Úc tìm ra loài nhện mới: Trông giống cá hề lại còn biết nhảy múa

Các nhà khoa học tại Úc gần đây đã tìm ra một loài nhện mới thuộc chi Maratus có màu cam nổi bật với sọc trắng, khá giống với cá hề. Vẻ ngoài đặc biệt khiến loài này được đặt tên là Nemo, theo tên chú cá hề nổi tiếng của hãng phim hoạt hình Pixar.

Khác với nhân vật chính trong bộ phim hoạt hình "Đi tìm Nemo" (2003), con nhện không hề bị lạc, mà là ẩn số đối với khoa học. Cô Sheryl Holliday - nhiếp ảnh gia người Úc đam mê nhện và là nhân viên lĩnh vực sinh thái của tổ chức Nature Glenelg Trust đã chụp lại những hình ảnh về loài nhện này vào năm ngoái và chia sẻ chúng trên Facebook. Những bức ảnh đã thu hút sự chú ý của Joseph Schubert, một nhà phân loại nhện tại Bảo tàng Victoria ở Melbourne, Australia.

Joseph Schubert, đồng thời là một sinh viên đại học tại Phòng thí nghiệm chẩn đoán động vật không xương sống tại Đại học Murdoch, kể lại: "Tôi đã nghĩ đây có thể là một loài nhên mới, vì vậy tôi đã liên lạc với cô Holliday. Cuối cùng cô ấy đã gửi cho tôi một số mẫu vật".

Vào thời điểm đó, Schubert đã xác định được 13 loài nhện công khác trong chi Maratus và anh đã đặt tên cho 7 loài trong số đó vào năm 2020.

Cô Holliday đã tìm thấy loài nhện này trong một hệ sinh thái đầm lầy gần núi Gambier thuộc miền Nam nước Úc. Cô đã thu thập được 5 cá thể - 4 con đực và một con cái - vào tháng 11 năm 2020 để gửi cho anh Schubert. Anh đã đặt tên cho loài nhện mặt cam này là Maratus nemo và vào 25/3 vừa qua, mô tả về loài nhện Maratus nem đã được đăng tải chính thức trên tạp chí Evolution Systematics.


Nhện Maratus nemo

Giống như các loài nhện công khác, màu sắc sặc sỡ của M. nemo chỉ xuất hiện ở con đực, trong khi con cái chủ yếu là màu nâu giống với những con cái khác thuộc chi Maratus. Do đó, việc xác định M. nemo cái phụ thuộc vào việc chúng có gần giống với M. nemo đực hay không - Schubert viết trong nghiên cứu.

Con đực có thân màu nâu sẫm, phủ một lớp trắng và những chấm màu cam lấp ló gần bàn chân và ở các khớp chân của chúng. Phần mặt của chúng có màu cam rực rỡ, với một sọc trắng ngang dưới mắt và sọc trắng dọc ngắn hơn trên đầu. Theo nghiên cứu, mỗi con nhện có kích thước bằng một hạt gạo, con đực dài không quá 0,17 inch (4,25 mm) và con cái dài tới 0,2 inch (5 mm).


Maratus nemo là loài nhện công thứ 92 ở Úc được mô tả, hầu hết trong số này đã được xác định trong thập kỷ trước

Loài nhện công đực nổi tiếng với những điệu nhảy tán tỉnh phức tạp, và M. nemo cũng không ngoại lệ. Theo Schubert, nhện đực bắt đầu điệu nhảy của mình bằng cách nhấc một chân lên rồi "nhẹ nhàng uốn cong và đung đưa". Sau đó, khi con cái đến gần hơn, con đực vung vẩy cả hai chân trước đồng thời nhiệt tình nhún nhảy ở thân sau, tạo ra "những rung động âm thanh" trên chiếc lá nơi nhện đực nhảy múa.

Tuy nhiên, đó chỉ là một màn biểu diễn trong môi trường nhân tạo. Schubert viết trong nghiên cứu: "Trong tự nhiên, những con đực có thể thể hiện màn tán tỉnh hoàn chỉnh hơn với nhiều hình thức khác nhau".

Đến nay, các nhà nghiên cứu đã đặt tên cho 92 loài nhện công Úc. Trong số đó, 76 loài đã được phát hiện từ năm 2010. Schubert cho biết, việc tìm kiếm và xác định các loài chưa biết ở Úc, chẳng hạn như M.nemo, là cấp thiết hơn bao giờ hết. Nguyên nhân là do phần lớn động vật hoang dã của lục địa này đang bị đe dọa do mất dần môi trường sống, cháy rừng và việc lạm dụng thuốc trừ sâu.

Schubert chỉ ra rằng: "Chỉ khoảng 30% đa dạng sinh học của Úc được ghi nhận một cách chính thức về mặt khoa học, điều này có nghĩa là chúng ta có thể mất đi các loài trước khi tìm ra chúng."

Cập nhật: 04/04/2021 Theo VnReview
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video