Vệ tinh VINASAT-1 chính thức được khai thác thương mại

Sáng 30/5, Đài điều khiển vệ tinh VINASAT chính thức ra mắt, nhận nhiệm vụ điều khiển và cung cấp 6 dịch vụ khai thác quả vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam.

Sau hơn 1 tháng "cân chỉnh" và thử nghiệm đưa vệ tinh vào đúng quỹ đạo, VINASAT-1 đã phát đáp những tín hiệu đầu tiên vào ngày 22/5, đúng 1 ngày trước hạn cuối của ITU bắt buộc Việt Nam phải có vệ tinh hoạt động trên vị trí quỹ đạo 132 độ Đông. Ngày 25/5, thông tin đã được kết nối với quần đảo Trường Sa cùng các trạm khoan dầu khí trên biển.

"Ngày 22/5, Bộ TT-TT đã có văn bản chính thức gửi ITU khẳng định vị trí 132 độ Đông đã có vệ tinh của Việt Nam hoạt động. Đây là một nỗ lực rất lớn của cán bộ, công nhân viên VNPT và VTI đóng góp để dự án có thể thành công", Thứ trưởng Bộ TT-TT Trần Đức Lai đánh giá. "Rất vui mừng là những thử nghiệm tại những vùng sâu vùng xa, hải đảo như Trường Sa đều thành công. Như quý vị đã thấy, tín hiệu truyền dẫn tới các màn hình LCD tại buổi lễ hôm nay cũng rất tốt. Đó là những khởi đầu đáng mừng".

Trạm Điều khiển và Khai thác VINASAT chính thức đi vào vận hành và cung cấp các dịch vụ trên quả vệ tinh đầu tiên của Việt Nam. (Ảnh: Hưng Hải)

Trong số những dịch vụ đầu tiên do Công ty Viễn thông Quốc tế (VTI), đơn vị được giao nhiệm vụ vận hành và khai thác VINASAT-1, triển khai có 3 dịch vụ truyền hình, gồm truyền hình hội nghị, dịch vụ truyền hình lưu động và truyền hình DTH. Bên cạnh đó là 3 dịch vụ kết nối gồm thuê kênh riêng, trung kế di động và dịch vụ fax, thoại và Internet.

Đài điều khiển và khai thác vệ tinh gồm 2 bộ phận chính. Bộ phận điều khiển đảm nhiệm vận hành quả vệ tinh thông qua ăng-ten parabol 13,5 mét tại Quế Dương (Hà Tây). Trung tâm điều hành khai thác mạng NOC (Network Operation Centre) đảm nhiệm vai trò hỗ trợ khách hàng trong lĩnh vực kết nối, khai thác dich vụ.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Trần Đức Lai: "Đây là một nỗ lực rất lớn của cán bộ, công nhân viên VNPT và VTI đóng góp để dự án có thể thành công". (Ảnh: Hưng Hải)


Tại buổi lễ khánh thành Đài Điều khiển và Khai thác vệ tinh VINASAT-1, Đài Truyền hình Việt Nam đã ký kết hợp đồng với VTI, trở thành khách hàng chính thức đầu tiên sử dụng dịch vụ thuê kênh của VINASAT-1 (không tính các đơn vị thành viên của VNPT). Hiện tại, Đài truyền hình Việt Nam đã phát thử nghiệm 4 chương trình truyền hình VTV1, VTV2, VTV3 và VTV4 trên sóng của quả vệ tinh này. Cả 4 kênh sử dụng băng tần C+ có vùng phủ sóng rất rộng, bao phủ cả vùng lãnh thổ, lãnh hải của Châu Á - TBD.

Cả 4 kênh phát thử nghiệm sử dụng băng tần C+ có vùng phủ sóng rất rộng, bao phủ cả vùng lãnh thổ, lãnh hải của Châu Á - TBD. (Ảnh: Hưng Hải)

Để có được bản hợp đồng đầu tiên này, VTV và VTI đã phải làm việc liên tục trong suốt 1 năm rưỡi vì có rất nhiều công việc liên quan đến phối hợp tần số, chuyển đổi dung lượng, thay đổi và điều chỉnh thu phát tín hiệu,... Tuy nhiên, mọi công tác cho đến nay đã hoàn tất và tín hiệu truyền dẫn thử nghiệm 4 kênh truyền hình qua VINASAT-1 đều cho chất lượng hình rất tốt.

Đại diện VTV, ông Phan Trường Định, khẳng định bản hợp đồng đầu tiên này không đơn thuần là một thỏa thuận kinh doanh. Đó là lời cam kết của VTV trong việc phối hợp chặt chẽ với VNPT trong khai thác và vận dụng hiệu quả VINASAT-1.

"Theo chúng tôi, việc tín hiệu truyền hình quốc gia được phát trên VINASAT-1 là nghĩa vụ và cũng là trách nhiệm Đài Truyền hình Việt Nam. Đó không chỉ là phương tiện, mà còn là niềm tự hào và tình cảm của chúng tôi", ông Định nói.

Đài Truyền hình Việt Nam trở thành khách hàng chính thức đầu tiên sử dụng VINASAT-1, đánh dấu giai đoạn thương mại hóa vệ tinh đầu tiên của Việt Nam. (Ảnh: Hưng Hải)


Bài toán kinh doanh

Cho đến thời điểm này, công việc đưa vệ tinh VINASAT-1 lên quỹ đạo địa tĩnh của trái đất trong suốt 10 năm qua đã hoàn tất thành công. Tuy nhiên, điều đó cũng mở ra một chặng đường 20 năm trước mắt để khai thác hiệu quả vệ tinh này. Kết quả kinh doanh của VINASAT-1 sẽ là tiền đề cho các dự án VINASAT-2, VINASAT-3 trong tương lai.

Ông Lâm Quốc Cường, Phó Giám đốc VTI, cho biết nhận bàn giao về kỹ thuật chưa đầy 1 tuần, VTI và các khách hàng có nhu cầu sử dụng vệ tinh đã xúc tiến nhiều công việc để chuyển đổi vệ tinh. Kế hoạch kinh doanh thương mại hóa VINASAT-1 đã được chuẩn bị và sẵn sàng.

Ông Lâm Quốc Cường, Phó Giám đốc VTI: "Với băng tần, vùng phủ sóng và giá cước của VINASAT-1, chắc chắn sẽ có những những nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh trong khu vực sử dụng vệ tinh này". (Ảnh: Hưng Hải)

Tiếp sau VTV, những trước mắt sẽ là các bộ ngành, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp viễn thông. Theo dự kiến, mọi đầu mối trong nước có thể chuyển về sử dụng VINASAT-1 trong năm 2008. Nếu thuận lợi, 100% băng thông vệ tinh sẽ được đưa vào sử dụng trong vòng 3 năm. Nhưng đó là một nỗ lực rất lớn. Việc kinh doanh hiệu quả vệ tinh đầu tiên này được đánh giá là một thách thức về vấn đề kinh nghiệm.

"Căn cứ vào thực tế vệ tinh của mình, đặc tính kỹ thuật, vùng phủ sóng, cũng như các điều kiện cần thiết, giá thành cũng như giá cước, dung lượng vệ tinh của các nhà cung cấp trong khu vực và quốc tế, chúng tôi xây dựng bảng giá cước hết sức linh hoạt để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng", ông Cường nói.

Thời gian vừa qua, VTI đã tiến hành chuyển đổi trạm liên lạc giữa Trường Sa và đất liền từ vệ tinh của nước ngoài sang VINASAT-1. Đó là sự chủ động của tập đoàn VNPT và VTI là đơn vị trực tiếp thực hiện. Đối với ngành dầu khí, VTI cũng đã bố trí cán bộ kỹ thuật và các trang thiết bị cần thiết ra các dàn khoan để tiến hành chuyển đổi. Đến ngày 30/5/2008, hai khách hàng dầu khí đã chuyển đổi từ kênh vệ tinh của nước ngoài về sử dụng VINASAT-1.

Người đại diện VTI khẳng định với băng tần, vùng phủ sóng và giá cước của VINASAT-1, chắc chắn sẽ có những những nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh trong khu vực sử dụng vệ tinh này. Tín hiệu đo kiểm sử dụng VINASAT-1 tại Việt Nam cho kết quả tốt hơn hẳn so với việc thuê của nước ngoài.

Trên thực tế, VINASAT-1 là vệ tinh có công nghệ hiện đại nhất trong số các vệ tinh đang bay trên bầu trời Châu Á - TBD.

TS. Mai Liêm Trực: "Trong suốt 10 năm đàm phán, đấu thầu, chúng ta luôn đặt tiêu chí chọn đối tác nào có công nghệ hiện đại nhất, đảm bảo an toàn nhất cho cả quá trình phóng cũng như quá trình vận hành, sử dụng về sau". (Ảnh: Hưng Hải)


"Trong suốt 10 năm đàm phán, đấu thầu, chúng ta luôn đặt tiêu chí chọn đối tác nào có công nghệ hiện đại nhất, đảm bảo an toàn nhất cho cả quá trình phóng cũng như vận hành, sử dụng về sau. Lý do vì vệ tinh khi đã phóng lên rồi thì không ai lên đó mà sửa cả. Chúng ta chỉ có thể điều khiển ở dưới này do những hệ thống điều khiển tự động đã lắp đặt sẵn trên vệ tinh mà thôi", Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT-TT), nói.

VINASAT-1 được chế tạo theo công nghệ series A2100, là model mới nhất của Lockheed Martin tính đến thời điểm này. Trong thời gian tới, các vệ tinh được phóng nếu cùng dung lượng với VINASAT-1 thì chắc chắn vẫn sẽ sử dụng khung vệ tinh như vậy.
Hưng Hải (Theo VietNamNet)
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video