Venice không để nước xóa sổ với hệ thống đê chìm nổi

Thành phố nổi tiếng Venice của Ý có nguy cơ bị xóa sổ bởi nước biển nếu như không có biện pháp đúng đắn. Và nước Ý phải chi ra 7 tỉ USD để bảo vệ thành phố 60.000 người dân này.

Venice là thành phố nằm trong một phá, gồm 124 hòn đảo. Đây từng là một trung tâm kinh tế của thế giới trong thời Trung cổ với 250.000 dân.


Trong quá khứ, mỗi khi có lụt, người dân Venice di chuyển khắp thành phố bằng sàn đi di động - (Ảnh: Guardian).

Mỗi năm Venice lún xuống 0,4mm - hậu quả do việc khai thác nước ngầm quá mức trong giai đoạn thập niên 1970. Đồng thời, nước biển lại tăng 1,4mm. Tổng cộng, mỗi năm Venice bị chìm xuống dưới mực nước 2mm. Tổng cộng trong thế kỷ 20, Venice bị lún xuống 23cm khiến nhiều người gọi nơi này là "thành phố đang chìm".

Việc nhiều nhà cửa bị hư hại và tình trạng ngập lụt thường xuyên, nhiều người đã bỏ Venice ra đi, khiến nơi này hiện nay chỉ còn 60.000 dân.

Theo địa hình, nước từ biển Adriatic đi vào phá theo ba cửa là Lido, Malamoco và Chioggia. Ngập lụt là tình trạng bình thường tại Venice nhưng tình trạng ngày càng tồi tệ hơn. Năm 1966 đánh dấu trận lụt lịch sử tại đây khi nước dâng cao lên đến 1,94m - cao hơn mực nước biển thông thường 1,5m. Và chỉ tính riêng trong năm 1997, Venice phải hứng chịu tổng cộng 100 cơn lụt lớn nhỏ. Với những con lụt nhỏ, người dân Venice di chuyển bằng sàn đi di động được lắp tạm thời.

Để tránh việc Venice bị phá hủy, Chính phủ Ý đã phải mất rất nhiều thời gian xét duyệt và chi 8 tỉ USD để khởi công Mose - một đê chắn sóng biển nổi - trong năm 2003 tại ba vị trí cửa Lido, Malamoco và Chioggia. Đến năm 2015, công trình gần như hoàn tất.


Cửa Lido, một trong ba cửa để nước từ biển Adriatic đi vào phá - (Ảnh: Wiki).


Vị trí ba cửa Lido, Malamoco và Chioggia, nơi 79 cánh cổng của công trình Mose được lắp đặt để chặn nước từ biển Adriatic đi vào phá - (Ảnh: Daily Mail).

Tổng cộng có 79 cánh cổng được đặt tại Lido, Malamoco và Chioggia. Mỗi cánh cổng rỗng ruột này dài 30m, rộng 20m và cao từ 4-5m. Cửa Lido là cửa lớn nhất nên cần đến 41 cổng và ở giữa phải xây một hòn đảo nhân tạo.

Công trình bắt đầu bằng việc xây móng, gồm những thanh bê tông cốt thép dài 38m, đường kính 0,5m, rộng 20m, chôn vào lòng biển. Sau đó, những cánh cổng được đặt nằm lên đáy biển, một đầu bắt cố định vào móng bằng hệ thống bản lề khổng lồ. Mỗi bản lề đều có camera quan sát để các kỹ sư có thể điều chỉnh chính xác nhất.

Bình thường, nước được bơm đầy vào cánh cổng khiến nó nằm sát xuống đáy biển. Nhưng khi có dự báo ngập lụt trên 1,1m, các kỹ sư dùng máy bơm đẩy hết nước ra ngoài và thay vào bên trong từng cánh cổng không khí nén. Trong vòng 30 phút, không khí nhẹ khiến cánh cổng nổi lên, tạo thành đê chắn góc 45 độ với mặt biển. Mỗi cánh cổng có thể hoạt động độc lập với nhau nên đê chắn này rất linh hoạt.

Công trình có thể hoạt động trong 100 năm, chống lại những con sóng cao đến 3m để bảo vệ thành phố Venice.


Ảnh minh họa sơ đồ hoạt động của công trình Mose, vẽ quá trình các cánh cổng được bơm khí "bật dậy" từ đáy biển - (Ảnh: watertechnology)


Công trình Mose nhô lên khỏi mặt biển để chặn nước từ biển Adriatic vào trong phá - (Ảnh: Daily Mail).


Các cánh cổng hoạt động độc lập với nhau nên có thể được thả nổi linh hoạt - (Ảnh: Daily Mail).

Không chỉ vậy, con đê nổi linh động này là giải pháp giúp bảo vệ môi trường biển tại Venice, đồng thời giúp khôi phục những ngành nghề truyền thống của thành phố.

Việc đê nổi chỉ được sử dụng vài giờ khi nước biển dâng cao giúp nước vẫn lưu thông bình thường giữa đầm và biển Adriatic nên hệ sinh thái tại đây gần như không bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, việc giữ cho Venice luôn khô ráo giúp họ có thể trồng nho trở lại. Matteo Bisol, giám đốc vườn nho Venissa trên đảo Mazzorbo, nói: "Trong thế kỷ 19, có rất nhiều xưởng rượu trong phá nhưng vào năm 2002, khi chúng tôi quyết định khôi phục lại nghề này, gần như không còn xưởng nào. Trong vài năm qua, nhiều trận lụt lớn đã đến Venissa nhưng tất cả nho đều sống".

Cập nhật: 22/09/2016 Theo Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video