Nam Ngư (Theo Onet.pl)
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học: gen đặc trưng cho “chất đàn ông” đang bị thoái hóa mạnh mẽ. Họ cảnh báo rằng trong tương lai, đàn ông sẽ tuyệt chủng. Thời gian được xác định là khoảng 125.000 năm sau, tức chưa đầy 5.000 thế hệ nữa! Nhiều ngân hàng tinh trùng đã được thành lập trên toàn thế giới. Nhưng liệu có thể cứu vãn được nguy cơ này?
Bản chất của phái mạnh là... rất yếu
Ai cũng biết, nhiễm sắc thể (NST) Y trong nhân tế bào quyết định đứa trẻ sinh ra sẽ là con trai. Phụ nữ có trong nhân tế bào hai NST X mang tính sống còn giống hệt nhau. Có thể gọi đó là một bản chính và một bản sao để bảo đảm an toàn vì nếu nhỡ một cái có bị làm sao thì đã có cái kia thay thế. Còn ở nam giới, trong nhân tế bào lại chỉ có mỗi một mẩu NST Y ngắn ngủi và đơn độc. Cái mẩu bé một cách tội nghiệp này chỉ bằng 1/50 kích thước của một gen trọn vẹn nên nó hầu như chẳng có tí sức mạnh nào và không có luôn cả khả năng tái sinh sản.
Thêm nữa, để thụ tinh cho một quả trứng, phải huy động đến hàng triệu tinh trùng. Chúng ta thử làm phép tính: tất cả đàn ông trên thế giới mỗi năm “chiến đấu” khoảng 50 tỷ lần, có nghĩa là phải tiêu phí chừng 1 triệu lít tinh trùng mỗi ngày, tức khoảng 200.000 tỷ tinh trùng được chế tạo trong một giây. Kết quả là nhân loại phát triển thêm 5 thành viên mới, để đạt được thành tích đó, phái nữ trên toàn thế giới chỉ phải cho xuất kho 400 tế bào trứng! Tại sao tạo hóa lại hoang phí như vậy? Tại sao lại có sự bất công nhường này! Trong khi người đẹp chỉ cần đủng đỉnh nhả ra một tế bào trứng thì đàn ông phải “hì hục” tạo ra một lượng tinh trùng khổng lồ đến thế? Lý giải của phần lớn các nhà khoa học là chúng thực chất không mạnh như cái tên người ta dùng để gọi chủ nhân của chúng: phái mạnh!
Chất lượng “con giống” ngày một suy giảm
Hình ảnh nhiễm sắc thể X và nhiễm sắc thể Y. (Ảnh: In-gender.com) |
Năm 1992, nhà nội tiết học Skakkeback (Đan Mạch) tổng kết việc đếm tinh trùng ở 15.500 đàn ông tại 20 quốc gia khác nhau từ năm 1938-1990 đã công bố: số lượng tinh trùng sau 50 năm đã giảm gần một nửa (từ 113 triệu/ml xuống còn 66 triệu/ml). Ở Pháp, chỉ nghiên cứu tinh trùng hiến tặng, họ cũng nhận thấy: mỗi năm, số lượng tinh trùng giảm 2% (89 triệu/ml năm 1973 chỉ còn 60 triệu/ml năm 1992).
Những phát hiện mang tính báo động của các nhà gen học Anh thì cho thấy: NST Y của nam giới ngày nay chỉ còn bằng 1/3 kích cỡ NST Y của các cụ tổ cách đây 300 triệu năm. Điều đáng sợ là quá trình suy thoái vẫn tiếp tục diễn ra. “Đàn ông hiện nay có thể bị tuyên án tuyệt chủng trên con đường tiến hóa của giống nòi mình” – Giáo sư Steve Jones - tác giả cuốn sách nổi tiếng Về nguồn gốc đàn ông nhận định. Hiện nay, NST Y mang nhiều đột biến có hại chưa từng có ở các thế hệ cha ông chúng ta. Mỗi thế hệ đàn ông tiếp theo lại tích thêm nhiều lỗi về gen.
Ngoài ra, không thể không tính tới sự thoái hóa về mặt xã hội của phái mạnh. Sự tiến bộ về mặt xã hội của phụ nữ và những thay đổi về vai trò xã hội gây nên cuộc khủng hoảng chưa từng có đối với diện mạo của đàn ông và các bé trai. “Trong mắt chúng ta, hình ảnh người đàn ông đã thay đổi. Cần phải thẩm định lại ý nghĩ của chúng ta về giới tính” – nhà tâm lý học Barney Brwer, người phụ trách dự án nghiên cứu tổng hợp về nam giới thuộc đại học tổng hợp Tufts ở Boston (Mỹ) khẳng định. Kết quả nghiên cứu của nhóm ông phụ trách thật bất ngờ: già nửa số em trai vị thành niên cảm thấy bị các bạn gái cùng tuổi “lấn sân”, quá nửa các bậc mày râu cảm thấy mình “kém cỏi” hơn phái yếu – chính họ tự nhận thấy mình kém xoay sở hơn, khả năng tổ chức kém hơn, dễ bị stress hơn, kém nghị lực hơn, dễ bị sa ngã hơn.
Bản thân những chủ nhân của NST Y cũng tự mình ngày một sa sút đi – về sức khỏe, giáo dục và cả về đạo đức. Rõ ràng ở khắp nơi trên thế giới, các ông đều đoản mệnh hơn các bà (tại châu Âu là 6:1 năm, ở nước Nga, tỷ lệ này là 4:1).
Theo TS. Dieter Otten, nhà xã hội học người Đức, tác giả công trình Bạo lực mang bộ mặt đàn ông thì hiện nay ở rất nhiều nước trên thế giới, đàn ông tuy là phái mạnh nhưng về số lượng thì họ lại thuộc diện yếu. Số lượng đàn ông thường ít hơn số lượng phụ nữ. Ví dụ: ở nước Nga hiện có 65,85 triệu đàn ông, trong khi đó phụ nữ là 76,35 triệu (hơn hẳn đàn ông 10,5 triệu người!).
Làm cách nào để cứu vãn tình thế?
Rõ ràng có quá nhiều cơ sở để lo ngại. Vị thế của phái mạnh đang ngày yếu dần đi không phải vì nhân bản vô tính, mà cùng với sự tiến bộ của nền văn minh, những chủ nhân của NST Y đang tiếp tục trượt dốc.
Liệu loài người có thể tồn tại mà không cần đến các ông bố? Có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng sự kết thúc của đàn ông không đồng nghĩa với sự kết thúc của loài người. Y học đang nghiên cứu nhiều phương án để thay thế đàn ông trong quá trình tái sinh sản. Nhà nghiên cứu Carol Perterson thuộc Đại học Tổng hợp Harvard nói: “Lối thoát tốt nhất là nhân bản hoặc dùng tinh dịch để thay thế từ tế bào của phái nữ. Khi đó tinh dịch của các ông là không cần thiết. Có một cách nữa là nuôi cấy tinh trùng trong nhân tế bào động vật, các thí nghiệm trên lợn đã cho những kết quả khả quan”. Có thể trong một tương lai không xa, khoa học sẽ đưa tự nhiên về với trạng thái giống như nguyên thủy của nó và giống đực sẽ biến mất. Vậy khi đó chúng ta sẽ nhân giống ra sao? Có thể thông qua nhân bản vô tính. Mà về mặt kỹ thuật là một điều hết sức đơn giản: chỉ cần một mẩu gen từ cơ thể người mẹ đặt vào một tế bào trứng không nhân, thế là xong.
Đối với loài người, con đường đến với “giải pháp đơn giản” ấy còn xa lắc, nhưng những thí nghiệm trên động vật cho ra những kết quả ngày một khả quan hơn. Orrly Lacham Kaplan, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu quá trình sinh sản và phát triển ở Melbourne (Australia) đã thông báo: Giai đoạn đầu của quá trình thụ tinh không cần đến tinh trùng, vì có thể tạo nên sự sống cho một hợp tử có hai mẹ. Thí nghiệm này đã thành công trên chuột.
Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà khoa học đều tỏ ra lạc quan. Nhiều người sợ rằng tinh dịch nhân tạo sẽ không thể tự kiểm soát. Theo họ, sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu sự tuyệt chủng của phái mạnh kéo theo sự tuyệt chủng của toàn nhân loại. Đã từng có nhiều loài động vật bị tuyệt chủng vì sự di truyền vô nghĩa của giống đực. Với loài người, hoàn toàn có thể sẽ xảy ra tình trạng tương tự.
Những cuộc tìm kiếm giải pháp nhằm cứu vãn “con giống” vẫn đang được tiến hành một cách tích cực. Theo tờ Straits Time, các nhà khoa học Singapore đang đi theo hướng nuôi cấy tế bào gốc. Các nhà khoa học Israel lại dùng kim châm cứu tác động vào các huyệt thuộc kinh “thận - bàng quang” làm tăng số lượng tinh trùng.
Ở Mỹ, nhiều quý ông mang tinh trùng đi gửi vào “ngân hàng” để dành khi cần thì sử dụng kẻo ít năm nữa chúng èo uột. Đối với những bà vợ chẳng may chồng bị tai nạn hay bệnh tật mà vẫn còn muốn có hình ảnh của chồng nơi đứa con thì sử dụng tinh trùng dự trữ là nguồn tuyệt vời nhất.