Vệ tinh Liên Xô và mảnh tên lửa Trung Quốc thoát va chạm

Hai mảnh rác vũ trụ với tổng khối lượng 2.800 kg và tốc độ hơn 52.000 km mỗi giờ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng nếu đâm nhau.


Mô phỏng đường bay của vệ tinh Liên Xô cũ (xanh) và mảnh tên lửa Trung Quốc (vàng). Video: LeoLabs.

Vệ tinh định vị Liên Xô đã ngừng hoạt động và mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc lao sượt qua nhau phía trên Nam Đại Tây Dương hôm 15/10, theo LeoLabs, công ty chuyên theo dõi các vật thể trên quỹ đạo.

Trước đó, công ty này cảnh báo hai mảnh rác vũ trụ có thể va chạm ở độ cao 991 km ngoài khơi châu Nam Cực. Các phân tích chỉ ra chúng sẽ bay qua cách nhau chỉ 7-43 m, khoảng cách rất nhỏ trong không gian. Khả năng va chạm là hơn 10%. NASA thậm chí phải điều chỉnh quỹ đạo của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) khi khả năng va chạm với vật thể khác chỉ là 0,001%.

"Không có dấu hiệu va chạm. Mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc bay qua Hệ thống radar Không gian Kiwi LeoLabs khoảng 10 phút sau thời điểm tiếp cận gần nhất với vệ tinh Liên Xô. Dữ liệu của chúng tôi ghi nhận chỉ có một vật thể bay qua đúng như mong đợi, không có các mảnh vỡ khác", LeoLabs thông báo hôm 16/10.

Vệ tinh Liên Xô và mảnh tên lửa Trung Quốc có tổng khối lượng là 2.800 kg. Chúng lao về phía nhau với vận tốc hơn 52.000 km mỗi giờ. Sự cố va chạm giữa chúng sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng với lượng lớn mảnh rác văng vào không gian.

Vùng không gian quanh Trái Đất đã có rất nhiều rác. Khoảng 34.000 vật thể rộng hơn 10 cm đang bay xung quanh Trái Đất, theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA). Trong khi đó, số vật thể rộng từ 1-10 cm trên quỹ đạo là 900.000, số vật thể rộng 0,1-1 cm lên tới 128 triệu.

Những mảnh vỡ nhỏ cũng có thể khiến vệ tinh hư hại đáng kể do có vận tốc lớn. Ví dụ, ở độ cao 400 km, nơi trạm ISS đang hoạt động, các vật thể di chuyển với vận tốc hơn 28.000 km mỗi giờ.

Việc va chạm cũng không phải chưa từng xảy ra. Ví dụ, năm 2009, vệ tinh quân sự cũ của Nga Kosmos 2251 đâm vào vệ tinh thông tin đang hoạt động Iridium 33. Sự việc tạo ra 1.800 mảnh rác theo dõi được, ngoài ra còn nhiều mảnh nhỏ đến mức không thể theo dõi.

Vấn đề rác vũ trụ sẽ tiếp tục trở nên nghiêm trọng khi ngày càng nhiều vệ tinh bay lên không gian do chi phí phóng và phát triển vệ tinh rẻ đi. Nhiều chuyên gia cảnh báo, vấn đề này có thể vượt quá tầm kiểm soát, đe dọa đến các hoạt động khám phá vũ trụ nếu không kịp thời xử lý.

Cập nhật: 18/10/2020 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video