Các nhà bảo tồn quốc tế hy vọng có thể tăng số lượng tê giác Java, cùng loài với con tê giác đánh dấu sự tuyệt chủng ở Nam Cát Tiên. Đây là loài động vật có vú lớn hiếm nhất trên trái đất.
>>> Tê giác hiếm sắp sinh con tại Indonesia
Tê giác Java trước kia từng là loài phổ biến nhất trong các loài tê giác châu Á, trải rộng từ Đông Nam Á, tới Ấn Độ và cả Trung Quốc. Nhưng số liệu thống kê đến nay cho thấy, chỉ còn khoảng 35 con tê giác Java còn sống trong tự nhiên, không con nào được nuôi nhốt.
Hình ảnh tê giác Java từng được xem là biểu tượng của các nước Đông Nam Á như Myanmar, Việt Nam và Indonesia. Nhưng giờ đây nó chỉ là quá khứ khi chỉ còn vài cá thể sống trên đảo Java của Indonesia, theo Guardian.
Không sở thú nào trên thế giới, ngay cả các chương trình nhân giống có thể tạo ra tê giác Java. Những người dành hết công sức bảo vệ loài động vật quý hiếm này cũng khó có cơ hội nhìn thấy chúng trong môi trường hoang dã.
Hình ảnh tê giác Java cuối cùng ở Việt Nam tuyệt chủng.
"Tôi đã đến môi trường sống của tê giác Java 3 lần nhưng chỉ nhìn thấy dấu chân của chúng", ông Kerry Crosbie, giám đốc Dự án tê giác châu Á nói. "Bạn phải cực kỳ may mắn mới thấy một con tê giác Java", ông nói.
Dựa vào những bẫy ảnh và dấu chân trong công viên quốc gia Ujung Kulon, phía tây đảo Java, các nhà khoa học nhận thấy tê giác Java vẫn còn tồn tại trong môi trường hoang dã với số lượng rất ít.
Khoảng 35 con tê giác Java hiện đang cư trú tại công viên Ujung Kulon - nơi được xem là pháo đài cuối cùng của chúng, với 22 con cái, 13 con đực và 5 tê giác con. Nhưng một tổ chức phi chính phủ ở Indonesia phủ nhận con số trên, họ cho rằng thực tế còn khoảng 47 con tê giác Java.
Nguyên nhân theo giới bảo tồn là do tê giác mất môi trường sống cùng nạn săn bắn trái phép diễn ra trong thời gian trước. Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đưa tê giác Java vào danh sách các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng nghiêm trọng.
Ông Kerry Crosbie lo lắng khi có nhiều yếu tốt cản trở việc nhân giống tê giác. "Trung bình giai đoạn sinh sản của tê giác Java mẹ là 3 năm/lần, thời kỳ mang thai khoảng 16 tháng, điều này gây cản trở trong việc nâng cao số lượng của chúng", Kerry Crosbie nói.
Môi trường sống của loài động vật quý hiếm này còn bị đe dọa bởi thiên tai. Năm 1883, núi lửa phun trào ở đảo Krakatoa - hòn đảo nằm gần đảo Java tàn phá toàn bộ môi trường, khiến tê giác Java ảnh hưởng.
Loài thực vật khác phát triển là trở ngại trực tiếp tới cuộc sống tê giác, nhất là một số giống thuộc họ cau phát triển mạnh mẽ lấn át cả diện tích cây cỏ - thức ăn chính của tê giác.
Ngoài ra, theo ông Crosbile, loài tê giác còn khó khăn khi chịu sự cạnh tranh về nguồn thức ăn với loài bò banteng - loài động vật địa phương có khả năng sinh sản và gia tăng nhanh về số lượng.
Nơi phân bố tê giác Java. (Ảnh: Guardian)
Khác với tê giác châu Phi, kẻ săn trộm hầu như không có cơ hội để tiếp cận với tê giác Java vì chúng được các kiểm lâm thiết lập mạng lưới bảo vệ khá chặt chẽ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại và không mấy tin vào khả năng nhân giống, tăng số lượng loài tê giác Java, khi từ năm 1967 đến nay số tê giác mới chỉ tăng từ 25 đến 35 con. Điều này chứng tỏ, khả năng sinh sản và phát triển của tê giác Java rất chậm.
Ông Adhi Hariyadi, Quỹ bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF) tại Indonesia cho biết sẽ tìm kiếm cá thể từ các nơi khác để thực hiện việc nhân giống bảo tồn tê giác.
Ông Adhi Hariyadi hy vọng chương trình lần này sẽ thành công như trong lần nhân giống tê giác Ấn Độ từ 25 con lên đến hàng nghìn con, và giống tê giác trắng từ 1 con lên đến hàng chục con trong tự nhiên.
"Nếu kế hoạch khôi phục tê giác Java theo đúng kế hoạch và thành công, số lượng tê giác có thể tăng thêm 20% trong vòng 30-40 năm tới", Adhi Hariyadi nói.
Nhà bảo tồn Australia - Tim Flannery nhấn mạnh: "Tê giác là loài có vai trò quan trọng trong cân bằng số lượng hoa quả và duy trì hệ sinh thái khỏe mạnh".
Năm ngoái, WWF công bố con tê giác Java cuối cùng ở Việt Nam đã tuyệt chủng. Con tê giác ở Việt Nam đã chết trong vườn quốc gia Cát Tiên vào năm 2010 bất chấp nỗ lực bảo vệ của chính phủ.
Ở Việt Nam, nhu cầu tìm mua sừng tê ngày càng cao và đây được coi là mặt hàng xa xỉ và người ta tin là nó có thể giải độc và chữa ung thư. Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học nào chứng minh cho những tin đồn này.