Ứng dụng công nghệ sinh học tạo nguồn hoa huệ sạch bệnh

Hoa huệ bị bệnh chai bông gây không ít thiệt hại cho người trồng. Bằng công nghệ tế bào nuôi cấy phân sinh mô chồi, các nhà khoa học đã giải quyết được vấn đề này. Đó là kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Bảo Toàn và các cộng sự ở Bộ môn Sinh lý Sinh hóa, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ.

Cây huệ trắng được trồng phổ biến ở ĐBSCL và mang lại thu nhập khá cao cho người trồng, đặc biệt là vào các dịp lễ, tết. Huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang là vùng có diện tích trồng huệ khá lớn với gần 200 ha mỗi năm. Người dân thường lấy giống bằng kỹ thuật nhân giống truyền thống, chủ yếu là tách lấy củ trồng. Điều này đã làm lây lan các mầm bệnh có sẵn trong củ, giảm năng suất và phẩm chất hoa. Những năm gần đây, hoa huệ bị nhiễm bệnh chai bông nên cho hoa xấu hoặc hoa bị biến dạng, gây thiệt hại kinh tế khá lớn cho nông dân.

Cây huệ sạch bệnh được trồng thử nghiệm ngoài đồng ruộng, có chiều cao khoảng 1,7m. (Ảnh: Lê Hữu Hải)

Thạc sĩ Lê Hữu Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Chúng tôi đã nghiên cứu một số biện pháp phòng trị bệnh nhưng không hiệu quả. Chúng tôi đã gửi mẫu cây huệ bị bệnh nhờ Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ, tìm cách phục hồi hoặc tạo ra giống huệ sạch bệnh”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Bảo Toàn, chủ nhiệm đề tài “Phục hồi giống hoa huệ trắng nhiễm bệnh chai bông bằng công nghệ tế bào nuôi cấy phân sinh mô chồi”, việc nghiên cứu trải qua khá nhiều giai đoạn công phu và tỉ mỉ. Từ cây huệ bị nhiễm bệnh ngoài đồng, các nhà khoa học đã tách lấy củ huệ để phân lập sinh mô chồi. Phân sinh mô chồi (còn gọi là đỉnh sinh trưởng) là nơi tận cùng của chồi hoặc rễ. Khi phân sinh mô chồi phát triển, nó có thể phát sinh chồi, lá non hoặc hoa. Để phân lập sinh mô chồi, các nhà khoa học đã dùng 2 biện pháp: phân lập trực tiếp từ chồi ngọn được lấy ngoài đồng và phân lập gián tiếp từ nuôi cấy mầm trong ống nghiệm. Các phân sinh mô chồi sau khi phân lập, được nuôi cấy trong ống nghiệm với các chất điều hòa sinh trưởng và các chất dinh dưỡng để tạo ra cây con.

Tuy nhiên, cây con được tạo ra trong môi trường nuôi cấy mô khi mang ra trồng trực tiếp ở môi trường bên ngoài, tỷ lệ chết rất cao, do môi trường nuôi cấy mô và môi trường bên ngoài rất khác biệt. Do đó, để tăng tỷ lệ sống của cây khi đem ra ngoài thì cây phải trải qua thời gian tập thích nghi dần với điều kiện môi trường mới. Giai đoạn này được gọi là thuần dưỡng cây con. Sau khi được thuần dưỡng trong nhà lưới, cây con được trồng thử nghiệm ở ngoài đồng, trong nhà lưới của Trường Đại học Cần Thơ, nhà lưới của Phòng Nông nghiệp huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Kết quả, 4 dòng hoa huệ được tạo ra từ nuôi cấy mô đã phát triển tốt, ra hoa bình thường. Cây có chiều cao trên 1 m, trong đó, có nhiều cây đạt chiều cao 1,7 m.

Kết quả nghiên cứu của đề tài vừa được Hội đồng Khoa học Trường Đại học Cần Thơ tổ chức nghiệm thu và đánh giá cao. Thạc sĩ Lê Hữu Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, phấn khởi nói: “Từ những cây con ban đầu, hiện nay, chúng tôi đã nhân giống và có nguồn giống ổn định để cung cấp cho nông dân. Sắp tới, Phòng Nông nghiệp huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang sẽ chuyển giao giống huệ sạch bệnh đến nông dân để chính thức nhân rộng ngoài đồng ruộng”.

LỆ THU

Theo Báo Cần Thơ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video