Khoa học đã chứng minh, lên giường và ngủ một giấc ngon lành chính là cách tốt nhất để giải quyết các tranh chấp, cãi vã với nửa kia của mình.
Trong tình yêu, chúng ta không thể tránh khỏi những cuộc tranh luận thậm chí đôi lúc là cãi nhau vì bất đồng quan điểm giữa hai người. Những lúc như vậy, bạn thường làm gì để giải quyết vấn đề - tiếp tục tranh luận, bảo vệ quan điểm cá nhân cho tới cùng cho dù có phải thức trắng đêm hay nhường nhịn người mình yêu và chấp nhận nhận sai dù lòng không muốn?
Tất cả đều không phải là biện pháp tối ưu? Theo các chuyên gia, cách tốt nhất bạn nên làm trong trường hợp này là... đi ngủ. Tiến sĩ Charles Czeisler, chủ tịch của tổ chức National Sleep Foundation đã lý giải một số nguyên nhân khoa học đằng sau phương pháp có vẻ dị thường này.
1. Nếu không ngủ, não của bạn sẽ làm việc kém hiệu quả hơn bình thường
Nhiều cặp đôi thường lựa chọn cách thức cả đêm để tranh luận với nhau nhằm giải quyết vấn đề cãi vã một cách triệt để. Nhưng kì thực, đó là một quan điểm vô cùng sai lầm. Thực tế, việc thức trắng đêm chỉ khiến não bộ mệt mỏi và sẽ mất thêm rất nhiều thời gian vô ích mà thôi.
Điều này là bởi, càng ít ngủ thì não bạn càng làm việc kém hiệu quả trong quá trình đốt cháy năng lượng. Một chức năng quan trọng của giấc ngủ, đó là giúp cơ thể tái tạo phân tử ATP (Adenosine triphosphate) trong tế bào.
Czeisler nói: “ATP có trong tất cả các tế bào và đó chính là nơi tạo ra năng lượng cho cơ thể. Khi được sử dụng, ATP sẽ chuyển thành những cấu trúc đơn giản hơn. Càng phân rã, hiệu quả tạo ra năng lượng càng thấp". Vì vậy, thời gian thức của bạn càng dài thì ATP tạo ra năng lượng càng hoạt động kém hiệu quả.
2. Nếu không ngủ, tranh cãi sẽ càng căng thẳng hơn
Chuyên gia Czeisler cũng cho biết thêm, khi khả năng đốt cháy năng lượng của cơ thể bị suy giảm, điều này sẽ tác động đến những bộ phận khác nhau của não, trong đó có thùy não trước trán - khu vực chịu trách nhiệm về óc suy xét cũng như khả năng kiềm chế của con người.
Do đó, sẽ không khó hiểu khi cuộc tranh cãi sẽ trở nên phức tạp và căng thẳng hơn nếu bạn tìm cách thức trắng đêm và giải quyết chúng.
Đồng tình với quan điểm trên, Amie Gordon, tiến sĩ của viện nghiên cứu Nhân cách và Xã hội của Đại học California nói rằng: “Không ngủ đủ giấc khiến con người có những cảm xúc tiêu cực và phản ứng mạnh mẽ hơn trước những điều tệ hại. Điều này có nghĩa rằng chúng ta có xu hướng nóng nảy và tức giận hơn khi đứng trước những người xung quanh”.
Điều này sẽ hoàn toàn chẳng giúp ích được gì nếu bạn muốn tìm ra cách giải quyết vấn đề hữu hiệu.
3. Nếu ngủ, bạn có cơ hội giải quyết tranh cãi trong giấc mơ
Giấc ngủ con người trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Trong đó, giấc ngủ REM (ngủ đảo mắt nhanh) là giai đoạn mà chúng ta sẽ tích hợp lại mọi thứ mình đã trải qua trong một ngày.
Khi đó, những điều khiến bạn có ấn tượng sâu sắc vừa trải qua sẽ xuất hiện trong giấc ngủ REM. Và não bộ lập tức sẽ phân tích ngay cả khi bạn đang ngủ. Theo Czeisler, điều này có thể rất có ích trong việc giải quyết cuộc mâu thuẫn của bạn.
Vì vậy, ngừng cuộc tranh luận ít nhất trong 7 - 8 tiếng đồng hồ và đi ngủ, bạn có thể đang giúp chính bản thân mình tìm ra mấu chốt của cuộc mâu thuẫn. Có thể sau khi bạn thức dậy vào ngày hôm sau, bạn sẽ nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng tích cực hơn và biết mình sẽ cần phải làm gì để giải quyết những vấn đề đó.
Chờ gì nữa mà không đi ngủ thôi!
Tạm kết
Có lẽ tới đây bạn đã hiểu vì sao nên đi ngủ khi cãi nhau với người yêu của mình rồi chứ? Tuy nhiên làm thế nào để gác cuộc khẩu chiến đang cẳng thẳng sang một bên để có một giấc ngủ ngon lại là một thử thách khác và phụ thuộc vào sự khéo léo và thấu hiểu lẫn nhau giữa hai người.
Hãy bảo đảm rằng người ấy hiểu bạn đang cần thời gian để lên kế hoạch giải quyết vấn đề vào thời điểm thích hợp hơn mà thôi. Theo nhà tâm lý trị liệu Robert Taibbli, thời điểm ấy chính là buổi sáng hôm sau. Khi đó, cả hai sẽ bình tâm và dễ đạt được đồng thuận hơn rất nhiều.