Những hiểm họa từ... hắt hơi

Chúng ta đều biết một cú át xì có thể trở thành “vũ khí hủy diệt hàng loạt” do nó phát tán vi khuẩn gây bệnh. Ví dụ, một người bị cảm khi hắt hơi có thể lây bệnh cho 150 người cùng đi trên xe chỉ trong vòng 5 phút. Nay có nhiều bằng chứng cho thấy hắt hơi cũng có thể gây nhiều thương tích nghiêm trọng, thậm chí tử vong. 

Ảnh trái: Victoria Henny hiện đã hồi phục sau 2 năm nằm liệt giường vì át xì. Ảnh: Carters New Agency.

Ảnh phải: Không chỉ phát tán vi khuẩn, hắt hơi còn có thể gây tổn thương cho cơ thể.

Trong một loạt những hoạt động tiềm ẩn sự nguy hiểm, Lauren Henshaw cho rằng hắt hơi là hành vi không đáng lo. Cho đến một ngày sức mạnh của một cú át xì đã khiến cô bị trượt đĩa đệm trên sống lưng. Nhớ lại sự cố 2 năm về trước, Lauren, chuyên gia giải trí làm việc ở Cheshire (Anh), kể: “Trong lúc đang tắm, tôi bị hắt hơi. Một cơn đau quằn quại xuất hiện và tôi ngã quị xuống sàn. Lúc đó, tôi ở nhà một mình và điện thoại thì để trong phòng ngủ”. 2 giờ sau đó, cô tỉnh dậy và cố trườn vào phòng ngủ gọi điện cho bà dì. Phải mất thêm 2 giờ nữa Lauren mới lết được ra trước mở cửa cho dì vô nhà để đưa cô đi cấp cứu. “Tôi phải đi bằng nạng suốt 2 tuần liền và xin nghỉ việc 3 tháng để làm vật lý trị liệu. Đó quả là cơn ác mộng”, Lauren nhớ lại.

Nghe có vẻ hơi quá nhưng thực sự cú hắt hơi có thể khiến một số người bị thương nặng. Chẳng hạn luật sư Victoria Henny, người đã nằm liệt giường đến 2 năm sau khi bị thương nặng do át xì trong lúc xem tivi. Cú hắt hơi mạnh đến nỗi làm rách đĩa đệm ở xương sống, khiến dây thần kinh hông bị kẹt giữa hai đốt sống. Bà mẹ 53 tuổi này buộc phải nghỉ việc do đau đớn triền miên và rơi vào trầm cảm, thậm chí có lúc còn định tự vẫn. Nỗi khốn khổ chỉ chấm dứt sau khi Victoria được bác sĩ phẫu thuật xương sống vào đầu năm nay.

Giáo sư Adam Carey, chuyên gia thương tích thể thao ở Anh, cho biết có 2 kiểu hắt hơi có thể gây thương tích. Đó là hắt hơi mạnh đến nỗi làm toàn thân chuyển động. Kiểu này gọi là “hiệu ứng dây kéo” – đầu bổ về phía trước và giật ra sau thật nhanh, có thể gây tổn thương các cơ và xương. Kiểu thứ hai là khi chúng ta cố kiềm chế cơn át xì. Sự đè nén này tạo nên sức ép khổng lồ trong đầu, có thể dẫn đến thủng màng nhĩ, rách mạch máu và các cơ ở đầu, tổn thương các xoang và thậm chí gây xuất huyết não. Tiến sĩ nha khoa Phil Stemmer ở Luân Đôn khuyên: “Bạn phải coi chừng hàm răng khi hắt hơi vì một số trường hợp, chúng va mạnh vào nhau và bạn có thể bị gãy răng. Tôi từng chữa trị cho một người bị gãy răng và cả những người tự cắn vào lưỡi hoặc bên trong má”.

Các nhà khoa học ước tính một cú hắt hơi có vận tốc lên tới 1.040 km/giờ. Với lực đẩy mạnh như lực đẩy tên lửa, thương tích chắc chắn khó tránh khỏi. Jenny Compton, sinh viên ở Hampshire, bị gãy xương sườn trong một lần hắt hơi cách đây 3 năm. “Lúc đầu không có gì, nhưng 3 ngày sau, tôi cảm thấy rất đau và mỗi khi ho hoặc nhảy mũi, tôi chỉ muốn chết”, Jenny kể. Khi đến bác sĩ khám bệnh và chụp X-quang, cô mới biết mình bị gãy một xương sườn và phải điều trị nhiều tuần liền.

Trường hợp của Jenny và Lauren tương đối nhẹ. Đầu năm nay, Dean Rice (18 tuổi) hắt hơi trong ngày đầu đi cắm trại ở South Wales. Chỉ vài giây sau khi Dean kêu đau ở lỗ tai, cậu đã ngã quị và tử vong – cú hắt hơi khiến cậu bị xuất huyết não nghiêm trọng. Tháng trước, kỹ sư về hưu John Oram, 79 tuổi, cũng chết vì xuất huyết não và nhồi máu cơ tim mà các bác sĩ cho rằng nguyên nhân là do cú nhảy mũi cực mạnh.

Làm thế nào tránh bị thương khi hắt hơi? Theo nhà vật lý trị liệu Sammy Margo ở Luân Đôn, nếu bạn cảm thấy sắp nhảy mũi, hãy giữ chặt các cơ ở bụng và cố gắng không để phần đầu bị “hiệu ứng dây kéo”. Khi át xì, những chuyển động của cơ thể thoát khỏi tầm kiểm soát của bạn và điều đó có thể kéo căng các dây chằng, làm tổn thương các cơ, xương khớp và đĩa đệm.

Theo Báo Cần Thơ (Daily Mail)
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video