Các nhà khoa học vừa tạo ra một chủng virus cúm tương tự chủng cúm Tây Ban Nha 1918, một chủng cúm "cực kỳ nguy hiểm" đã từng giết chết 50 triệu người trong lịch sử.
Thí nghiệm được một số người coi là điên rồ, nhưng các nhà nghiên cứu Mỹ đứng sau nghiên cứu này chia sẻ rằng, nó rất hữu ích trong việc kiểm soát những rủi ro gây ra cho công chúng bởi virus cúm lây lan trong các loài chim hoang dã.
Nhóm nghiên cứu sử dụng một quá trình được gọi là di truyền ngược để khảo sát chủng cúm khét tiếng năm 1918.
Các virus mới được tạo ra bằng cách sử dụng các mảnh của các chủng cúm trong các loài chim hoang dã, sau đó biến đổi để làm cho nó có thể lây lan dễ dàng sang các động vật khác qua không khí.
Một báo cáo được công bố trên tạp chí Cell Host và Microbe cho biết, nghiên cứu này cho thấy các thành phần di truyền cho một đại dịch như vậy đã tồn tại trong tự nhiên và có thể kết hợp để tạo ra một thảm họa chết người.
Nhưng Lord May, cựu giám đốc cố vấn khoa học cho chính phủ Vương quốc Anh cho biết dự án của Đại học Wisconsin-Madison là "cực kỳ nguy hiểm".
Ông chia sẻ với The Guardian rằng: "Công việc họ đang làm là cực kỳ điên rồ. Toàn bộ hành động này cực kỳ nguy hiểm! Đúng là có những mỗi nguy hiểm, nhưng nó không xuất phát từ các virus hiện có trong các loài động vật, nó phát sinh từ phòng thí nghiệm của những kẻ có những tham vọng điên cuồng".
Trong khi đó Giáo sư Yoshihiro Kawaoka, người đứng đầu dự án, lại lập luận rằng, công việc của ông nhằm mục đích cứu mạng sống của người dân.
Ông nói: "Trường hợp xấu nhất là sự xuất hiện của một loại virus gia cầm mới có khả năng gây bệnh cao cho con người, như virus H5N1, và có khả năng lan truyền giữa người và người như virus cúm theo mùa. Những phát hiện của chúng tôi chứng minh giá trị của việc liên tục giám sát virus cúm gia cầm và nhu cầu cải thiện vắc-xin và thuốc kháng virus cúm để chuẩn bị cho một kịch bản tương tự có thể xảy ra".