của người Do Thái.
Đổ xô tìm kiếm
Tin đồn đó đã kích thích từng đoàn thám hiểm đổ xô tới hồ Toplitz để tìm kiếm kho báu, một số cái chết bí ẩn đã xảy ra và rất nhiều phim, sách lấy cảm hứng từ huyền thoại Toplitz, nhưng vận may vẫn chưa rơi vào ai. Trong lòng hồ đầy những cây gỗ lởm chởm, như một bãi chông chắn giữa đường khiến những nỗ lực lặn xuống đáy hồ trở nên vô cùng nguy hiểm nếu không muốn nói là bất khả thi.
2 năm sau khi thế chiến kết thúc, hải quân Hoa Kỳ đã cho người lặn tìm kho báu nhưng một thợ lặn của họ đã bị vướng vào các cây gỗ và chết chìm. Năm 1959, đến lượt người Đức vào cuộc, lần này có vẻ họ may mắn hơn khi tìm được một máy in cùng với các thùng chứa 72 triệu bảng Anh giả.
Ông Gerhard Zauner, một trong những thợ lặn tham gia cuộc săn tìm kho báu năm 1959, thuật lại rằng ông nhìn thấy thấp thoáng xác máy bay chìm phía dưới lớp cây gỗ nhưng không thể tiếp cận được.
Sự kiện phát hiện các thùng tiền giả trùng khớp với những lời đồn đoán nên càng kích thích người ta bất chấp nguy hiểm lặn tìm kho báu. Năm 1963, chính phủ Áo quyết định ban bố lệnh cấm thám hiểm tự phát ở hồ Toplitz sau khi xảy ra vụ việc một cựu sĩ quan SS dẫn thợ lặn tới thăm dò bất hợp pháp và người thợ lặn đó đã chết đuối.
Năm 1983, một nhà sinh vật học người Đức tình cờ phát hiện thêm tiền Anh giả và nhiều tên lửa thời phát xít. Năm 2000, một nhóm thám hiểm dùng tàu lặn tìm kiếm suốt 3 tuần nhưng tất cả những gì họ thu được chỉ là một chiếc hộp chứa đầy nắp chai bia mà có vẻ như ai đó đã cố ý ném xuống hồ để chơi khăm những tay săn kho báu.
Một số chuyên gia cho rằng vàng rất nặng nên có thể đã chìm sâu trong lớp bùn bên dưới đáy hồ.
Năm 2005, công ty nhà nước Bundesforste quản lý hồ Toplitz đã ký hợp đồng cho phép lão làng săn kho báu người Hoa Kỳ Norman Scott lặn tìm trong 3 năm và chia nhau kho báu nếu tìm thấy. Ông Scott tuyên bố đã phát hiện những manh mối mới trong kho tài liệu ở Berlin và Washington khiến ông tin rằng có kho vàng dưới hồ. Nhưng, kho báu vẫn bặt tăm.
Năm 2009, CBS News thuê công ty Ocean Engineering dùng robot Phantom lặn sâu xuống hồ. Sau nhiều cuộc đàm phán, họ được chính phủ Áo cho phép tiến hành trong vòng 30 ngày. Tuy nhiên, ngay cả công nghệ tiên tiến cũng có chỗ khiếm khuyết vì nếu Phantom không xuống sâu, nó sẽ không thể tìm được dưới đáy có gì, nhưng nếu xuống quá sâu, nó sẽ bị bùn che mất tầm nhìn, hoặc thậm chí mắc kẹt dưới đó.
Vùng hồ chết còn làm khó đoàn bằng những trận mưa đá và một tia sét đánh trúng hệ thống định vị của Phantom đã làm nó bị trục trặc. Trong nỗ lực cuối cùng, họ dùng tàu ngầm 1 người lái để xem xét manh mối mà Phantom phát hiện trước khi nó bị trục trặc.
Họ đã thu được một khối giấy đã bắt đầu phân rã. Họ tỉ mỉ khôi phục từng chút một và xác định được đó là những tờ bảng Anh giả. Phát hiện này củng cố cho giả thiết chiến dịch bí mật Bernhard là có thật thì kho báu cũng có thật.
Một số chuyên gia cho rằng vàng rất nặng nên có thể đã chìm sâu trong lớp bùn bên dưới đáy hồ và bị che phủ bởi lớp cây gỗ dày, khó phát hiện, nếu phát hiện cũng khó trục vớt.