Như chúng ta biết, động vật là nơi trú ngụ của vô số vi sinh vật. Các nhà khoa học đã khám phá ra rằng, một số “kẻ sống bám” tí hon này có khả năng khiến con người lâm trọng bệnh, trong khi số khác lại đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì hệ động – thực vật bình thường bên trong cơ thể chúng ta.
Và còn rất nhiều điều thú vị về chúng mà bạn có thể chưa biết …
Cơ thể con người đầy ắp vi trùng. Một số nhà nghiên cứu nói rằng, bên trong cơ thể bạn, số lượng tế bào vi khuẩn nhiều gấp 10 lần tổng số tế bào của con người. “Số lượng chính xác là bao nhiêu không quan trọng. Điều đáng lưu tâm là, các tế bào vi khuẩn trong cơ thể của chúng ta chắc chắn nhiều hơn các tế bào của con người", nhà vi sinh vật Martin Blaser đến từ Trường Dược, Đại học New York, nhấn mạnh.
Cơ thể con người chứa đầy ắp vi sinh vật. (Ảnh minh họa: Scitech.com)
Khi con người tiến hóa, những vi khuẩn này cũng tiến hóa cùng với chúng ta. Rất nhiều loại virus cũng gọi cơ thể con người là “nhà”.
Do có rất nhiều vi khuẩn sống bên trong cơ thể người nên có quan điểm cho rằng, chúng đã có mặt ở đó từ khi chúng ta chào đời. Tuy nhiên, sự thực không phải vậy. Theo chuyên gia Blaser, khi mới sinh ra, cơ thể con người không chứa vi khuẩn và chỉ dần dần “có” chúng trong vài năm đầu đời.
Trẻ em đón nhận đợt vi khuẩn đầu tiên khi đi qua khe sinh nở của người mẹ (đối với những phụ nữ đẻ thường). Tất nhiên, những đứa trẻ sinh mổ không nhận được vi sinh vật theo cách này. Trong thực tế, các nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ sinh mổ có hệ vi sinh vật rất khác so với trẻ sinh thường và có thể đối mặt với nguy cơ cao hơn bị mắc một số loại bệnh dị ứng nhất định và béo phì.
Theo ông Blaser, một đứa trẻ thu nhận được phần lớn thành viên trong hệ vi sinh vật của nó lúc 3 tuổi, thời điểm sự trao đổi chất, các hệ thống miễn dịch, nhận thức và sinh sản của trẻ đang trải qua quá trình phát triển mở rộng.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong khi một số vi khuẩn có thể khiến bạn bị ốm, số khác lại đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của bạn và giúp bạn chống lại việc nhiễm trùng. Đôi khi, cùng một loại vi khuẩn có thể tạo ra cả 2 ảnh hưởng ấy.
Lấy ví dụ trường hợp của Helicobacter pylori, vi khuẩn gây viêm loét dạ dày. Vi khuẩn này từng được tìm thấy ở hầu hết mọi người trên Trái đất, nhưng sự phổ biến của chúng đã dần giảm xuống và hiện chỉ có khoảng một nửa dân số thế giới dung chứa chúng. Hầu hết số vi khuẩn này không gây ra triệu chứng, nhưng một số lượng nhỏ chúng phát triển thành các vết loét đau đớn trong đoạn có tính axit của đường tiêu hóa (một phát hiện đã được trao giải Nobel Y học năm 2005).
Vi khuẩn vừa có lợi, vừa gây hại cho con người. (Ảnh: My Health News)
Các nhiễm khuẩn do Helicobacter gây ra có thể chữa trị được bằng thuốc kháng sinh, nhưng ông Blaser và các cộng sự phát hiện, sự thiếu vắng loại vi khuẩn này dường như liên quan tới việc xuất hiện các bệnh thực quản, chẳng hạn như viêm thực quản trào ngược và một số bệnh ung thư thực quản. Mặc dù không phải tất cả các nhà khoa học đều tán đồng quan điểm này nhưng “có nhiều bằng chứng cho thấy Helicobacter vừa có lợi, vừa gây hại xét về mặt sinh học”, ông Blaser nói.
Penicillin là một đột phá quan trọng khi Alexander Fleming phát hiện ra nó vào năm 1928. Thuốc kháng sinh được ưa chuộng rộng rãi kể từ đó, nhưng việc lạm dụng kháng sinh đã dẫn tới việc tăng các chủng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh chết người, chẳng hạn như Staphylococcus aureus kháng Methicillin (MRSA).
Hiện tại, các nhà nghiên cứu đã thu được một số bằng chứng cho thấy, thuốc kháng sinh còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, viêm ruột và béo phì.
Tất nhiên, có những thời điểm việc dùng thuốc kháng sinh là bất khả kháng, đặc biệt đối với một đứa trẻ bị bệnh rất nặng. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Blaser quả quyết, nhiều bệnh thường gặp ở trẻ em, chẳng hạn như nhiễm trùng tai hoặc nhiễm trùng cổ họng, sẽ tự biến mất.
Việc công nhận vi khuẩn có thể hữu ích đối với con người đã dẫn tới một cơn sốt các sản phẩm bổ sung lợi khuẩn, bao gồm các vi khuẩn sống được cho là mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Nhiều người sử dụng chúng sau một đợt dùng thuốc kháng sinh. Nhưng liệu chúng có thực sự hữu ích?
"Quan niệm về việc lợi khuẩn giúp tái lập hệ vi sinh vật cơ bản sau khi dùng thuốc kháng sinh là đúng. Nhưng ý tưởng cho rằng, trong tổng số hàng ngàn vi sinh vật trong cơ thể chúng ta, chỉ sử dụng một loài chiết xuất từ bò hoặc bơ là quá ngây thơ”, nhà nghiên cứu Blaser nói. Theo ông, các chế phẩm lợi khuẩn hiện tại được quảng cáo quá tốt nhưng thực tế không mang lại nhiều lợi ích. Ông Blaser tuyên bố, ngành dược một ngày nào đó sẽ phát triển được các sản phẩm lợi khuẩn hữu dụng cho việc chữa trị bệnh tật, nhưng trong thời điểm hiện tại “vẫn còn là một lĩnh vực quá non trẻ”.