Thay vì phải chăn nuôi động vật để lấy thịt, một số nhà khoa học đang thử nghiệm việc "nuôi" thịt trong phòng thí nghiệm.
Vào năm 1931, Thủ tướng Anh Winston Churchill dự đoán rằng trong vòng 50 năm tới, thế giới sẽ "thoát khỏi sự vô lý" khi phải nuôi những con gà trong các trang trại. Thay vào đó chúng ta sẽ phát triển các bộ phận của những con gà trong phòng thí nghiệm.
Bây giờ các nhà khoa học cho rằng dự đoán của Churchill sẽ trở thành hiện thực trong vòng 15 năm tới. Vào năm 2030, những con gà tây đầu tiên sẽ được phát triển trong phòng thí nghiệm nhằm phục vụ cho thực đơn ngày Giáng Sinh.
Theo Paul Mozdziak, giáo sư khoa học lĩnh vực gia cầm tại Đại học bang North Carolina tin rằng các loại thịt trong tương lai sẽ được phát triển trong những bể khổng lồ và ngành công nghiệp chăn nuôi sẽ được thay thế bằng công nghệ tế bào.
Những chú gà tây nguyên con như thế này sẽ chỉ còn là dĩ vãng. (Nguồn ảnh: telegraph).
Mặc dù ý tưởng của các công ty chuyên về công nghệ sinh học nhằm phát triển thịt trong phòng thí nghiệm đang tạo ra nhiều mối lo ngại về mặt đạo đức. Tuy nhiên, nó lại giành được sự ủng hộ của các nhà bảo vệ môi trường cũng như các tổ chức bảo vệ quyền động vật. Công nghệ này sẽ giúp chúng ta giảm bớt việc giết mổ động vật để làm thức ăn cũng như giảm bớt sự hao tổn tài nguyên thiên nhiên.
Thịt bò sản xuất trong ống nghiệm sẽ giúp cắt giảm đến 90% lượng khí thải carbon so với một trang chăn nuôi truyền thống có cùng quy mô.
Các khảo sát gần đây cũng cho thấy rằng những người ăn chay cũng sẽ đồng ý ăn thịt được tạo ra từ phòng thí nghiệm vì chúng không xuất phát từ cơ thể động vật sống. Chính vì thế, đây là một thị trường màu mỡ cho các nhà đầu tư.
Các nhà khoa học sẽ tách lấy một mảnh nhỏ phần vú của gà tây. Sau đó họ sẽ cô lập những tế bào đặc biệt và từ đó tạo thành sợi cơ. Những tế bào này sẽ được đặt trong hỗn hợp các axit amin và đường, từ đó chúng sẽ phân chia và tạo thành những mảng protein. Nhóm nghiên cứu cũng đang tìm cách thêm chất béo, hệ thống mạch máu vào các tế bào thịt được nuôi cấy để chúng có thể nhận oxy và phát triển thành một miếng thịt hoàn chỉnh, thay vì một mảnh mô cơ mỏng.
Một tế bào gốc duy nhất có thể tạo ra đến 75 bộ phận gà tây giống hệt nhau trong suốt ba tháng. Trên lý thuyết, chỉ một lượng tế bào khá nhỏ cũng sẽ giúp sản xuất số lượng thịt đủ để tạo thành 20 nghìn tỷ con gà tây.
Một tế bào gốc duy nhất có thể tạo ra đến 75 bộ phận gà tây giống hệt nhau trong suốt ba tháng.
Theo lý thuyết, động vật cần 1,4 – 3,6kg dưỡng chất để tạo ra 450gr thịt. Đó là chưa tính đến 30% bề mặt Trái đất dành cho việc chăn nuôi, chế biến thịt. Như vậy rất không hiệu quả, chúng tiêu tốn thức ăn và tạo ra chất thải. Hơn nữa, nếu con người tiến hành khai phá các hành tinh khác, chúng ta phải cần đến thịt "nuôi cấy" chứ không thể mang cả một chú bò ra ngoài vũ trụ.
Thịt tạo ra từ ống nghiệm vẫn chưa thật sự hiệu quả về mặt kinh tế. Vào năm 2013, các nhà khoa học cố gắng tạo ra một chiếc bánh hamburger đầu tiên làm từ thịt nhân tạo, họ đã phải mất đến 3 tháng và với chi phí lên đến 220.000 bảng Anh.
Hiện nay, để tạo ra một lượng thịt gà tây với kích thước tương đương một con gà thật, các nhà khoa học phải mất đến 20.000 bảng Anh. Trong đó chi phí lớn nhất chính là huyết thanh tăng trưởng.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu hiện đang làm việc cùng với kỹ sư y sinh David Kaplan tại Đại học Tufts, Massachusetts. Họ đang tìm kiếm một phương pháp phát triển các tế bào bằng công nghệ in 3D. Điều này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình sản xuất và hạ thấp chi phí.